Người máy làm y tá, “trợ thủ shopping”

Gia Khanh
29/05/2022 - 09:57
Người máy làm y tá, “trợ thủ shopping”

Robot Grace

Ngoài các sản phẩm robot công nghiệp, các loại robot hình người cũng được nghiên cứu và sản xuất, đem lại nhiều lợi ích trong đời sống.

Các nữ siêu người máy

Năm 2017, Sophia đã làm nên lịch sử khi trở thành người máy đầu tiên được cấp quyền công dân hợp pháp. Sophia có hình người, mang quốc tịch Arab Saudi. Robot nổi tiếng này được vận hành bởi một hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến. Công nghệ AI của Sophia mang đến khả năng nâng cao kiến thức và ngôn ngữ thông qua các cảm biến và camera. Hệ thống nhạy cảm này nắm bắt tất cả thông tin nó nhận được từ bên ngoài và sao chép các hành vi của con người theo cách tự nhiên nhất có thể, ngay cả cử chỉ.

Robot Sophia

Robot Sophia

Ngoài vai trò là một biểu tượng, Sophia còn là một nghệ sĩ và nhà phê bình nghệ thuật thành công ở đẳng cấp thế giới. Một trong những tác phẩm của cô đã được bán đấu giá gần 690.000 USD. Robot tiên tiến này cũng là một giảng viên về các chủ đề khoa học và công nghệ, xuất hiện cùng với các nhân vật nổi tiếng trong các hội nghị truyền hình, chương trình truyền hình và các trường đại học trên khắp thế giới.

Sau Sophia, tháng 6/2021, nhà sáng chế người Mỹ David Hanson ra mắt người máy Grace hướng tới chăm sóc sức khỏe. Grace có thể biểu hiện cảm xúc với 48 nét mặt.

Robot Gita

Robot Gita

Người máy Grace có khuôn mặt đậm nét Á Đông, mặc bộ đồng phục y tá màu xanh. Được thiết kế như một trợ lý cho các bác sĩ, Grace được trang bị các cảm biến, bao gồm một camera nhiệt để phát hiện nhiệt độ và mạch của bệnh nhân, giúp các bác sĩ chẩn đoán bệnh tật và đưa ra phương pháp điều trị. 

Chuyên về chăm sóc người cao tuổi, Grace nói 3 ngôn ngữ: Tiếng Anh, tiếng Quan Thoại và tiếng Quảng Đông, đồng thời có thể giao tiếp xã hội và thực hiện liệu pháp trò chuyện. Việc đi mua sắm với đầy ắp những túi đồ trên tay thực sự là một khó khăn đối với người cao tuổi. 

Để giúp việc này trở nên dễ dàng hơn, một công ty tại Mỹ đã phát triển robot Gita để trở thành trợ thủ đắc lực cho những người cao tuổi. Robot Gita được trang bị các camera giúp nhận dạng ghép nối với một người để di chuyển theo họ. Robot có thể chở theo 18kg hàng hóa và di chuyển theo một người đi bộ, thậm chí đi xe đạp. Robot cũng có thể trở thành chỗ ngồi nếu người sử dụng cần nghỉ chân giây lát.

Lao động robot

"Xin chào! Bạn khỏe không?", anh Michio Imai gửi lời chào đến những vị khách vừa bước vào quán cà phê Dawn ở quận Nihonbashi, Tokyo (Nhật Bản). Lời chào được phát ra từ một chú robot có hình dáng như chim cánh cụt.

Robot phục vụ ở quán cà phê Dawn tại Nhật Bản

Robot phục vụ ở quán cà phê Dawn tại Nhật Bản

Khi Imai - người đang ở cách quán 800km - cất lời chào khách hàng, con robot cũng nháy mắt với khách và vẫy chào bằng hai cánh tay bé xíu. Imai là một trong số 50 nhân viên của quán Dawn, những người được gọi là "phi công" vì điều khiển robot phục vụ trong quán. Điểm chung của các phi công này là gặp những khiếm khuyết về thể chất và tâm lý nhưng mong muốn được làm việc có ích. 

Những robot và quán cà phê như Dawn đã hỗ trợ tinh thần cho những người không may khiếm khuyết cơ thể. Chẳng hạn như Imai, người mắc bệnh rối loạn triệu chứng soma nên rất khó ra khỏi nhà. Việc được tuyển dụng làm nhân viên điều khiển robot cho quán Dawn khiến anh rất hạnh phúc. "Miễn là tôi còn sống, tôi muốn cống hiến điều gì đó cho cộng đồng bằng cách làm việc. Tôi cảm thấy hạnh phúc nếu mình có thể là một phần của xã hội", Imai chia sẻ.

Không chỉ có robot chào khách, quán cà phê Dawn còn có khoảng 20 robot nhỏ được đặt trên bàn và nhiều khu vực khác của quán. Các robot này mang tên OriHime, được trang bị camera, micro và loa, cho phép người điều khiển chúng giao tiếp với khách hàng từ xa.Khách hàng có thể trò chuyện và đặt món với các nhân viên quán thông qua OriHime. Việc chuẩn bị món và bưng bê được giao cho các nhân viên có mặt tại quán cùng 3 robot cỡ lớn hình người.

Dự án "cà phê robot" xuất phát từ ý tưởng của Kentaro Yoshifuji (33 tuổi). Anh chia sẻ thời thơ ấu của anh phải ở trong nhà, không được đến trường vì vấn đề sức khỏe. Những trải nghiệm cá nhân đã dẫn anh đến ý tưởng giúp những người khuyết tật có thể làm việc mà không cần rời khỏi nhà. Quán cà phê Dawn được mở với sự giúp sức của cộng đồng và các công ty lớn.

Robot Leonard o làm các việc nguy hiểm

Robot Leonard o làm các việc nguy hiểm

Sửa đường điện cao thế, sơn tường nhà cao tầng - những nghề được xem là mạo hiểm với con người - sẽ sớm được giao lại cho robot "biết bay" đảm nhiệm. Robot biết bay này có tên gọi là Leonardo (hay LEO) do nhóm nghiên cứu Viện công nghệ California (Mỹ) về công nghệ và hệ thống tự động sáng chế.

Đây là loại robot đầu tiên sử dụng đôi chân được ghép lại từ nhiều mối nối và động cơ đẩy nhằm giúp robot giữ thăng bằng và thực hiện nhiều chuyển động phức tạp như nhún, bay. LEO có thể thay thế con người để xử lý những công việc nguy hiểm như kiểm tra dây điện cao thế, sơn các cây cầu, kiểm tra và lắp đặt thiết bị ở những các tòa nhà cao tầng, thậm chí cả giúp việc trong gia đình.

Nguồn: Reuters, Entrepreneur
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm