Người mẹ 8 lần sinh con nhưng mất 4, hàng ngày cõng con 14 tuổi vẫn như bé lên 3 

Lê Phương
25/12/2020 - 06:00
Người mẹ 8 lần sinh con nhưng mất 4, hàng ngày cõng con 14 tuổi vẫn như bé lên 3 
Mắc nhiều căn bệnh trong người khiến Hiếu dù đã 14 tuổi nhưng chỉ nặng có 16kg, dẫu vậy em luôn biết vươn lên để đạt thành tích cao trong học tập.

Nguyễn Trung Hiếu năm nay 14 tuổi, đang học lớp 7 tại trường THCS Vạn Thái (Ứng Hòa, Hà Nội) nhưng phải tạm nghỉ học để khăn gói xuống Bệnh viện Xanh Pôn điều trị bệnh từ ngày 6/12 đến nay. Bất cứ ai khi lần đầu gặp mặt cũng đều ngạc nhiên vì không thể tin nổi cậu bé thiếu niên 14 tuổi, đang theo học lớp 7 lại có thân hình nhỏ thó như đứa trẻ lên 3 với cân nặng chỉ 16,5kg. 

Hiếu 14 tuổi nhưng chỉ nặng 16kg chỉ như đứa trẻ lên 3.

Cách đây 18 ngày, sau khi có biểu hiện ho, sốt, Hiếu được đưa đến Bệnh viện Vân Đình sau đó chuyển thẳng xuống Bệnh viện Xanh Pôn điều trị. Tại đây, qua thăm khám tổng thể, các bác sĩ chẩn đoán Hiếu bị Cúm A/ Viêm phổi/ tim bẩm sinh hở chủ vừa, hở hai lá nhẹ/ gù vẹo cột sống bẩm sinh.

Bà Phạm Thị Lịch (55 tuổi, mẹ của Hiếu) cho biết hai vợ bà có tất cả 8 người con, Hiếu là con thứ 7 trong gia đình. Trớ trêu thay, người mẹ trải qua 8 lần sinh nở nhưng phải chịu nỗi đau mất con đến 4 lần vì bệnh tật. 

Trong số 4 người con còn sống, may mắn là hai người con sinh trước Hiếu khỏe mạnh bình thường, còn Hiếu và người con út của bà Lịch nuôi hoài không lớn. Đã vậy lại phải chịu cảnh bệnh tật hành hạ từ lúc chào đời cho đến nay.

Khi chào đời Hiếu nặng 2kg, bị tim bẩm sinh nhưng không có tiền điều trị.

Khi chào đời Hiếu nặng 2kg, sau đó được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh tim bẩm sinh nhưng gia đình không có tiền chữa trị nên đành ôm con về nhà, có gì ăn nấy. Rồi năm tháng qua đi, tuổi Hiếu ngày càng lớn nhưng thân hình thì chẳng phát triển được là bao. Đã vậy chân tay ngày càng teo tóp và co quắp lại. “Bàn chân Hiếu không đứng được thẳng ra, nếu muốn đi thì phải nhón 10 đầu ngón chân lên mới đi được”, bà Lịch chia sẻ.

Dù chịu nhiều nỗi đau về thể xác, chịu thiệt thòi vì thân hình như đứa trẻ lên 3 nhưng theo lời bà Lịch, Hiếu là người rất biết suy nghĩ và rất có nghị lực. Kể từ khi học xong mầm non, Hiếu vào tiểu học và đến nay vẫn học cùng các bạn bằng tuổi, chưa phải học lại năm nào. 

Hiếu học rất giỏi và cập nhật thông tin trong những ngày nghỉ học qua chiếc điện thoại cũ được một người tặng khi ở viện.

Thậm chí, hai năm học gần đây nhất, dù thường xuyên đi viện nhưng Hiếu vẫn đạt học sinh giỏi, còn được huyện Ứng Hòa tặng giấy khen học sinh vượt khó vươn lên. “Ở trường em thích nhất là học môn Toán và Văn, hai môn này luôn được 8 điểm trở lên. Ngoài ra em thích đánh cờ tướng, thích đá bóng, đánh cầu lông nhưng do yếu quá nên không chơi được”, Hiếu kể.

Đây là lần đầu tiên Hiếu ra BV Xanh Pôn điều trị và cũng là lần ở viện có thời gian dài nhất. Hiếu nói rằng, hàng ngày em cố ăn uống để sớm được về, để được đi học vì em rất nhớ trường, nhớ lớp, nhớ các bạn.

Bà Lịch với gương mặt khắc khổ cõng con đi khắp thế gian.

Ngồi bên cạnh nghe con nói, bà Lịch ngắt lời: “Đó chỉ là lý do thôi. Cái chính là Hiếu không muốn thấy mẹ khổ”. Gần 20 ngày ở viện, ngày nào cũng thấy mẹ lận đận chăm lo, đi xin từng hộp cơm bát cháo nên Hiếu không đành lòng. Có những hôm đi xin cháo từ thiện về cho Hiếu ăn xong, chạy ra xin cơm từ thiện thì họ đã phát xong, khi đó bà Lịch lủi thủi về phòng vét nốt chỗ cháo thừa của con lót dạ. Chứng kiến cảnh mẹ như vậy nên Hiếu chỉ muốn về nhà.

“Mẹ đừng nói gì nữa, con biết hết rồi, mẹ con mình một đồng cũng không có, các bác và mọi người giúp đỡ nên ngày nào cũng có cháo ăn”, Hiếu nói với mẹ.

Khi biết hoàn cảnh khó khăn, những người cùng phòng gom góp mỗi người vài chục nghìn cho mẹ con Hiếu cải thiện bữa ăn, nhưng cậu học trò nhỏ lại nói với mẹ rằng: “Mẹ ơi, hay mẹ con mình cứ ăn cháo từ thiện. Số tiền đó cóp lại mai kia về lấy tiền đóng học cho con”.

Hiếu rất thương mẹ và muốn về nhà để mẹ đỡ khổ.

Nghe con nói vậy, bà Lịch chỉ biết gạt đi những giọt nước mắt, bà tự trách mình là mẹ sinh con ra mà không lo được cho con trọn vẹn. Ở quê hai vợ chồng bà chỉ biết bám vào vài sào ruộng, lúc rảnh rỗi lại đi phụ hồ để kiếm tiền trang trải. Do hoàn cảnh khó khăn nên gia đình cô Lịch thuộc diện hộ nghèo, vì thế mọi trang trải học hành của các con cũng được hỗ trợ phần nào.

Những ngày ở viện Hiếu tâm sự với mẹ rằng, do thân hình nhỏ bé nên mong ước sau này sẽ học về máy tính để kiếm tiền chăm lo cho bản thân và phụ giúp cho bố mẹ. Nghe con nói vậy, bà Lịch chỉ biết động viên con, nhưng trong đầu lại nghĩ: “Tiền đâu để mua máy tính, cho con thỏa mong ước bấy lâu”.

Bà Lịch và suất cơm hai mẹ con ăn chung được một người mua giúp.

Khi câu chuyện đang còn dang dở, nghe tiếng gọi cơm từ thiện đã đến, bà Lịch vội vàng chuẩn bị mũ dép, rồi cõng con trai ra điểm phát cơm. Thế nhưng cơm đã phát hết cho người bệnh khó khăn khác, bà Lịch lủi thủi cõng con về, may mắn có người biết hoàn cảnh nên đã giúp đỡ để hai mẹ con có được bữa cơm trưa. “Tôi chỉ mua một suất hai mẹ con ăn chung, chiều có cháo từ thiện tôi lại ra xin ăn cho bữa chiều”, bà Lịch tay cõng con, tay cầm hộp cơm vừa đi về phòng vừa nói.

Bác sĩ Nguyễn Văn Long, Khoa Nhi Tiêu hoá – Dinh dưỡng lây (Bệnh viện Xanh Pôn) cho biết bệnh nhân Hiếu nhập viện do bị viêm phổi nặng trên nền mắc cúm, bệnh nhi có dị dạng gù vẹo cột sống, suy dinh dưỡng, mắc tim bẩm sinh…

Hiện sau 3 tuần điều trị sức khỏe tốt hơn và có thể ra viện trong vài ngày tới. Về lâu dài việc phẫu thuật gù vẹo cột sống sẽ khó khăn vì đã lớn tuổi, hiện bệnh viện đang giới thiệu trường hợp của Hiếu với một số tổ chức hàng đầu về chỉnh hình trên thế giới để được tư vấn, hỗ trợ.

Hy vọng tới đây Hiệu sẽ được hỗ trợ về y khoa để có thân hình bình thường.

Mọi sự giúp đỡ hai mẹ con bà Phạm Thị Lịch xin gửi về:

Phòng Công tác xã hội bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, phòng 105 nhà B3, số 12 Chu Văn An, Ba Đình, Hà Nội, Điện thoại : 0243.734.6836 (giờ hành chính).Hoặc gửi về tài khoản: Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn;

Số tài khoản: 005518880001 

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, chi nhánh Đông Đô (ghi rõ ủng hộ bệnh nhân Nguyễn Trung Hiếu – Khoa Nhi tiêu hóa - Dinh dưỡng và Lây).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm