Người mẹ của búp bê Barbie

05/02/2017 - 17:00
Ngày nay, búp bê Barbie đã trở thành một món đồ chơi quen thuộc, thậm chí là không thể thiếu trong thời ấu thơ của nhiều bé gái. Song, đã bao giờ bạn tự hỏi ai là người khai sinh ra cô nàng búp bê xinh đẹp và nổi tiếng khắp thế giới này?

Đó chính là bà Ruth Handler, một người mẹ lấy cảm hứng từ những buổi cùng chơi búp bê với cô con gái nhỏ của mình để sáng tạo ra búp bê Barbie.

Bà Ruth Mosko sinh ngày 4/11/1916 tại Colorado, Mỹ. Cha mẹ bà là người gốc Ba Lan nhập cư vào Mỹ. Năm 22 tuổi, bà kết hôn với Elliot Handler - người chia sẻ đam mê với bà trong công việc kinh doanh.

Năm 1945, hai vợ chồng Elliot và Ruth Handler lập công ty Mattel Creations ở California để sản xuất đồ chơi trẻ em, khung ảnh và đồ nội thất cho những ngôi nhà búp bê. Công việc làm ăn của họ khá phát đạt, thương hiệu Mattel nhanh chóng được mở rộng. Khi đó, họ không thể ngờ được rằng chỉ sau 20 năm, công ty này đã vươn lên trở thành hãng dẫn đầu trên thị trường đồ chơi trẻ em nhờ một loại búp bê có tên Barbie.

4.jpg
Bà Ruth Handler - người khai sinh ra cô nàng búp bê Barbie.

Ý tưởng của ra đời búp bê Barbie bắt đầu vào những năm 1950 khi Ruth thường thích thú quan sát con gái mình là Barbara chơi đồ hàng. Thời đó, trẻ em vẫn thường chơi fashion-dolls, thứ búp bê được cắt bằng bìa cứng rồi mặc cho chúng những bộ quần áo cũng cắt từ giấy. Nhiều lần ngồi bên cạnh nhìn con gái cùng các bạn khác chơi những con búp bê bằng giấy, bỗng một ngày Ruth nhận ra rằng các cô bé không coi búp bê như những em bé mà là những phụ nữ trưởng thành khi chúng lựa chọn một búp bê giấy làm nhân vật chính và xây dựng một cuộc sống xung quanh con búp bê đó gồm: ngôi nhà, chiếc xe, tủ quần áo, rồi người chồng và các em bé nữa. Đó chính là hình ảnh của các cô bé trong tương lai. Từ đó, Ruth chợt nảy ra ý nghĩ về việc sản xuất một cô búp bê không phải là một em bé gái mà trông như một phụ nữ thật sự: xinh đẹp, duyên dáng và thông minh đúng như các bé gái vẫn mơ ước. Ý tưởng của bà không nhận được sự quan tâm của các đồng nghiệp nam nên  lãnh đạo Mattel quyết định tạm gác lại việc này.

Vài năm sau, trong một chuyến du lịch sang châu Âu, Ruth tình cờ mua được con búp bê Lylly do Đức sản xuất, thể hiện đúng ý đồ của bà lúc trước. Song, Lylly lại mang một hình ảnh mạnh mẽ không phù hợp với thị hiếu và tâm lý của các trẻ em Mỹ. Ít lâu sau, Ruth đã nghĩ ra cách biến Lylly thành búp bê có dáng dấp một cô gái trẻ mang những nét đặc trưng của Mỹ, đó là: trong sáng, cởi mở và lạc quan, đồng thời búp bê này cũng phải có thân hình hấp dẫn theo tiêu chuẩn lúc bấy giờ.

Lần này thì ban lãnh đạo đã bị ý tưởng của Ruth thuyết phục, và năm 1958, búp bê Barbie - đặt theo tên gọi thân mật của cô con gái Barbara của gia đình Handler bắt đầu được đưa vào sản xuất.

Barbie được giới thiệu lần đầu tiên ngày 16/2/1959 tại hội chợ đồ chơi trẻ em được tổ chức hàng năm ở New York, được bán với giá 3 USD và được đón nhận nồng nhiệt. Mùa hè năm 1959, Barbie đứng đầu danh sách ‘Những thứ đồ được mong muốn nhất’ của các cô bé Mỹ. Cũng năm đó, Ruth Handler chính thức được cấp bằng sáng chế cho phát minh búp bê Barbie.

3.jpg
 Búp bê Barbie được giới thiệu ra thị trường lần đầu tiên vào năm 1959 và ngay lập tức đứng đầu danh sách ‘Những thứ đồ được mong muốn nhất’ của các cô bé Mỹ.

Nhờ có sự ra đời của Barbie, công ty Mattel dần dần vượt lên trở thành một trong những tập đoàn lớn nhất và quyền lực nhất trong ngành công nghiệp Mỹ. Chỉ sau 1 năm, Handler đã cung cấp hàng trực tiếp cho các cửa hàng đồ chơi lớn mà không cần qua mạng lưới trung gian. Nhờ Barbie mà từ một công ty sản xuất đồ chơi nhỏ bé, Mattel đã lọt vào danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới chỉ sau 5 năm.

Các bé gái không thể rời mắt khỏi các con búp bê Barbie trên các quầy hàng, còn công ty Mattel phải vất vả để hoàn thành hợp đồng giao hàng cho khách. Trong vòng 10 năm đầu tiên, chỉ riêng búp bê Barbie cùng các phục sức đi kèm đã bán được hơn nửa triệu USD. Để các bé gái đỡ gặp rắc rối với việc cắt may quần áo cho búp bê, Ruth Handler đã tuyển nhà tạo mẫu chuyên nghiệp Sharlott Jonhson trong thời gian đầu để đích thân thiết kế quần áo cho Barbie. Búp bê luôn được bán trong những chiếc hộp đẹp đẽ với dòng chữ ‘Bộ quần áo đầu tiên của Barbie’ (Basic Barbie Doll Fashion Set). Đây là chiêu tiếp thị rất tài tình của Ruth.

Việc lựa chọn hình ảnh búp bê cũng là một bí quyết nữa của công ty. Đuôi tóc màu hung vểnh lên theo kiểu Brigit Bardot, mái tóc trước trán bắt chước Audrey Hepburn trong bộ phim ăn khách thời đó là ‘Kỳ nghỉ ở Roma’, bộ đồ tắm sọc may bằng vải Jersey… Barbie mang trên mình tất cả những gì một thiếu nữ Mỹ mong muốn, học theo các ngôi sao màn bạc và mong muốn gây ấn tượng đối với phái mạnh, đó là: lông mày cánh cung, môi mọng, da trắng và mịn như sứ, eo nhỏ, chân dài.

Để giữ vững hình ảnh ngôi sao của Barbie, cả công ty đã phải đổ ra không ít công sức. Những bộ quần áo và trang sức đầu tiên do Sharlott Jonhson tạo ra được in trong những tập quảng cáo phát miễn phí trong các siêu thị. Nhưng sau đó, lãnh đạo công ty quyết định mọi thứ của búp bê Barbie phải được làm y như của con người. Thế là Barbie bắt đầu diện những bộ cánh ‘hàng hiệu’ do chính các nhà mốt Dior, Versace, Gucci, Givenchy thiết kế.

Công ty Mattel luôn luôn cố gắng để quảng bá hình ảnh búp bê của mình. Năm 1964, công ty tung ra bộ Barbie đến trường; năm 1975, Barbie luyện tập thể thao; còn năm 1984, búp bê này đã trở thành nhà vô địch Los Angeles về bơi lội…

Đến khi 25 tuổi thì cô nàng búp bê Barbie đã được công nhận là búp bê của toàn thế giới. Đến năm 1996, website riêng cho Barbie chính thức đi vào hoạt động...

2.jpg
 Cho đến nay, búp bê Barbie vẫn luôn là món đồ chơi chiếm một vị trí không thể thay thế trong giấc mơ của mỗi bé gái.

Trong vòng gần 50 năm, búp bê này đã mặc các loại trang phục từ váy xòe của diễn viên ballet đến áo blouse của nhân viên y tế hay những bộ đồ bảo hộ lao động của công nhân. Người ta đếm được búp bê tích cực với các hoạt động xã hội này đã kịp làm hơn 80 nghề khác nhau.

Sự bành trướng của công ty Mattel ra thị trường thế giới làm bổ sung thêm vào tủ quần áo của Barbie bộ kimono Nhật Bản, bộ sary Ấn Độ, mũ lông của cư dân vùng cực Bắc… Tổng cộng là 49 bộ trang phục truyền thống của các dân tộc. Thế nhưng dù mặc trang phục nào thì Barbie vẫn được coi là búp bê Mỹ, biểu tượng của ‘giấc mơ Mỹ’ - tin tưởng vào tương lai sẽ luôn tươi đẹp.

Nhiều chuỗi cửa hàng dành riêng cho Barbie mọc lên khắp thế giới để du khách tha hồ chiêm ngưỡng các cô búp bê đủ loại với nhiều ngành nghề, quốc tịch, trang phục khác nhau.

Còn đối với Ruth, năm 1967, bà trở thành chủ tịch tập đoàn Mattel và giữ vị trí này cho đến năm 1974. Ruth Handler mất năm 2002 vì bệnh ung thư và đã được dựng tượng trước cổng vào của tòa nhà chính công ty. Bà được coi là biểu tượng của người phụ nữ năng động đối với cả một thế hệ trẻ tại Mỹ. Còn hoạt động kinh doanh của Mattel ngày càng được mở rộng sang những lĩnh vực khác như mua rạp xiếc, công viên giải trí, nhà xuất bản và cả một số rạp chiếu phim… chỉ bằng tiền do một mình búp bê Barbie đem lại.

Cho đến nay, những cô nàng búp bê Barbie vẫn đang thống trị thị trường đồ chơi thế giới và chiếm một vị trí không thể thay thế trong giấc mơ của mỗi bé gái.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm