pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người mẹ của hơn 600 đứa trẻ
Bà Vũ Thị Ngọc Oanh dạy các em nhỏ múa hát sau giờ học văn hóa
Ngôi nhà nhỏ của bà Vũ Thị Ngọc Oanh trên phố Ngô Văn Sở, Hà Nội, từ lâu đã trở thành tổ ấm của hơn 600 đứa trẻ lang thang, mồ côi không nơi nương tựa. Mỗi em nhỏ đến đây đều được vợ chồng bà chăm chút từng bữa ăn, giấc ngủ, hướng dẫn các em học tập, có việc làm ổn định, hạn chế mắc tệ nạn xã hội.
Bà Vũ Thị Ngọc Oanh nhớ lại: "Năm 1989, gia đình tôi mở quán cơm với mục đích để thêm thắt nuôi con ăn học. Quán nằm gần chùa Quán Sứ nên người già, trẻ nhỏ đến xin cơm rất đông. Nhìn những đứa trẻ ốm yếu, mặt mũi nhem nhuốc, đói khát, tôi không khỏi xót xa. Tôi cho chúng ăn và chúng truyền tai nhau đến quán ngày một đông. Vợ chồng tôi rất vui vì có thể chia sẻ phần nào nỗi những thiệt thòi cùng các cháu".
Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của các em, năm 1990, bà bàn với chồng thành lập "tổ bán báo xa mẹ" và đón những đứa trẻ về ăn ở nhà mình để bọn trẻ không phải đi lang thang ăn xin. Vợ chồng bà bỏ tiền đi lấy báo, chồng bà đã đến các sạp báo, các toà soạn viết cam kết bảo lãnh để được lấy báo về cho các cháu bán. Số tiền bán báo được chia cho trẻ để ăn sáng và trưa, còn bữa tối thì ăn ở nhà bà. Số còn lại để các cháu chữa bệnh lúc ốm đau. Tuy nhiên, sau một thời gian, nhận thấy việc các cháu đi bán báo dễ nảy sinh những hệ lụy, đầu năm 1996, vợ chồng bà Oanh quyết định dừng việc cho trẻ đi bán báo và đưa các cháu về ngôi nhà số 13 phố Ngô Văn Sở để nuôi dạy. "Tổ bán báo xa mẹ" được đổi tên thành "Gia đình trẻ em mồ côi xa mẹ". Mục đích chính là để những đứa trẻ mồ côi được học hành, làm người có ích cho xã hội.
Vốn là một cô giáo, không đành lòng nhìn các cháu không được học hành, bà đã lập nên lớp học Nhân Ái ngay tại quán cơm của mình. Ngoài việc dạy chữ bà còn dạy cả đạo đức, văn hóa, cách đối nhân xử thế, giao tiếp, ứng xử hàng ngày.
Để có kinh phí duy trì "Gia đình trẻ em mồ côi xa mẹ", gia đình bà Ngọc Oanh mở một công ty kinh doanh du lịch, một quán ăn và quán cà phê. Căn nhà 5 tầng được dành tầng 1 và một phần tầng 2 để kinh doanh, lấy nguồn kinh phí nuôi trẻ. Tầng 3, tầng 4 là để các cháu sinh hoạt, học tập. Ngoài dạy các cháu ở nhà, bà còn ra bãi giữa sông Hồng, các xóm ven sông ở Phúc Xá, Phúc Tân... dựng lán, thuê nhà mở lớp học xóa mù chữ cho trẻ em ở đây.
Chia sẻ tại chương trình giao lưu điển hình tiên tiến "Tiếp lửa truyền thống phong trào Ba đảm đang, phụ nữ Thủ đô thi đua làm theo lời Bác" sáng 9/6, bà Vũ Thị Ngọc Oanh cười hạnh phúc: "Tính ra chúng tôi có đến cả nghìn đứa con dâu, rể, cháu nội, cháu ngoại". Giờ đây, khi đã bước vào tuổi 80, thành quả tuyệt vời nhất là được nhìn thấy những đứa trẻ lớn lên, thành đạt".
Ghi nhận nghĩa cử cao đẹp và tấm lòng nhân ái của bà, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã trao tặng danh hiệu "Người tốt, việc tốt" tiêu biểu năm 2019 cho bà Vũ Thị Ngọc Oanh. Bà Ngọc Oanh cũng là một trong số những gương mặt phụ nữ Thủ đô tiêu biểu được nhận bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 – 2020.