pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người mẹ nuôi dạy 2 con trai thành tỷ phú nhờ "bí kíp" đơn giản
Khi nói đến công việc nhà, nhiều bậc cha mẹ mặc định rằng đây là nhiệm vụ của người lớn. Là một đứa trẻ, chỉ cần hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, đạt thứ hạng cao đã là phần thưởng lớn nhất cho cha mẹ, tương lai cũng có thể đóng góp nhiều hơn cho xã hội và đất nước.
Đồng ý rằng, thành tích học tập của một đứa trẻ là rất quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh kiến thức thì trau dồi kỹ năng, phát triển cảm xúc cũng là những điều trẻ em cần phải học. Học hành và làm việc nhà không hề là hai khái niệm mâu thuẫn. Ngược lại, trẻ em trong quá trình làm việc nhà cũng có thể có được học tập toàn diện, rèn luyện khả năng thực hành, nắm vững một số kỹ năng lao động, chưa kể còn giúp con thấu hiểu sự vất vả của cha mẹ, học được tính trách nhiệm, biết ơn.
Sarah Imas, một bà mẹ gốc Do Thái ở Thượng Hải (Trung Quốc), nuôi dạy hai người con trai dưới 30 tuổi trở thành tỷ phú, con gái cũng theo học trường danh tiếng. Không chỉ thành công, 3 đứa con của bà đều có tính cách thân thiện, biết yêu thương và hiếu thảo. Khi được hỏi về việc nuôi dạy con, bà cho rằng, bí quyết của mình chính là Cho con làm việc nhà.
Bữa cơm chiều và lời nhắc nhở "định mệnh"
Sau 3 cuộc hôn nhân thất bại, Sarah một mình đưa 3 đứa con từ Trung Quốc sang Israel sinh sống. Là một "phụ huynh kiểu Trung Quốc" điển hình, Sarah nghĩ rằng ngay cả khi bản thân có mệt mỏi đến đâu, cô cũng không bao giờ nỡ để cho con cái giúp đỡ. Kỳ vọng duy nhất của Sarah đối với 3 đứa trẻ là: Mẹ có mệt mỏi đến đâu cũng không sao, miễn là các con có thể học tập chăm chỉ.
Một ngày nọ, 3 đứa trẻ, như thường lệ, vây quanh bếp chờ Sarah nấu ăn. Bỗng nhiên, một cụ bà hàng xóm đến và nói: "Các con đều đã lớn, nên học cách giúp mẹ làm việc, thay vì cứ ngồi ì không di chuyển, cứ há miệng chờ sung như vậy chứ!". Sau đó, bà lão còn mắng cả Sarah: "Cô chẳng phải là bà mẹ có tiếng nói gì cả".
Điều này đã tác động đến Sarah. Quả thật trong các gia đình Israel, cha mẹ cần phải phát triển khả năng làm việc nhà của con cái để đứa trẻ lớn lên cũng có thể tự chăm sóc bản thân. Nó cũng là cách giáo dục, rèn luyện khả năng độc lập và tự chủ của trẻ.
Vì vậy, Sarah quyết định học hỏi từ các gia đình Israel khác, cô tập hợp ba đứa con và làm một lịch trình hàng ngày. Biểu mẫu quy định đứa trẻ trong khoảng thời gian nào sẽ giặt ủi, nấu ăn và dọn dẹp phòng.
Sau khi thực hiện lịch trình trực ban này, Sarah cảm thấy sự thay đổi rõ rệt. Những đứa trẻ trở nên độc lập và có khả năng giải quyết vấn đề tốt hơn.
Bà mẹ này sau đó mở một cửa hàng chả giò, cô quyết định kéo các con vào việc kinh doanh. Sarah nói: "Đây không phải là làm việc trả tiền, giúp gia đình làm việc nhà là nghĩa vụ của các con. Con giúp mẹ bán nem, lao động như vậy tạo ra giá trị thực sự".
Không ngờ biểu hiện của ba đứa trẻ khiến bà mẹ rất bất ngờ. Cậu con trai thứ hai trực tiếp đem chả giò bán buôn cho nhà hàng trường học. Lợi hại nhất là con trai lớn, tổ chức một bài giảng "Đưa bạn đến Trung Quốc" ở trường, có thể đến để nếm chả giò Trung Quốc miễn phí, chỉ phải trả tiền vé.
Sarah nói rằng thật khó để tin những đứa trẻ có thể trở nên tuyệt vời như vậy. Từ những đứa nhỏ suốt ngày bám dính lấy mẹ đợi phục vụ, giờ các con có thể trở thành một ông chủ nhỏ sắc sảo. Dưới sự giáo dục của mẹ, những đứa trẻ đảm nhận công việc nhà trong khả năng của mình nhưng cũng đủ để trải nghiệm sự khó khăn của cha mẹ, biết trân trọng và biết ơn, có trách nhiệm hơn, cũng tìm thấy hướng đi trong cuộc sống trong tương lai.
Hai con trai của Sarah sau đó vừa kinh doanh vừa hoàn thành chương trình học trung cấp và cao đẳng, sau đó vô cùng thành công trong ngành công nghiệp kim cương. Cô con gái út cũng trở thành một nhà ngoại giao xuất sắc.
Làm việc nhà cũng là một phương pháp học
Sarah, một người mẹ bình thường nuôi dạy 3 đứa con ưu tú, chỉ có một bí quyết đơn giản: Để cho con cái làm việc nhà nhiều hơn. Công việc nhà có vẻ dễ dàng, nhưng thực sự muốn làm tốt đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ.
Một bà mẹ khác chia sẻ câu chuyện: Giáo viên thường yêu cầu con gái mang giày trắng và đứa trẻ luôn làm cho giày của mình rất bẩn, cô rất khó khăn để giặt sạch. Vì vậy, người mẹ để cho con gái tự giặt giày một lần. Cô bé vừa làm vừa than thở: "Ui chao, không ngờ giày của con lại khó đánh như vậy". Sau đó, mỗi khi mang giày, cô bé luôn đặc biệt chú ý, không còn làm giày bẩn nhiều như trước nữa.
Việc nhà còn giúp trẻ có tính trách nhiệm, học cách đồng cảm, nuôi dưỡng những phẩm chất siêng năng, kiên nhẫn, chân thành, cẩn thận và có tổ chức.
Làm việc nhà giúp trẻ được gì?
Nâng cao ý thức về giá trị bản thân
Đứa trẻ khoảng 2 tuổi đã nảy mầm ý thức độc lập "Tôi muốn tự làm". Trẻ thích tự ăn, thích mặc quần áo, rửa tay, quét nhà... Đây là những khả năng tự chăm sóc cơ bản nhất. Để cho trẻ làm một cái gì đó trong khả năng của riêng mình, đánh giá cao và khuyến khích trẻ một cách kịp thời sẽ tăng sự tự tin và nâng cao ý thức về giá trị bản thân của trẻ. Khả năng này có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc sống độc lập của trẻ khi chúng lớn lên.
Rèn luyện ý thức trách nhiệm của trẻ
Hãy để đứa trẻ đảm nhận công việc nhà trong khả năng của mình, con sẽ dần dần nhận ra rằng mình là một phần không thể thiếu trong gia đình. Ý thức trách nhiệm này sẽ cho phép trẻ biết gánh vác, trân trọng hơn thành quả lao động của gia đình.
Phát triển khả năng tư duy logic của trẻ
Công việc nhà chính là một loại kiến thức, muốn làm việc hiệu quả hơn, trẻ em phải bắt đầu suy nghĩ, làm việc ra sao để tiết kiệm thời gian hơn, có tổ chức hơn. Ví dụ, để cho đứa trẻ dọn dẹp phòng, con sẽ quét sàn nhà trước hoặc lau nhà trước. Để cho đứa trẻ nấu ăn, con sẽ nấu cơm trước hay xào rau trước... Những điều đơn giản này giúp trẻ suy nghĩ về thứ tự, sẽ sắp xếp thời gian hợp lý hơn, do đó cũng sẽ làm việc có trật tự hơn, mang lại lợi ích lớn cho việc đào tạo tư duy logic của trẻ.
Thành tích của trẻ là quan trọng, nhưng phát triển khả năng sống độc lập của trẻ cũng quan trọng không kém. Chỉ bằng cách này, con mới có thể đối mặt với cuộc sống trong tương lai tốt hơn.