Ở tuần thai thứ 32, chị Deanne Harry, 35 tuổi, đến từ thị trấn ven biển Torquay, Devon, Anh, liên tục bị nhức đầu và sưng đau mắt cá chân. Đến khi mang thai 36 tuần, chị được chẩn đoán mắc tiền sản giật ở Bệnh viện Torbay và được khuyên ở lại bệnh viện. Chị được các bác sỹ đã kích thích các cơn chuyển dạ. Tuy nhiên, biện pháp này không hiệu quả. 4 ngày sau, tức ngày 3/12/2016, bác sỹ tiến hành mổ đẻ và bé Freya ra đời, nhưng bé lập tức được đưa đến nơi chăm sóc đặc biệt do cơ thể chị Deanne bắt đầu xuất hiện những chuyển biến xấu.
Hội chứng HELLP khiến chị Deanne Harry bị hôn mê sâu và phải phẫu thuật ghép gan khẩn cấp. |
Chỉ trong vài giờ, thận và gan của của chị Deanne bắt đầu lâm vào tình trạng hiếm hoi gọi là HELLP – một biến thể của chứng tiền sản giật. Các bác sĩ đã tiến hành mở lại vết mổ và thấy gan của chị chuyển sang màu đen ở một số vị trí và nhợt nhạt ở một số vị trí khác.
Ngay lập tức, chị được chuyển đến Bệnh viện King's College ở London để tìm kiếm một lá gan mới. Khi tính mạng của chị ngày càng trở nên mong manh hơn thì 5 ngày sau, một người 29 tuổi, tình nguyện hiến gan xuất hiện như một vị cứu tinh.
Ca cấy ghép diễn ra thành công mỹ mãn và chị Deanne đã lấy lại ý thức trong 15 ngày sau phẫu thuật. Tuy nhiên, chị vẫn phải nằm im trên giường và chỉ có thể lắc ngón tay.
Lúc này, chị mới được các bác sĩ thông báo tin vui. Mới đầu, các bác sĩ chỉ cho chị xem một bức hình của bé Freya và nói nếu chị nhận ra em bé này thì nháy mắt, nhưng chị đã không nháy mắt vì chị hoàn toàn không nhớ gì về sự ra đời của Freya vào 3 tuần trước.
Chồng chị Deanne, anh David bế bé Freya. |
Chị chia sẻ: “Điều cuối cùng tôi nhớ là chồng tôi đang cười vì những chiếc bao chân nhỏ xíu. Sau đó, tôi tỉnh dậy trong một bệnh viện ở London, bao quanh tôi là những chiếc máy và một chiếc ống dẫn trong cổ họng của tôi. Các bác sĩ cho tôi xem hình ảnh của một đứa trẻ và bảo tôi nháy mắt nếu tôi nhận ra bé nhưng tôi không nháy. Và họ cho tôi xem một ảnh khác , trong ảnh chồng tôi, David đang bế cô con gái mới sinh của chúng tôi. Tôi đã rất ngạc nhiên nhưng tôi thậm chí không thể nói chuyện để hỏi bất cứ câu hỏi nào. Sau đó, David đã đến gặp tôi, và rồi mẹ tôi bế Freya vào.
Tôi không thể ôm con. Mọi người đều nói khoảnh khắc đầu tiên với con là tuyệt vời nhất. Nhưng mặc dù Freya đã được đặt trên ngực của tôi một vài phút, trước khi được đưa đến nơi chăm sóc đặc biệt, thì tôi vẫn không thể nhớ nổi khoảnh khắc đó. Bé chỉ nặng có 2,2 kg khi ra đời nhưng rõ ràng bé đã lớn hơn khi tôi bị hôn mê. Ban đầu, David chỉ có thể đặt bé lên giường nằm cạnh tôi. Nhưng khi tôi khỏe hơn, tôi đã có thể bế con, rồi cho con ăn. Tôi rất lo lắng về cuộc sống sau khi rời bệnh viện vì vậy chúng tôi pahir bắt đầu cuộc sống mới của chúng tôi như một gia đình ngay tại bệnh viện”.
Chị Deanne cảm thấy vô cùng may mắn khi vượt qua cửa tử lần này. Chị cũng vô cùng biết ơn người đã hiến tạng cho mình. |
Chia sẻ về ca phẫu thuật suýt lấy đi mạng sống của mình, chị Deanne nói thêm: “Có thời điểm, chồng tôi, David đã được cảnh báo là sẽ phải tắt máy thở của tôi nếu không có người hiến tạng. Điều đó thật đáng sợ nhưng cũng rất mơ hồ vì tôi thực sự không nhớ mình đã bệnh đến vậy. Tôi cảm thấy minh thật quá may mắn. Tôi nợ người đó và gia đình họ (người đã hiến gan giúp cô) cả cuộc đời mình. Chúng tôi không được phép biết gì về họ, nhưng bệnh viện sẽ chuyển thư cho gia đình của họ và tôi đã gửi cho họ cả những bức ảnh của Freya để họ biết rằng tôi biết ơn họ đến nhường nào vì họ đã cho tôi cơ hội sống với con gái xinh đẹp của tôi”.