Chị Thanh Tâm thân mến!
Em sinh con đầu lòng được gần 2 tuổi. Từ khi sinh cháu, em thực sự rất stress. Ban đầu là do sữa của em về muộn. Thông thường mọi người sau sinh một vài ngày là sữa về. Nhưng em cả chục ngày sau vẫn không có sữa. Vì vậy mẹ chồng em cho rằng em không biết cách kích sữa về dần trong giai đoạn mang thai. Bà còn cho rằng em mặc áo ngực đến tận ngày sinh gây bí bách, sữa không về được. Sau đó em phải nhờ một cô y tá bệnh viện đến giúp thì sữa mới về. Lúc này con em đã quen bú bình nên quyết không ti mẹ. Em thực sự buồn và căng thẳng khi con từ chối ti mình. Sau đó em cũng phải kiên nhẫn vài ngày cháu mới chịu ti mẹ.
Bé nhà em rất quấy, cháu cứ buồn ngủ là khóc ngằn ngặt. Em lại bị khàn tiếng sau sinh nên không thể ru dỗ bé. Thế là nhà chồng lại cho rằng em vụng về, không biết hát ru con.
Khi con đến tuổi tập ăn dặm. Em lên các trang báo mạng uy tín tìm hiểu phương pháp và công thức nấu ăn cho con. Nhưng mỗi lần em nấu bột, cháo cho con đều bị mẹ chồng em phản đối. Nhất là việc cho con ăn nhạt. Bà bảo nấu bột cho con phải nêm nếm vừa miệng người lớn nó mới muốn ăn. Trong khi các chuyên gia dinh dưỡng lại cho rằng nên cho trẻ ăn nhạt hơn người lớn, tránh gánh nặng cho thận. Bà còn nhất quyết bắt em phải nấu cháo cho con ăn đến khi tròn 2 tuổi, trong khi cháu đã mọc đủ răng và rất hào hứng ăn cơm. Buồn nhất là mỗi khi con ốm đau, nhà chồng em đều nói rằng vì cách chăm con của em không đúng nên bé mới bị như vậy. Em không biết phải làm sao đây?
Trần Thu Thanh
Em rất mệt mỏi vì luôn bị chỉ trích trong cách nuôi dạy con (Ảnh minh hoạ) |
Rất nhiều bà mẹ trẻ có hoàn cảnh giống em. Làm mẹ tưởng chừng là điều thuộc về bản năng và tự nhiên ta sẽ làm được nhưng hoàn toàn không phải vậy. Làm mẹ là một quá trình học tập. Tất cả mọi việc ta đều phải tập rồi mới biết, mới quen và thành thạo. Ngay cả nguồn sữa cho con cũng không phải luôn sẵn có. Tùy cơ địa mỗi người mà sữa về sớm hay muộn, thậm chí có những người sữa không về. Chị rất mừng là sữa của em đã về và em tập cho con ti mẹ thành công. Đó không phải là điều ai cũng kiên nhẫn để làm được em ạ.
Với sự bùng nổ của công nghệ và internet, các bà mẹ trẻ như em có nhiều cơ hội tiếp cận với các chuyên gia hơn, dễ tiếp thu được những phương pháp chăm sóc con khoa học hơn. Nhưng cũng dễ vấp phải sự phải đối của những người đi trước, bởi họ cho rằng mình có kinh nghiệm hơn. Nếu bản thân mình không thể thuyết phục được gia đình chồng, đặc biệt là mẹ chồng thì em nên chia sẻ với bà nguồn tư liệu khoa học em có. Ví dụ như rủ bà cùng xem một đoạn phim, một clip của chuyên gia đinh dưỡng hướng dẫn cách làm đồ ăn cho con, và nghe họ lý giải tại sao nên làm như vậy.
Nên nghĩ rằng gia đình chồng có nói gì đi nữa cũng chỉ vì mong những điều tốt đẹp nhất cho con mình. Muốn thay đổi quan điểm của họ cũng cần có thời gian, không thể vội vàng đâu em ạ. Bản thân em nói có thể họ không tin nhưng nếu được tiếp xúc với các chuyên gia trong lĩnh vực chăm sóc trẻ nhỏ, chắc chắn họ sẽ dễ tin hơn em ạ.
Chị chúc em luôn mạnh mẽ, suy nghĩ tích cực, lạc quan và vui vẻ bên thiên thần nhỏ của mình!