Những món hải sản này bao gồm cá chẽm, cá chim, cá bóp, và nhiều nhất là… tôm hùm, được người dân ở Phú Yên, Khánh Hòa chuyển vào cho người nhà ở TPHCM đem ra vỉa hè bán với giá rẻ. Họ vừa bán vừa khóc, vì những con tôm, con cá này chính là những gì còn vớt vát lại được sau cơn bão số 12 vừa rồi. Chính vì phải thu hoạch khi tôm, cá chưa đủ độ lớn, nên giá bán chỉ bằng 30-40% so với mức giá mà họ ước tính sẽ thu được trước đây.
Cụ thể, tại sạp hàng của chị Nguyễn Thị Bích Ngân, ngụ tại quận Gò Vấp, có gia đình ở thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, giá của tôm hùm (trọng lượng mỗi con từ 600g-1kg) là 800.000 đồng/kg, còn loại nhỏ hơn giá chỉ 500.000 - 600.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá tôm hùm được thu hoạch từ vùng biển Nam Trung bộ bán tại thị trường TPHCM có giá từ 1,8-trên 2 triệu đồng/kg, còn bán trong nhà hàng thì trên dưới 3 triệu đồng/kg.
Giá cá chẽm và cá chim “chạy bão” được bán với giá chỉ 60.000-90.000 đồng/kg, rẻ hơn khoảng 50.000 - 70.000 đồng/kg so với bình thường. Tuy nhiên, trọng lượng của mỗi con cá chỉ khoảng trên dưới 1kg, rất nhỏ so với loại cá thu hoạch “đúng lứa” (cá chim khoảng 1,5-2kg/con, cá chẽm từ 2,5-5 kg/con).
Những chuyến hàng được đựng trong những thùng xốp chất đầy nước đá, có người vừa chuyển hàng vào đến TPHCM đã lập tức “trở ngược” ra để ngay trong đêm lại chuyển tiếp chuyến hàng mới, vì “ở ngoài quê không có điện, cá, tôm ướp lâu trong nước đá dễ bị hư hỏng”, chị Bích Ngân cho biết.
Một số người cho biết, gia đình họ (chủ yếu ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, và khu vực Vũng Rô, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) đã đầu tư nhiều tỷ đồng để nuôi tôm, cá trong các lồng bè. Nhưng cơn bão số 12 vừa qua đã phá hủy toàn bộ lồng bè, hầu hết cá tôm đang nuôi đã bị “sổng” ra ngoài biển. Chỉ có một số ít được thu hoạch trước bão, hoặc “vớt” được sau khi bão tan, đem vào Sài Gòn bán, vì ở Nha Trang họ bị ép giá thêm thảm.
Ước tính, mỗi kg tôm hùm họ bị lỗ khoảng 500.000 đồng, mỗi kg cá cũng bị “thiệt” 30.000 đồng (đã trừ chi phí thức ăn cho những tháng còn lại), vị chi, mỗi gia đình có thể bị thiệt hại hàng tỷ đồng. Đã thế, vì giá tôm hùm khá đắt (so với các loại thức ăn khác) nên mỗi ngày một sạp hàng chỉ bán được trên dưới 10 con.
Không chỉ trắng tay sau bão, mà nhiều gia đình nuôi thủy hải sản ở Khánh Hòa và Phú Yên còn phải “ôm” món nợ rất lớn. Giờ đây, họ sẽ phải tiếp tục tìm chỗ để vay tiền nhằm tiếp tục đầu tư cho đợt tôm, cá mới, vì “dân làm nghề biển như gia đình tôi, không nuôi tôm cá thì biết làm gì để sống” – theo lời chị Bích Ngân.
Tuy nhiên, từ giờ đến Tết chỉ còn hơn 3 tháng, nên chắc chắn họ không thể kịp mùa cao điểm cuối năm. Bão số 12 đã khiến người nuôi thủy sản Khánh Hòa, Phú Yên chịu cảnh :thiệt đơn, thiệt kép”!