Cách đây hơn 20 năm, chiếc áo len cổ lọ và chiếc áo vest xanh đậm mà cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ Hillary Clinton và cựu Tổng thống Bill Clinton diện trong suốt thời gian tranh cử, đã trở thành sản phẩm được săn lùng nhất tại Mỹ. Đấy chính là thiết kế tinh tế của Donna Karan.
Tài năng về thời trang của Donna Karan được thừa hưởng từ cha - thợ may, và mẹ - cựu người mẫu kiêm nhân viên bán hàng cho nhà thiết kế Chester Weinberg. Vì vậy, ngay từ nhỏ, Donna Karan đã được tạo điều kiện thiết kế quần áo. 17 tuổi, cô vào học trường thiết kế thời trang Parsons và khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Donna Karan đã làm phụ tá cho nhà thiết kế Chuck Howard, phác thảo thiết kế cho Liz Claiborne. Đây là cơ hội để cô học hỏi, trau dồi thêm kiến thức chuyên sâu về thời trang.
Sau khi tốt nghiệp vào cuối thập niên 1960, Donna Karan đầu quân về đội ngũ thiết kế của Anne Kelin. Tuy vậy, cái bóng của nhà thiết kế Anne Kelin quá lớn nên suốt 10 năm trời Donna Karan vẫn chưa khẳng định được tài năng. Năm 1974, Anne Kelin qua đời, Donna Karan mới trở thành trưởng thiết kế của nhãn hiệu này.
Donna Karan bắt đầu trình làng những dòng sản phẩm mới theo phong cách của mình. Người mộ điệu dễ nhận ra những thiết kế của cô luôn có tính ứng dụng cao, điểm nhấn tinh tế, sang trọng nhưng mức giá khá mềm. Dòng sản phẩm Anne Kelin II chính là điển hình cho sự sáng tạo và thành công của Donna Karan. Cô trở thành người tiên phong cho đế chế hàng hiệu giá rẻ, phân khúc trung lưu dành cho những người sành điệu nhưng hầu bao có giới hạn.
Sau 3 năm mạnh dạn thay đổi và sáng tạo, Donna Karan nhận được giải thưởng Coty’s American Fashion Critics. May mắn lại mỉm cười với Donna Karan khi được nhãn hiệu Takihyo Corportion of Japan hỗ trợ 3 triệu USD giúp cô thành lập thương hiệu riêng.
Ngay sau đó, vào năm 1984, Karan cùng chồng Stephan Weiss thành lập thương hiệu thời trang “Donna Karan New York” viết tắt là DKNY. Với ý tưởng “Thiết kế quần áo hiện đại cho những người hiện đại”, DNYK tập trung vào những người phụ nữ hiện đại, bận rộn. Donna Karan trở thành người đi đầu trong phong trào thời trang ứng dụng với tiêu chí: thoải mái, thanh lịch, đơn giản. Ngay sau đó, Donna Karan trình làng bộ sưu tập đầu tiên làm nổi bật của phong cách này là “Seven easy Pieces” (7 món gồm: Khăn, giày, vòng cổ, túi, áo khoác, váy liền và thắt lưng) ra mắt năm 1985 với với các thiết kế đơn giản, tiện lợi và có thể diện ở bất kỳ hoàn cảnh nào. Những chiếc váy đen bó sát, legging, blazer, váy cuốn tầng gấp trên nền vải jersey, len là linh hồn của bộ sưu tập. Do tính ứng dụng cao và thuận tiện, bộ sưu tập nhanh chóng được phổ biến rộng rãi và Karan được biết đến là “Nữ hoàng của đại lộ số 7”.
Cũng từ bộ sưu tập "Seven Easy Pices", Donna Karan đã khẳng định phong cách thời trang: tính ứng dụng cao, phối hợp ngẫu hứng nhưng vẫn tinh tế, hợp thời, phù hợp túi tiền của người tiêu dùng trung lưu.
Một năm sau, cô được Hội đồng Thiết kế Thời trang Mỹ (Council of Fashion Designers of America- CFDA) trao tặng giải thưởng đặc biệt dành cho những thiết kế sáng tạo.
Vào năm 1988, Karan tung ra nhãn hàng bình dân dành cho những phụ nữ trẻ. Hai năm sau đó, bộ sưu tập DKNY Jeans lấy cảm hứng từ denim được ra mắt. Năm 1992, DKNY mở rộng đối tượng khách hàng sang nam giới với bộ sưu tập “Signature” và sau đó, một loạt các dòng sản phẩm khác của DKNY được ra mắt: DKNY Jeans, DKNY Active, DKNY Underwear, DKNY Juniors, DKNY Kids, DKNY Pure, DKNY Men.
Lúc này, Karan rút khỏi vị trí giám đốc điều hành DKNY, tập trung vào thiết kế cho dòng “Donna Karan” vào năm 1997.
Chỉ trong một thời gian ngắn, Donna Karan nhận vô số giải thưởng: 2 giải "Nhà thiết kế thời trang nữ của năm" của CFDA, trở thành nhà thiết kế nữ đầu tiên đạt giải "Nhà thiết kế thời trang nam" của CFDA năm 1993, "Nhà thiết kế nữ xuất sắc nhất thế giới", "Nhà thiết kế Mỹ mới xuất sắc nhất trong 20 năm", giải "Cống hiến" của CFDA 2004…
Năm 2001, sau khi chồng qua đời vì ung thư, Donna Karan quyết định bán DKNY cho tập đoàn thời trang Pháp - LVMH, Moet Hennessy Louis Vuitton và trở thành nhà thiết kế thời trang cho thương hiệu này.