Theo kết quả thăm dò và phân tích cho biết, mức độ mua sắm trực tiếp tại các cửa hàng bán lẻ trong năm nay được dự báo là “tồi tệ nhất trong lịch sử".
Khảo sát của công ty tư vấn BDO Consumer của Mỹ cho thấy, 70% các hãng bán lẻ đều cho rằng doanh số bán hàng sẽ không tăng.
Tuy nhiên, trong một tín hiệu lạc quan hơn, Liên đoàn Bán lẻ quốc gia Mỹ (NRF) vẫn dự báo mức tăng 3,6% doanh thu bán hàng trong mùa mua sắm năm nay, đạt khoảng 655,8 tỷ USD.
Các nhà bán lẻ Mỹ đã tung ra nhiều chương trình hấp dẫn để lôi kéo khách hàng trong ngày "Black Friday".
Wal-Mart cho biết đã tăng 50% lượng hàng hóa trong kho, đồng thời quảng cáo sớm các chương trình giảm giá trên mạng.
63% người Mỹ không có kế hoạch mua sắm trong ngày "Black Friday" |
Một thống kê khác của công ty phân tích thị trường Market Track (Mỹ) cho thấy 15 hãng bán lẻ hàng đầu của Mỹ đã khởi động mùa mua sắm sớm hơn 3 ngày so với năm ngoái.
Tuy nhiên, giới chuyên gia dự đoán vẫn sẽ có nhiều người Mỹ “không chịu” đi mua sắm dịp "Black Friday" năm nay.
Một nguyên nhân là do người tiêu dùng đã học được rằng giá cả sẽ còn giảm tiếp 30-40% vào thời điểm gần Lễ Giáng sinh.
Bên cạnh đó, theo bà Natalie Kotlyar, người đứng đầu bộ phận bán lẻ và sản phẩm khách hàng tại BDO Consumer, mùa mua sắm tại Mỹ ngày một kéo dài khiến cho ngày "Black Friday" không còn nhiều giá trị.
Ngày "Black Friday" 25/11 tới và trước đó 1 ngày là Lễ Tạ ơn (Thanksgiving) được coi là thời điểm mở màn cho mùa mua sắm và nghỉ lễ lớn nhất trong năm tại Mỹ.
Mua mua sắm từ tháng 11 đến tháng 12 thường rất quan trọng, có thể chiếm đến 40% doanh số bán hàng cả năm của các hãng bán lẻ.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, xu thế này có sự thay đổi lớn, khi thói quen tiêu dùng thay đổi cùng với các đợt bán hàng giảm giá ngày một dày hơn về tần suất và dài hơn về thời gian.
Theo NRF, số người Mỹ đi mua sắm dịp cuối tuần sau Lễ Tạ ơn đã giảm hơn 30% trong vòng 3 năm trở lại đây, từ mức 147 triệu người năm 2012 xuống còn 102 triệu người trong năm 2015.