Người nhàn rỗi nhiều ưu phiền, kẻ lười biếng nhiều bệnh tật, người bận rộn lắm niềm vui

BẢO ANH.
22/05/2022 - 19:00
Người nhàn rỗi nhiều ưu phiền, kẻ lười biếng nhiều bệnh tật, người bận rộn lắm niềm vui
Bận rộn chính là cứu cánh cho mọi thứ, là liều thuốc quý trên thế gian này. Người bận rộn sẽ tích cóp được cho mình nhiều trải nghiệm sống, hạnh phúc từ bên trong.

Con người ta, nhàn rỗi một chút là may mắn, nhàn rỗi quá lại dễ trở thành tai họa. Người nhàn quá sẽ sinh lười biếng, sống buông thả, dễ mắc phải bệnh tật hơn.

Con người cũng giống như máy móc, phải vận hành thường xuyên để không bị han gỉ. Nếu không chịu hoạt động, bản thân sẽ nhanh chóng hỏng hóc, lâu dài dễ bị đào thải bởi những công nghệ phát triển nhanh chóng.

Vào thời Xuân Thu, có một người nước Tề suốt ngày ngồi ngoài đường, nhìn lên bầu trời rồi thở dài đầy ngao ngán. Những người qua đường nhìn thấy vậy liền thắc mắc và hỏi tại sao anh luôn cau mày. Người đàn ông nói:

"Tôi lo rằng bầu trời sẽ sụp xuống hôm nay và tôi đang chết dần vì nỗi lo lắng đó mỗi ngày."

Những người quá nhàn rỗi sẽ như vậy, sinh ra đủ mọi lo lắng trên đời. Cuộc sống có nhiều phiền muộn nhưng phần lớn là do việc quá nhàn hạ, lo lắng quá nhiều mà ra. Vấn đề lớn nhất lúc này là họ đang nghĩ quá nhiều và làm quá ít.

Những người quá nhàn rỗi có xu hướng suy nghĩ lung tung, không ngừng than phiền về bản thân. Họ lo được lo mất, tâm trạng luôn bấp bênh, dễ mất bình tĩnh và khiến mọi người chẳng muốn lại gần, kết thân.

Tiểu thuyết gia Roman Rowland từng nói: "Gánh nặng lớn nhất trong cuộc sống không phải là công việc, mà là sự nhàm chán".

Đừng nhàn rỗi quá, bởi nhàn rỗi quá sẽ gây họa.

Nhà tư tưởng Tăng Quốc Phiên từng nói: “Đời người, càng muốn đi xa, gốc rễ càng phải bám sâu. Tự cổ chí kim, những người tầm thường trên thế giới đều bị đánh bại bởi một chữ lười”.

Nhàn rỗi quá khiến con người ta dễ nảy sinh suy nghĩ lung tung và lười biếng chính là cách phá huỷ thể chất của một người.

Họ quá lười để tập thể dục, quá lười để nấu nướng, quá lười để giải quyết những công việc bộn bề của cuộc sống, quá lười biếng để quản lý bản thân một cách nghiêm túc. Cuối cùng, sự “thoải mái” mà họ lựa chọn sẽ khiến họ rước về những bệnh tật khác nhau, sức khoẻ ngày một đi xuống.

Nếu chỉ mãi ở trong lồng kính, một cái cây dù đẹp đến đâu cũng không thể có sức sống mãnh liệt như cây cỏ ngoài đồng, có thể sinh sôi nảy nở trong mưa gió. Người lười biếng thân thể uể oải, sức khoẻ tốt ngày càng là điều xa vời, quá tầm tay.

Bận rộn chính là cứu cánh cho mọi thứ. Đó là liều thuốc quý trên thế gian này. Dù trong thời đại nào, bận rộn luôn là khởi đầu cho một cuộc sống năng động. Những người bận rộn cảm thấy thoải mái vì họ có việc để làm, thoải mái vì đã chăm sóc thể chất, tinh thần và chuẩn bị cho tương lai của mình.

Con người ta dễ có được niềm vui khi rảnh rỗi nhưng đó chỉ là tạm thời. Khi quá rảnh rỗi, chúng ta dễ sinh tâm lý nhàm chán, thậm chí thui chột mọi ý chí phấn đấu, ngày càng đi lệch khỏi con đường hướng tới những mục tiêu tốt đẹp.

Khi bận rộn, con người ta dễ dàng tìm thấy giá trị của bản thân và tìm thấy sự thỏa mãn, hạnh phúc từ lao động. Người bận rộn sẽ tích cóp được cho mình nhiều trải nghiệm sống, hạnh phúc từ bên trong.

Nếu bạn có quá nhiều thời gian rảnh rỗi, hãy tìm cho mình một việc gì đó để làm. Người thích nấu ăn hãy nghĩ về những công thức nấu ăn mới, người thích viết lách hãy nghĩ về những câu chuyện, hoặc đơn giản là trồng cây, đi dạo, dọn dẹp nơi mình sống.

Nhớ rằng, đôi khi nghịch cảnh không khuất phục được chúng ta nhưng sự nhàn rỗi lại khiến chúng ta gục ngã. Đừng chỉ nhìn người khác thành công mà ghen tỵ, nghĩ rằng họ may mắn. Điều làm nên sự khác biệt giữa bạn và họ là sự chăm chỉ, nỗ lực không ngừng. Chỉ khi biết giữ cho mình bận rộn, có mục tiêu và phương hướng, bạn sẽ có cuộc sống dễ chịu.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm