pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người Nhật sợ ngày cuối năm, lãnh đạo bất lực phải viết tâm thư mời nhân viên đi "quẩy"
Ở Nhật Bản, các bữa tiệc cuối năm được gọi là "bonenkai". Nó có nghĩa là "bữa tiệc lãng quên năm cũ". Theo quan niệm của người Nhật, trong suốt 12 tháng, mọi người đã trải qua rất nhiều thăng trầm, có cả may mắn và những điều không vui.
Tuy nhiên tất cả những vận xui hay may mắn đều là quá khứ, thời điểm cuối năm là lúc để buông bỏ và chuẩn bị đón chào một năm mới.
Bonenkai có nguồn gốc từ thời Muromachi vào thế kỷ 15 như một sự kiện để bày tỏ sự cảm ơn đối với người khác. Trong thời kỳ Edo, hoạt động này đã phát triển thành nhiều phong cách tiệc rượu như ngày nay. Bonenkai là dịp để gắn kết các nhóm bạn và nhân viên công ty.
Có thể nói, bữa tiệc bonenkai là một hoạt động giúp giải tỏa căng thẳng sau một năm dài làm việc cật lực.
Nhân viên ngán ngẩm vì phải đi tiệc
Tuy nhiên, sự thật về bữa tiệc bonenkai lại trái ngược hoàn toàn so với những gì người ta kỳ vọng. Tại sao?
Lý do bởi vì các công ty Nhật Bản coi việc tổ chức bữa tiệc cho nhân viên là điều bình thường, nhưng theo quan điểm của "người trong cuộc", họ cảm thấy như đang bị bắt làm con tin. Sau khi làm việc cả ngày tại văn phòng, thời gian còn lại trong phòng đáng lẽ là lúc để nghỉ ngơi và dành thời gian cho bản thân.
Thế nhưng, thay vào đó họ lại phải đến bữa tiệc với sếp và đồng nghiệp. Thậm chí ở đó có những người mà họ không ưa.
Không phải tất cả mọi người ở Nhật Bản đều mong muốn ra ngoài tụ tập với các nhóm đồng nghiệp. Mặc dù vừa trải qua 18 tháng bị hạn chế các hoạt động giải trí, xong, người dân cũng không mấy "mặn mà" với những bữa tiệc liên hoan.
Theo truyền thống, trong tháng 12, người Nhật sẽ tổ chức những hoạt động "xả hơi". Tuy nhiên, đối với nhiều người, điều này thậm chí trở thành một gánh nặng. Trang The Guardian đưa tin, theo các cuộc khảo sát gần đây, các ca mắc Covid tại Nhật Bản đã giảm xuống và hàng quán đã hoạt động trở lại.
Trong một cuộc khảo sát tâm lý của người dân, tờ báo Asahi Shimbun đã yêu cầu độc giả trực tuyến chia sẻ suy nghĩ của họ về thời khắc giao thừa của mùa bonenkai. Kết quả cho thấy nhiều người không thích, thậm chí là khó chịu khi phải dành thêm thời gian cùng đồng nghiệp, và đặc biệt là các ông chủ.
Nhiều người được hỏi cho biết họ "sợ" truyền thống vì áp lực khi phải đối diện và giao tiếp nhiều hơn với cấp trên. Trong khi đó, có người còn mô tả bonenkai không khác gì một "cực hình".
Để kiểm tra lại kết quả, Nippon Life Insurance đã tiếp tục thực hiện một cuộc khảo sát khác. Kết quả là có tới hơn 60% người được hỏi cho rằng những bữa tiệc tổng kết cuối năm như vậy là "không cần thiết", trong khi chỉ 11% ủng hộ những bữa tiệc này.
Nhóm phản đối lập luận rằng đáng lẽ ra những bữa tiệc này phải được thoải mái và vô tư, thế nhưng họ vẫn phải duy trì "hệ thống cấp bậc" với lãnh đạo trong suốt bữa ăn. Một số khác thì coi bonenkai là hình thức làm thêm giờ không công. Bên cạnh đó còn có lý do là bởi họ không thích rượu.
Lãnh đạo viết tâm thư kêu gọi nhân viên đi tiệc
"Tôi không cần phải lo lắng về những gì người khác nghĩ về mình ngay cả khi từ chối nâng chén" một người trả lời cho biết.
Mặc dù không thực sự được nhiều người ủng hộ, nhưng bonenkai là một ngày quan trọng trong năm. Đây là dịp để mọi người có thể ngồi lại cùng nhau và nhìn lại những chuyện đã xảy ra trong suốt một năm và chuẩn bị cho năm mới.
Truyền thống này không chỉ giới hạn trong giới doanh nghiệp mà bắt đầu đi phổ biến tại các môi trường khác như trường học, văn phòng công cộng và chính quyền địa phương. Có thể nói, đây là cơ hội không thể bỏ qua đối với nền kinh tế ban đêm khổng lồ của Nhật Bản.
Theo tờ Asahi, một chính quyền thành phố đã viết tâm thư cho nhân viên kêu gọi họ tham gia những bữa tiệc bonenkai. Thậm chí còn có người hứa rằng sẽ trao thưởng nếu đạt chỉ tiêu về số lượng người tham gia hoạt động này.
Mặc dù các ca nhiễm Covid đã giảm đáng kể, nhưng cuộc sống sẽ không thể trở về như giai đoạn trước đây. Cách duy nhất đó là con người phải học cách thích ứng và thay đổi. Những bữa tiệc cuối năm kiểu bonenkai cũng không ngoại lệ.
Theo công ty phân tích doanh nghiệp Tokyo Shoko Research, 70% công ty cho biết họ sẽ không tổ chức bonenkai trong năm nay. Trong khi đó, vào tháng 12 năm ngoái, con số này lên đến 94%. Có thể nói đây đã là một dấu hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, tình trạng không muốn tham gia vẫn còn là một vấn đề lớn.