Người 'ở trọ trần gian' nhớ Trịnh Công Sơn

30/03/2017 - 11:43
Thấm thoắt đã 16 năm trôi qua, kể từ ngày Trịnh Công Sơn rời xa 'quán trọ' trần gian (1/4/2001 - 1/4/2017). Nhưng với nhiều người, hình bóng của ông vẫn hiển hiện đó đây, trong những giai điệu và ca từ chất chứa nỗi niềm nhân thế.

‘Quán trọ’ ấm áp tình người

Từ này ông ra đi, hẻm Trịnh (số 47 Phạm Ngọc Thạch, Q.3, TPHCM) - nơi có căn nhà ông gắn bó những năm cuối đời - trở nên trống vắng. Những người bạn tri kỷ một thời từng dìu dặt tới lui ngày một thưa thớt. Nhưng thỉnh thoảng vẫn có những người đến quán cà phê đầu hẻm, lặng lẽ, trầm tư suốt cả buổi, như muốn tìm lại một thứ gì quý giá đã bị thời gian lấy đi…

Chị Yến, chủ quán cà phê hẻm Trịnh, kể rằng, khách của quán có khá nhiều phụ nữ. Điều đặc biệt là những vị khách nữ này thường ngồi rất lâu, nhiều người chốc chốc lại hướng mắt vào phía cuối hẻm, nơi có căn nhà im ắng suốt 16 năm qua, dường như để hồi tưởng lại một điều gì đó thân quen giờ đã khuất xa. “Hồi xưa, cứ ngồi đây một lát là thế nào cũng gặp “ông Sơn” đi ra đi vô. Ông ấy thường ngồi trên chiếc Honda 67 của người em trai, hay có khi ngồi trong chiếc ô tô “con cóc” cũ kỹ. Chẳng lúc nào ông ấy quên gật đầu, cười với những người quen và cả những người không quen tỏ ra lúng túng bởi bất ngờ và hạnh phúc khi được gặp ông. Hồi ông mới “đi”, nhiều người vẫn lui tới như một thói quen. Họ nhớ ông bằng một tình cảm chân thành. Và có lẽ, đến giờ nỗi nhớ ấy vẫn vẹn nguyên”, chị Yến chia sẻ.

17619732_1425435867479733_896978655_n.jpg
Thấm thoắt đã 16 năm Trịnh Công Sơn xa trần thế nhưng hình ảnh ông vẫn sống mãi trong lòng người hâm mộ.

Ngồi bên chúng tôi là 2 người phụ nữ, 1 già, 1 trẻ. Họ nhấp ngụm cà phê đắng, lặng hồi lâu. Chị lớn tuổi cất lời an ủi: “Em hãy nhớ bài hát của Trịnh Công Sơn, rằng cuộc sống như một quán trọ, tất cả rồi cũng sẽ qua đi, cả niềm hạnh phúc lẫn những điều bất hạnh, đau buồn… Vấn đề là mình phải cố gắng sống làm sao để khi về “cõi trăm năm” không có điều gì phải hối tiếc, ân hận”. Cô gái trẻ mắt ngân ngấn nước, nghẹn ngào: “Em đã cố sống tốt mà sao cuộc đời vẫn cứ mãi bất công như vậy?”. “Em hãy coi mình như một đóa hoa vô thường, bình thản đón nhận những giông gió khắc nghiệt như định mệnh đã trao, để rồi mai này khi mưa gió tan đi, “sen hồng một độ, em hồng một thuở xuân xanh”, cuộc sống em rồi sẽ lại bình yên…”.

Thế mới hay, những bài hát của Trịnh Công Sơn không chỉ ru lòng người bằng những dịu ngọt của tình yêu, mà còn được người đời coi như những bài học để vượt qua khó khăn, bế tắc trong cuộc sống. Lại nhớ, có một chị hàng xóm, cũng là “tín đồ nhạc Trịnh”, từng lấy bài hát “Gia tài của mẹ” để răn dạy cô con gái tuổi teen chớm học đòi kiểu cách ăn mặc, đầu tóc, trang điểm như những ngôi sao K-pop. Chị nói đại ý rằng, một người mẹ sẽ rất lấy làm đau khổ khi có những đứa con là “một bọn lai căng” và “một lũ bội tình”. Rằng một dân tộc sẽ rất bất hạnh nếu có những đứa trẻ “quên màu da”, không biết đến lịch sử, truyền thống dân tộc.

Cô bé ấy đã bật khóc nức nở khi mẹ mở cho nghe bài “Đường xa vạn dặm”: “Bao nhiêu tiếng cười của ngày xa xưa, bao nhiêu giấc mộng lòng vàng bay xa, mẹ bỏ con đi…”. Tình mẹ con đã được vun đắp từ những lời ca mà người nhạc sĩ đã chắt ra từ tâm can của mình.

Thuở sinh thời, Trịnh vẫn tự coi mình như kẻ rong chơi cùng nỗi cô đơn trên cõi nhân gian. Dẫu cuộc đời chỉ là một “quán trọ”, nhưng nơi ấy chất chứa tình người…
4_ps_anh-nho.jpg
Khánh Ly và Hồng Nhung viếng mộ Trịnh Công Sơn 
'Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui’

Nhạc Trịnh mang rất nhiều sắc thái khác nhau, khi buồn da diết với những cuộc tình xa, hay mang đượm chất Thiền huyền hoặc; lúc tràn đầy phẫn nộ trước những chết chóc tang thương của cuộc chiến, hư ảo trong những dự cảm rồi vỡ òa trong niềm hy vọng lớn lao khi đất nước hòa bình, thống nhất. Và cũng không thiếu những âm hưởng tươi tắn, yêu đời… Có lẽ chính sự đa dạng về sắc thái này đã góp phần làm cho nhạc Trịnh có thể thấm sâu vào mỗi thân phận người, tìm được sự đồng cảm sâu sắc.

Thùy Duyên, nhân viên một công ty của Hàn Quốc ở quận 1, TPHCM, chia sẻ: “Với nhạc Trịnh, có rất nhiều điều tưởng như không thể nào lý giải nổi, bởi nhiều khi nó tác động trực tiếp đến những cảm xúc của mình. Tôi còn nhớ, có những lần giận hờn người yêu, tưởng như chia tay đến nơi. Vậy mà khi tình cờ nghe câu hát “Hãy yêu nhau đi, bên đời nguy khốn…”, tôi nghĩ lại, tình cảnh của mình đâu đã đến nỗi “nguy khốn”, tại sao lại cứ chìm đắm trong những suy nghĩ tiêu cực để làm gì? Thế là lại yêu, lại vui. Càng nghe nhạc Trịnh, tôi càng cảm nhận giá trị cuộc sống một cách sâu sắc hơn”.
3_ps.jpg
Thùy Duyên với đĩa hát "Trịnh Công Sơn - Khánh Ly Sonatas".
Còn Bùi Thu Hương, ở Q.1, TPHCM, cho rằng: “Công thức” mà Trịnh Công Sơn đã “đề xuất”, đó là: “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, chọn những bông hoa và những nụ cười” chính là “liều thuốc tinh thần” vô cùng giá trị. Từ khi cô “áp dụng công thức này”, thì hầu như mọi muộn phiền đều tan biến, cuộc sống trở nên trong trẻo, đáng yêu hơn!

“16 năm không phải là quãng thời gian quá dài, song cũng đủ để nhiều điều rơi vào quên lãng. Nhưng với nhạc Trịnh, đời sống của mỗi nét nhạc, mỗi ca từ không thể tính bằng năm hay thậm chí là chục năm. Nó có giá trị bền lâu vì đã nói thay lời của biết bao thế hệ người Việt, mang đậm cốt cách, tâm hồn Việt, nhiều tác phẩm còn đóng vai trò như trang biên niên sử về một giai đoạn bi hùng của dân tộc. Tựu trung lại, đó là những bài học về tình yêu - xét trên mọi bình diện”, Thu Hương bày tỏ.

Để rồi Hương, Duyên, cùng nhiều người phụ nữ khác, lý giải về ý nghĩa của cuộc sống một cách giản dị: “Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên. Nhìn rõ quê hương ngồi nghĩ lại mình. Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống. Vì đất nước cần một trái tim”. Âm nhạc Trịnh Công Sơn vẫn không ngừng lan tỏa trong đời sống, như những cánh vạc chấp chới giữa nhân gian…
17623018_1425435844146402_579147050_o.jpg
Hẻm Trịnh trên đường Phạm Ngọc Thạch (Q.3, TPHCM) 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm