pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người phụ nữ có nhiều cống hiến cho nền khoa học Ý
NGF hiện được nghiên cứu thêm về các đặc tính điều trị tiềm năng với các bệnh lý thần kinh như Alzheimer và các bệnh lý về tế bào như ung thư.
Rita Levi-Montalcini sinh ra trong một gia đình người Do Thái tại thành phố Turin, Ý. Bà sớm có quyết tâm theo học ngành Y và ghi danh vào học trường Y khoa Torino năm 1930.
Sau khi tốt nghiệp năm 1936, con đường theo đuổi ngành Y của bà bị cản trở bởi Tuyên ngôn Chủng tộc của Benito Mussolini về người Do Thái. Sau đó, bà buộc phải di tản tới Florence nhưng bà đã quay lại quê nhà sau chiến tranh.
Năm 1947, Rita nhận lời làm việc tại Đại học Washington, St. Louis, Missouri (Mỹ), cùng với nhà động vật học Viktor Hamburger, người đang nghiên cứu sự phát triển của mô thần kinh trong phôi gà.
Trong quá trình quan sát một số mô ung thư, Rita và Viktor đã tìm ra tác động của một chất trong khối u mà họ đặt tên là "nhân tố tăng trưởng thần kinh" (NGF) - một chất có vai trò quan trọng trong sự phát triển của các tế bào thần kinh.
Nhà sinh học Stanley Cohen, người đồng nghiệp của bà, sau đó đã có thể phân tách NGF khỏi khối u. Nhờ công trình nghiên cứu này mà và Rita và Stanley đều nhận được giải Nobel Sinh lý và Y khoa năm 1986.
Rita thành lập Viện Sinh học Tế bào ở Rome (Ý) vào năm 1962 và năm 1987, bà được trao Huân chương Khoa học Quốc gia.
Năm 2001, bà được phong danh hiệu "Thượng nghĩ sĩ trọn đời" ở Thượng viện Ý nhờ những cống hiến của mình cho nền khoa học Ý và thế giới, bất chấp những khó khăn và chỉ trích bà đã gặp phải do là người Do Thái.
Bà qua đời năm 2012, thọ 103 tuổi và được coi là người đạt giải Nobel sống thọ nhất, tính đến năm 2012. Rita được tri ân cho tới ngày nay và tên của bà còn được đặt cho một giống hoa lan lai năm 2016 (Ophrys montalciniae).