Người phụ nữ da màu huyền thoại của nước Mỹ

27/08/2017 - 08:00
Trong lịch sử nước Mỹ, Harriet Tubman là một cái tên không xa lạ, nhất là với cộng đồng người da màu. Bà là một biểu tượng của tinh thần giải phóng, khỏi mọi ách kìm kẹp, bất bình đẳng, giành bình quyền.

Harriet Tubman có tên khai sinh là Araminta Ross, sinh năm 1821 và mất năm 1913.

Thời điểm đầu thế kỷ 20, khi cả nước Mỹ còn chìm trong nội chiến, không mấy ngạc nhiên khi một người phụ nữ da đen như Harriet Tubman phải chịu cảnh nô lệ. Đòn roi và những lời nhục mạ, chửi rủa đã là những “món ăn” thường ngày không thể thiếu của Harriet Tubman.

Chưa hết, thời niên thiếu, từ một trò đùa vô ý thức của những đứa trẻ nô lệ hoang dã và nghịch ngợm, cô bé Harriet Tubman đã bị một vết thương khá nặng vào đầu. Vết thương ngày thơ bé đã để lại di chứng nặng nề lên suốt phần đời sau này của Harriet Tubman với những cơn đau đầu dai dẳng.

Nhưng điều kỳ lạ là những cơn đau, sự nghèo khó đã không thể cản nổi cô gái nô lệ Harriet Tubman tự ươm mầm và nuôi dưỡng cho mình những ước mơ, trong đó lớn nhất là ước mơ đứng lên giải phóng cho mình và những đồng bào cùng kiếp nô lệ như mình.

Tubman lớn lên và làm việc tại một đồn điền ở bang Maryland. Năm 1849, cuối độ tuổi 20, Tubman rời Maryland tới Philadelphia giải phóng mình khỏi kiếp nô lệ, làm giúp việc cho một gia đình. “Khi tôi nhận ra mình đã vượt qua ranh giới đó, tôi nhìn xuống đôi tay để xem mình có còn là con người cũ không. Mọi thứ đều nhuốm màu vinh quang. Những tia nắng đến như thể suối vàng xuyên qua những ngọn cây, và trên khắp các cánh đồng, tôi cảm thấy như mình đang trên Thiên đường” - Tubman gọi tên cảm xúc của mình lúc đó - cảm xúc của một người nô lệ nay đã được thưởng thức cảm giác tự do.

2.jpgChân dung bà Harriet Tubman - người phụ nữ đứng lên đấu tranh giành tự do cho mình và những người da màu khác ở nước Mỹ vào thế kỷ 19.

Nhưng tự do cho riêng mình sẽ chẳng còn nhiều ý nghĩa khi tự do cho người khác, nhất là những người mình thương yêu còn chưa đạt được. Day dứt là vậy, nên ngay sau đó, Tubman quay về Maryland, cô đã trở lại miền Nam để giúp giải thoát hàng trăm nô lệ da đen, trong đó nổi bật là 13 phi vụ giải cứu hơn 70 nô lệ.

Cô đã dẫn họ lẩn trốn theo cái được gọi là “đường sắt trong lòng đất”, mà thực chất là một mạng lưới những nơi ẩn náu an toàn được sử dụng để đưa nô lệ từ miền Nam tới các bang tự do ở miền Bắc, bất chấp mọi nguy hiểm cận kề.

Sự nghiệp giải phóng nô lệ của Harriet Tubman càng trở nên thuận lợi khi Luật nô lệ được thông qua năm 1850, rất nhiều nô lệ đã được bà giúp đỡ thoát khỏi cảnh sống “ký sinh” đồng thời tìm được việc làm, trong đó có cả những người thân nhất của bà: ba người em trai là Ben, Henry, và Robert.

Năm 1856, bà đã giải cứu cha mẹ mình, những người được trả tự do nhưng bị nghi đã giúp những người khác trốn thoát.

Khi tin tức về các cuộc giải thoát mạo hiểm của bà Tubman lan truyền, nhà hoạt động giải phóng nô lệ William Lloyd Garrison đã đặt cho Tubman biệt danh “Moses”, theo tên của nhà tiên tri từng dẫn người Do Thái thoát khỏi kiếp nô lệ tại Ai Cập. Từ đó, biệt danh này gắn liền với người phụ nữ da màu.

Sau này, có nhiều thông tin cho rằng năm 1861, khi nội chiến tại Mỹ (1861-1865) nổ ra, bà Tubman làm đầu bếp, y tá, trước khi chuyển sang làm trinh sát, điệp viên thu thập thông tin cho chính quyền Liên bang từ hậu phương địch.

Không ai có thể ngờ, nữ nô lệ năm nào lại có thể hoàn thành xuất sắc đến thế trên vai trò rất mới của mình. Đáng kể nhất là việc điệp viên Tubman đã giúp sức cho quân đội Liên bang trong một cuộc tấn công lên thượng nguồn sông Cambahee, tại bang South Carolina.

Điệp viên Tubman cũng là người trực tiếp cung cấp cho các tư lệnh quân đội thông tin tình báo về vị trí phe ly khai đặt mìn cũng như các mối đe dọa khác.

Bà Tubman còn tổ chức một đội điệp viên 9 người, bao gồm thủy thủ da màu từng lái thuyền trên các con sông địa phương và thông thạo luồng tuyến.

Bà dạy cho họ cách thu thập tin tức tình báo, do thám cho chính quyền Liên bang, lập ra bản đồ các đảo và bờ biển ở South Carolina, cung cấp thông tin về vị trí các chốt gác của phe ly khai.

Lịch sử nước Mỹ đã ghi nhận, việc Trung đoàn Bộ binh tình nguyện South Carolina số hai, do đại tá James Montgomery chỉ huy, giải phóng được hơn 700 nô lệ, là nhờ công sức của điệp viên Tubman.

1.jpgHình ảnh bà được chọn in trên đồng 20 USD từ tháng 4/2016 thay cho hình hình chân dung Tổng thống Andrew Jackson.

Sau chiến tranh, bà Tubman đi khắp các thành phố bờ Đông để diễn thuyết ủng hộ trao quyền bầu cử cho phụ nữ, dựa trên kinh nghiệm chiến đấu chống lại chủ nghĩa nô lệ.Bà trở thành tiếng nói mạnh mẽ của phong trào này.

Việc Harriet Tubman, sau rất nhiều tranh cãi gay gắt, thay hình chân dung Tổng thống Andrew Jackson in trên mặt trước đồng 20 USD (đồng tiền lưu hành nhiều hàng thứ ba ở Mỹ chỉ sau tờ 1 USD và 100 USD), trở thành nhân vật người Mỹ gốc Phi đầu tiên xuất hiện trên một tờ bạc của Mỹ trong vòng một thế kỷ qua, là minh chứng cho vị thế lịch sử của người phụ nữ da đen này. Quyết định xuất phát từ sự ủng hộ mạnh mẽ của hàng nghìn người Mỹ ở mọi lứa tuổi dành cho nhân vật lịch sử này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm