pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người phụ nữ đầu tiên đi vào không gian
Chỉ một số ít phụ nữ được chọn trở thành nhà khoa học trong những năm 50 và đầu những năm 60 - ít nhất là so với số nam giới lúc đó - và đây là thời điểm mà mọi thứ bắt đầu đi theo hướng tự do hơn.
Tuy nhiên, Liên Xô dường như không có chung thành kiến về giới trong khoa học như các quốc gia khác, có thể vì học thuyết và ý tưởng triết học tại đây rất coi trọng việc trao quyền bình đẳng cho cả nam giới và phụ nữ, kể cả vị trí của họ trong xã hội. Năm 1964, khoảng 40% sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật ở Liên Xô là nữ, trong khi đó ở Mỹ, tỷ lệ này là dưới 5%. Vào giữa những năm 1980, 58% kỹ sư Nga là phụ nữ.
Một trong những người phụ nữ nổi tiếng của Nga là Valentina Tereshkova. Là con gái của một người lái máy kéo và một công nhân nhà máy dệt ở vùng Yaroslavl của Nga, Tereshkova đã bỏ học khi mới 17 tuổi để làm công nhân lắp ráp nhà máy dệt như mẹ cô từng làm.
Tuy nhiên, cô vẫn kiên quyết muốn kiếm tiền để học hành và thực hiện ước mơ của mình. Cô là một vận động viên nhảy dù nghiệp dư thông qua Câu lạc bộ Hàng không DOSAAF ở Yaroslavl và thực hiện cú nhảy đầu tiên vào tháng 5 năm 1959 ở tuổi 22. Hai năm sau vào tháng 4 năm 1961, Liên Xô phóng Vostok 1, trên tàu là Yuri Gagarin: người đầu tiên đi vào không gian.
Năm sau, năm 1962, Liên Xô đã khởi động một chương trình Vostok mới, nơi họ tuyển dụng 50 người làm phi hành gia, trong đó có 5 phụ nữ. Trong số năm người phụ nữ này, chí có một người sẽ được chọn là người phụ nữ đầu tiên đi vào không gian. Ứng cử viên hàng đầu không cần phải là phi công, nhưng vì sau khi vào lại bầu khí quyển của Trái Đất, phi công của tàu vũ trụ Vostok sẽ được đẩy ra để hạ cánh bằng dù, do đó trải nghiệm nhảy dù là điều bắt buộc.
Nhờ những bước nhảy của mình, Tereshkova - một phụ nữ không được học hành chính quy - đã được chọn là một trong năm người phụ nữ trong chương trình này, mặc dù tất cả những người còn lại đều có trình độ hơn cô rất nhiều (họ là phi công thử nghiệm, kỹ sư và vận động viên nhảy dù đẳng cấp thế giới). Tuy nhiên, sau quá trình đào tạo chuyên sâu, Tereshkova đã chứng minh rằng cô có thể thực hiện được những điều mà 4 người phụ nữ còn lại không thể làm được. Cuối cùng, Tereshkova là một trong hai ứng cử viên cuối cùng.
Vào ngày 14 tháng 6 năm 1963, Vostok 5 được phóng lên vũ trụ cùng với phi hành gia Valeri Bykovsky trên tàu. Khi Bykovsky vẫn quay quanh Trái Đất, Tereshkova được phóng lên vũ trụ vào ngày 16 tháng 6 trên tàu Vostok 6. Hai tàu vũ trụ có quỹ đạo khác nhau nhưng tại một thời điểm hai tàu này sẽ cách nhau ba dặm, cho phép hai phi hành gia trao đổi thông tin liên lạc ngắn gọn. Tàu của Tereshkova được dẫn đường bởi một hệ thống điều khiển tự động và bà chưa bao giờ điều khiển bằng tay.
Tereshkova không chỉ trở thành người phụ nữ đầu tiên đi vào không gian, mà chỉ với một chuyến bay, cô ấy còn ghi lại thời gian bay nhiều hơn tất cả các phi hành gia Mỹ trước đó cộng lại vào thời điểm đó - 70,8 giờ trong không gian. Khi ở trong không gian, nữ phi hành gia đầu tiên này đã thực hiện các thí nghiệm nhằm đánh giá tác động của vi trọng lực và không gian lên cơ thể con người đồng thời đã chụp những bức ảnh giúp xác định các sol khí trong khí quyển.
Thật không may, việc hạ cánh của cô không suôn sẻ khi cô bay ra khỏi khoang, Tereshkova đã bị đói và mất nước cùng với những vết thương nặng do bị "gắn" trên ghế trong ba ngày liên tiếp.
Theo lời kể của chính cô, khi nhảy dù xuống, Tereshkova thấy rằng cô ấy đang hướng đến một cái hồ lớn. Với cơ thể tê liệt và yếu ớt, cô đã nghĩ rằng bản thân không thể bơi vào bờ một cách an toàn. May mắn thay, một cơn gió lớn đã thổi cô ấy vào bờ biển và cô ấy đã hạ cánh an toàn. Tuy nhiên, sau lần hạ cánh đó, mũi của cô ấy đã đập khá mạnh vào mũ bảo hiểm và cô ấy phải cố gắng trang điểm để che đi những vết bầm tím và xuất hiện trước đám đông đang chờ đợi.
Sau khi hạ cánh, Tereshkova đã theo học kỹ sư tại Học viện Không quân Zhukovsky và cuối cùng lấy bằng tiến sĩ năm 1977. Tereshkova cũng trở thành một chính trị gia nổi tiếng, phục vụ trong các hội đồng quốc tế, tham gia các hội nghị quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề về phụ nữ và được trao tặng danh hiệu cao quý nhất của Liên Xô, huân chương Anh hùng Liên Xô, cùng nhiều các giải thưởng khác.
Năm 1978, chương trình nữ du hành vũ trụ cuối cùng đã được khởi động lại, và Tereshkova ngay lập tức đăng ký tham gia. Tuy nhiên cô lại không thể vượt qua bài kiểm tra đầu tiên về sức khỏe và không bao giờ quay trở lại vũ trụ. Và các chuyến bay của Tereshkov cũng là các chuyến bay vào vũ trụ cuối cùng của một nữ phi hành gia, mãi cho đến những năm 1980.