Giấc mơ tái hiện thời hoàng kim
Cách đây nửa thế kỷ, ngày 20/7/1969, tàu Apollo 11 đưa các nhà du hành vũ trụ Neil Armstrong, Buzz Aldrin và Michael Collins đặt chân lên Mặt Trăng, đánh dấu lần đầu tiên con người chinh phục một thiên thể khác bên ngoài Trái Đất. Sự kiện này gây chấn động thế giới, đánh dấu bước nhảy vọt của ngành hàng không vũ trụ Mỹ so với các nước trên thế giới. Sau Apollo 11, còn 5 sứ mệnh khác đưa con người lên Mặt Trăng và tất cả đều thành công. Người cuối cùng đặt chân lên Mặt Trăng là phi hành gia Eugene Cernan và Harrison Schmitt trên sứ mệnh Apollo 17 vào 14/12/1972. Việc thám hiểm Mặt Trăng của loài người đã ngừng lại với sự chấm dứt của Chương trình Apollo dù nhiều quốc gia đã thông báo các kế hoạch đưa người hay tàu vũ trụ robot tới Mặt Trăng.
NASA đã chọn nữ phi hành gia đầu tiên năm 1978. Đến nay, số nhà du hành nữ chiếm 34% tổng số phi hành gia của cơ quan này. Trong số 537 người bay vào vũ trụ trên toàn thế giới, có 64 phụ nữ. Chỉ riêng các nhà du hành của NASA làm việc trên Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS) lên tới 129 người, trong đó có 26 phụ nữ. Thế nhưng, để đưa một phụ nữ lên Mặt Trăng là giấc mơ lớn của NASA.
Tròn 50 năm sau chuyến du hành của Apollo 11, NASA đặt ưu tiên hàng đầu là sứ mệnh đưa người phụ nữ đầu tiên đặt chân lên bề mặt Mặt Trăng năm 2024. Kế hoạch đổ bộ lên Mặt Trăng này là một phần của việc thử nghiệm công nghệ để đưa con người lên Sao Hỏa. Tổng giám đốc của NASA Jim Bridenstine nhận định: “Giống như thập niên 60, giờ đây chúng tôi cũng được trao cơ hội thực hiện một bước tiến vượt bậc cho toàn nhân loại. Tổng thống Mỹ Donal Trump và Phó Tổng thống Mike Pence đã cho chúng tôi một nước đi táo bạo, đó là quay trở lại Mặt Trăng vào năm 2024 và sau đó tiến lên Sao Hỏa”. Các vị lãnh đạo đã hỗ trợ NASA với các yêu cầu ngân sách cần thực hiện cho mục tiêu này. NASA gọi đây là chương trình Artemis để vinh danh nữ thần mặt trăng, là chị em sinh đôi của thần Apollo trong thần thoại Hy Lạp.
Cánh cửa mở rộng cho các nữ phi hành gia
Khoang chứa Artemis 1 sẽ được mang trên tàu vũ trụ Orion và tên lửa phóng tàu vũ trụ thế hệ mới mang tên Space Launch System (viết tắt là SLS). Được biết, SLS cao hơn tượng Nữ thần Tự do và có khả năng chở hơn gấp 2 lần trọng lượng của bất kỳ tàu con thoi cũ nào của NASA. SLS đã tiêu tốn của NASA 14 tỷ USD trong thập kỷ qua. Kế hoạch ban đầu của NASA là phóng tên lửa này năm 2017 nhưng không thành và phải dời sang sớm nhất là năm 2021. Phó tổng thống Pence đã hối thúc NASA đẩy nhanh tiến độ của dự án SLS, trong khi vẫn để ngỏ khả năng có thể mở cửa cho các nhà thầu dân sự phát triển tên lửa đẩy để đáp ứng yêu cầu đưa phi hành gia Mỹ lên Mặt Trăng trong 5 năm tới đây.
Chính cơ quan NASA đã khẳng định, họ trở lại Mặt Trăng không phải là để cắm một lá cờ mà là để thăm dò một cách lâu dài, nhất là để thử nghiệm các công nghệ sẽ cần thiết cho các chuyến thám hiểm Sao Hỏa trong tương lai. Nhìn xa hơn về phía trước, NASA sẽ chuẩn bị khai thác các lớp siêu âm và luyện đá cho kim loại và oxy. Con người sẽ sống ở các cực của nó, dựng lên những nơi trú ẩn bơm hơi, trung tâm thông tin liên lạc và phòng thí nghiệm, thực hiện các thí nghiệm không thể có từ bề mặt Trái Đất.
Theo kế hoạch, nhiệm vụ bắt đầu với bước đưa đội phi hành đoàn lên Mặt Trăng vào năm 2024. Module chứa phi hành đoàn mang tên Orion được thiết kế bằng cách chế tạo một bình chịu áp lực được lắp bên trong hệ thống khoang chứa tại Cơ sở lắp ráp Michoud thuộc NASA ở New Orleans. Sau khi đã được hoàn thành, bình chịu áp lực được chuyển sang Trung tâm vũ trụ Kennedy để được đưa vào trong khoang chứa sau khi các cấu kiện cần thiết khác đã được lắp ghép hoàn chỉnh. Cùng với Orion, module Dịch vụ châu Âu của Cơ quan Vũ trụ châu Âu cũng sẽ tham gia vào nhiệm vụ sắp tới. Đây là một module do Đức chế tạo nhằm cung cấp năng lượng, sức đẩy và chế độ làm mát. Hai module cần phải được nối ghép vào với nhau và lắp một tấm chắn nhiệt phía sau. Sau khi công việc trên đã được hoàn tất, giai đoạn tiếp theo cho tàu Artemis thử nghiệm tại Trạm Plum Brook của NASA ở Sandusky, Ohio.
Chương trình Artemis của NASA mới trong giai đoạn sơ khai. Ngoài ra, để dự án này có thể thành công, NASA vẫn cần phát triển rất nhiều thiết bị mới, bao gồm cả tàu đổ bộ Mặt Trăng mới, cộng thêm việc cần phải có sự phê duyệt của Quốc hội cho ngân sách khổng lồ để thực hiện chương trình. Vì vậy, chương trình đầy tham vọng với một cái tên rất ý nghĩa này còn phải vượt qua một chặng đường rất dài phía trước.
Mặt khác, việc thúc đẩy sứ mệnh lên Mặt Trăng khiến NASA chọn giải pháp tìm kiếm nữ phi hành gia đã có trải nghiệm trên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS). NASA không chính thức thông báo về các tiêu chí chọn nữ phi hành gia cho Chương trình Artemis. Dư luận chỉ có thể phỏng đoán nữ phi hành gia được chọn sẽ là người giỏi nhất. Hiện tại, các nữ phi hành gia của NASA ở trong độ tuổi 40 - 53 và từng là phi công quân đội, hoặc có trình độ khoa học hoặc y khoa. Họ là những người được chọn lọc kỹ càng từ hàng nghìn ứng viên. Những nữ phi hành gia nổi trội của NASA là Mae Jemison - Người phụ nữ da đen đầu tiên bay vào vũ trụ.
Bà Eileen Collins là người phụ nữ đầu tiên chỉ huy sứ mệnh tàu con thoi vũ trụ STS-93 vào tháng 7/1999 và tiếp tục làm chỉ huy lần thứ hai tháng 7/2005. Người thực hiện chuyến bay vũ trụ một mình lâu ngày nhất là nhà du hành NASA Sunita Williams. Bà đã sống và làm việc trên quỹ đạo trong 195 ngày trên ISS năm 2007. Chỉ có 2 phụ nữ ở NASA là Jessica U. Meir và Nicole Aunapu Mann chưa ở trên quỹ đạo. Hiện họ đang được huấn luyện để chuẩn bị cho những sứ mệnh đầu tiên trước năm 2020.