Người phụ nữ mang quất về làng

Lan Hương
30/12/2022 - 12:42
Người phụ nữ mang quất về làng

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh (nguyên Chủ tịch Hội LHPN phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là một trong những người tiên phong trồng quất ở làng Nhật Tảo

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh (nguyên Chủ tịch Hội LHPN phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là một trong những người tiên phong trồng quất ở làng Nhật Tảo, phường Đông Ngạc. Bằng sự học hỏi, nghiên cứu, bà đã phát triển vườn cây xanh tốt, đa dạng kiểu dáng, phục vụ khách chơi cây cảnh vào mỗi dịp tết đến xuân về.

Mang hơi Tết về làng

Cách đây vài chục năm, người dân làng Nhật Tảo, phường Đông Ngạc chỉ biết trồng lúa, trồng rau "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", vừa vất vả mà thu nhập lại không cao. Lúc này trong vùng có một hộ gia đình trồng cây quất, thấy vừa lạ vừa đẹp, bà Thanh mới mua giống trồng theo.

Thuở đầu, người trồng không biết kỹ thuật, chỉ biết tưới tắm, chăm sóc nên cây quất chỉ cao tầm mặt đất, quả ra nhỏ xíu, lá vàng không xanh tốt. Bà Thanh cũng chỉ trồng vài chục cây, cây giống mua 5.000 - 6.000 đồng bán ra khoảng 20.000 đồng - 30.000 đồng.

Bà Thanh nhớ lại những ngày đầu trồng quất phải chở quất trên chiếc xe đạp buộc cáng gỗ xuống tận chợ Hôm (Đức Viên, Hai Bà Trưng) hay khu vực Ngã Tư Sở. Mỗi lần đèo chỉ được 2-3 cây nhỏ, hết hàng lại quay về lấy.

Bà Thanh chia sẻ: "Lúc ấy cũng chẳng ai có kiến thức chăm sóc cây cả, mình vừa làm, theo dõi cây rồi tự đúc rút ra kinh nghiệm để cây trưởng thành hoàn chỉnh nhất."

Người phụ nữ mang quất về làng - Ảnh 1.

Vườn quất của bà Thanh xanh tốt đúng vụ Tết cho thu nhập hàng trăm triệu đồng

Dần dần người dân vùng Đông Ngạc không còn cấy lúa mà chuyển sang trồng đào, quất, hoa, cây cảnh. Nghề trồng cây cảnh ở đây phát triển nhờ có đất đai màu mỡ, thị trường tiêu thụ thuận lợi. Nhiều hộ gia đình đầu tư và sản xuất chuyên canh cây trồng thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Nhiều người chuyển sang kinh doanh, buôn bán khắp nơi. Đời sống của người dân trong làng nhờ vậy cũng khấm khá hơn. Mỗi dịp tết đến xuân về, làng Nhật Tảo lại rộn ràng kẻ bán, người mua, không khí xuân như ngập tràn khắp vùng từ độ nào.

Ngày trước chưa đa dạng kiểu dáng, chủ yếu là quất thông nhưng từ ý tưởng của gia đình cô Thanh mà dáng quất thế được ra đời. Khi nhận thấy cây quất thông bị hỏng mất 1-2 cành nhỏ, cô Thanh mới phá ra và sửa thành quất thế. Người dân trong làng thấy dáng quất đẹp và bắt đầu học hỏi, phát triển dáng quất để bán ra thị trường.

Bà "vua "quất

Dân làng Nhật Tảo mệnh danh bà Thanh là "vua" quất bởi cây quất vườn bà Thanh được xem là đẹp nhất làng khi quất hội đủ "tứ quý" bao gồm: Dáng đẹp, quả đẹp và đủ xanh, lá lộc non canh mơn mởn và cuối cùng cũng là đặc biệt phải có chút nụ hoa. Những yếu tố cuả một cây quất đẹp đều được hội tụ trong vườn bà Thanh.

"Để có những cây đúng chuẩn như vậy là đều cần kỹ thuật cả. Tôi phải tính toán hợp lí để quất được đẹp nhất vào dịp Tết. Quất vườn nhà tôi không sử dụng thuốc nên khách đem về có thể chơi tận 5-6 tháng mà cây vẫn còn đẹp tươi mới" - bà Thanh nói.

Cây nhà bà Thanh được bán tại vườn, chủ yếu là khách quen, cứ độ mùng 10 đến 20 tháng 12 âm lịch, khách hàng về tại vườn lấy 3-5 cây. Khách hàng không cần đến vườn, chỉ cần gửi ảnh cho họ, gửi quất đến địa chỉ gia đình là tiền hàng tự chuyển về tài khoản bà Thanh. Để có được sự tin yêu của khách hàng như vậy không phải nhà vườn nào cũng làm được, bà Thanh tâm sự: "Uy tín, giá cả phải chăng, người ta bán 10, tôi chỉ bán 8. Cây đảm bảo đến tận tay khách hàng vậy nên có người mua cây ở đây chục năm rồi không đổi nhà vườn."

Người phụ nữ mang quất về làng - Ảnh 2.

Khách hàng thích thú với những mẫu cây quất bon sai

Giá cả phải chăng, mẫu mã đa dạng nên khách ghé làng quất đều bị "say đắm" trước quất của vườn bà. Nhiều khách hàng đã đặt cây từ tháng 9, đến nay còn khoảng hơn 20 ngày mới đến Tết Nguyên Đán nhưng nhiều gốc đã được người dân đánh về chơi Tết. Những cây quất đẹp được "lên xe" qua tận Thái Nguyên, Ninh Bình, có cây đi vào Nam để cùng người dân đón năm mới.

Người phụ nữ mang quất về làng - Ảnh 3.

Khách hàng đến vườn mua cây những ngày cận Tết ngày càng đông

Gắn bó với vườn quất cũng ngót nghét gần 40 năm nhưng sự chăm chỉ, cần cù và đam mê lao động của bà Thanh đến nay vẫn không hề giảm sút: "Khi còn công tác ở Hội LHPN phường Đông Ngạc, tôi chỉ làm một vườn, từ khi nghỉ hưu có nhiều thời gian tôi chăm hai vườn với hơn 200 cây quất" - bà Thanh nói.

Từ tháng 10, bà Thanh đã phải đặt cây giống, xong vụ tết là vườn cây sẽ được san phẳng, giải ni lông, đổ đất mới. Từ mùng 6 tháng giêng trở đi là làm đất, xong xuôi đánh cây giống mới về, trong tháng 1 thì đã đem cây về hết. Bà Thanh cho biết: "Làm quất thì vất vả quanh năm không bỏ được giai đoạn nào, chỉ cần lơ đãng một chút là hỏng cây ngay. Người làm phải thật sự tỉ mỉ, cẩn thận".

Người phụ nữ mang quất về làng - Ảnh 4.

Bà Thanh chăm sóc những "đứa con tinh thần" của mình

Với dáng quất thông, để uốn vào đẹp thì phải thuê công thợ 600.000 đồng/ ngày, mà mỗi ngày chỉ được 2 cây, tính ra không lãi được là bao. Mất công gò, trừ tiền vốn đi thì lãi không được bao nhiêu nên người ta không trồng dáng quất này nữa. Bà Thanh lại tự mày mò và tự uốn lấy cây cho vườn nhà mình. Đến nay quất thông chỉ riêng vườn nhà bà có, các chủ vườn khác đều đến mua lại để bán cho khách.

Cứ mỗi lần Tết đến, gia đình Việt thường chọn cho mình những chậu cây thật ý nghĩa mang về trưng Tết như mai, đào và cả quất nữa. Quất được xem như là loại cây mang đến may mắn, thành công cho gia đình vào đầu năm. Những cây quất đẹp vẫn luôn được bà Thanh chăm sóc, vun trồng để gửi gắm thật nhiều ước vọng tốt đẹp cho khách hàng những ngày đầu năm mới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm