Người phụ nữ ngoài 50 tuổi tủi thân khi cả gia đình “quay lưng”

Thanh Tâm
28/07/2021 - 21:43
Người phụ nữ ngoài 50 tuổi tủi thân khi cả gia đình “quay lưng”

Ảnh minh họa

Con cái không hiểu, chồng không thương, thậm chí bố mẹ đẻ của mình cũng ác khẩu, khiến tôi mất ăn mất ngủ. Bố tôi có sự phân biệt đối xử giữa các con. Ông thương chị cả và cậu út, coi thường tôi cùng cả gia đình tôi. Lý do vì chị cả lấy được chồng giàu, có địa vị, học thức.

Chị Thanh Tâm thân mến!

Tôi năm nay hơn 50 tuổi. Trải qua cuộc đời nhiều "sóng gió", đến khi về già, gia đình lại không cảm thông, thấu hiểu, khiến tôi thực sự tủi thân. Hôm nay tôi viết thư cho Thanh Tâm để tâm sự cho bớt nỗi muộn phiền. Dù biết rằng "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh" nhưng một điểm tựa lúc này với tôi thật cần thiết.

Tôi có 2 con trai nhưng cả 2 đều không hiểu cho nỗi lòng của mẹ. Mỗi lần tranh cãi, thấy bố nói là các con hùa theo để chỉ trích mẹ. Chồng tôi là một người không có học thức, trước đây vì nhà nghèo nên bỏ học, đi làm từ sớm. Nhận thức đã hạn chế nhưng ông ấy lại luôn tỏ ra mình là người hiểu rộng, biết nhiều. Có chuyện gì xảy ra là ông ấy ngồi phân tích rồi đưa ra những ý kiến không đâu vào đâu. Đến khi vợ lên tiếng thì ông ấy lại mắng chửi thậm tệ. Ngay cả khi tôi tâm huyết kho một nồi cá ngon, nấu một bát canh cua rau mồng tơi xanh rờn, tôi thích thú hỏi: "Ông thấy ngon không?", là chồng tôi lại cao giọng nói: "Tôi ngoáy tí là xong, có gì mà nói", khiến tôi rất buồn lòng.

Hai con của tôi đều đã có gia đình nhưng cả 2 đều không hạnh phúc. Một đứa thì sắp li hôn, một đứa thì vợ chồng cãi nhau suốt. Dù đã từng có 2 người con dâu nhưng tôi không được phụng dưỡng ngày nào, mà chỉ có chăm sóc chúng nó. Lần con dâu đẻ, tôi chăm sóc, cơm bưng nước rót hàng ngày. Tôi bảo: "Con ăn cơm chưa, mẹ mang lên nhé?", thì nó xẵng giọng: "Bà cứ mang lên, con khắc ăn!". Dù bực nhưng tôi thương cháu, hơn nữa cũng nghĩ chắc con dâu bị stress sau sinh nên tôi nén cục tức lại, để góp ý sau. Chồng tôi thấy vậy lại quát tôi: "Bà dại thế, cứ để con dâu ngồi trên đầu. Bà sợ nó à mà không biết dạy bảo nó biết lễ phép!".

Con cái không hiểu, chồng không thương, thậm chí bố mẹ đẻ của mình cũng ác khẩu, khiến tôi mất ăn mất ngủ. Bố tôi có sự phân biệt đối xử giữa các con. Ông thương chị cả và cậu út, coi thường tôi cùng cả gia đình tôi. Lý do vì chị cả lấy được chồng giàu, có địa vị, học thức. Cậu út thì học giỏi, đỗ cao, làm chức nọ, chức kia khiến ông mở mày, mở mặt. Còn vợ chồng tôi nghèo, chồng thì học vấn thấp và thô lỗ nên bố tôi thường xuyên so sánh các con, khinh thường vợ chồng tôi.

Mỗi khi ông bà hay gia đình có việc gì, vợ chồng tôi hầu như không có tiếng nói và không được quyết định điều gì. Có việc gì nặng nhọc, chúng tôi sẽ làm, còn có gì ngon, đẹp thì người đầu tiên bố gọi sẽ là chị cả và cậu út. Thậm chí, những lúc bực mình, bố lại gọi tôi vào mắng chửi: "Cả nhà mày đều không ra gì, tao chỉ coi mày như con nuôi mà thôi"... Những lời nói như dao cắt vào tim, khiến tôi tủi nhục, buồn bã vô cùng. Đôi khi tôi nghĩ, có thể tôi không phải con đẻ của ông bà thật.

Vậy đấy Thanh Tâm, cuộc sống của tôi bị bao vây mọi bề bởi nỗi buồn và tủi nhục. Tôi không biết phải làm cách nào để "bơi" qua được "dòng sông thấm đẫm nước mắt" ấy. Thậm chí có lúc, tôi đã có ý định tự tử. Tôi đang cố gắng suy nghĩ tích cực, mạnh mẽ để vượt qua nhưng tôi thực sự cần một điểm tựa. Tôi muốn nhận được những lời động viên, muốn được tiếp thêm sức mạnh để đương đầu với những điều ấy.

Thanh Thủy (Hà Nam)

Chào chị Thanh Thủy!

Cuộc đời của mỗi người đều phải trải qua những khó khăn, từ đó bản thân thêm mạnh mẽ. Điều quan trọng là chúng ta phải biết bằng lòng với những gì mình có. Chị hãy tạo cơ hội cho chồng và các con hiểu mình hơn. Hãy thể hiện niềm vui, sự tự hào của mình về chồng và 2 con, đồng thời gần gũi, tâm sự với con dâu nhiều hơn. Hãy thể hiện để ông bà ngoại hiểu mình yêu thương, chăm sóc họ như thế nào, điều gì họ làm khiến mình buồn và tổn thương thì cũng không nên giấu trong lòng. Tôi tin rằng, khi mình cởi mở, chân thành, yêu thương hết mực thì người thân mà ích kỷ, gia trưởng, vô lễ, phân biệt đối xử sẽ tự thấy xấu hổ và thay đổi.

Thay đổi bản thân, luôn làm việc thiện, rèn luyện sức khỏe, hãy thực hành những việc tốt, đúng đạo đức, chị sẽ vượt qua những điều khó chịu bằng niềm tin và sự tử tế. Chúc chị và gia đình sớm hòa hợp, vui vẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm