Trần Thị Dung quê ở thôn Lưu Gia (nay là làng Lưu Xá, xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà, Thái Bình), là con gái của dòng họ Trần - một dòng họ khởi nghiệp từ nghề đánh cá, sau đó trở nên giàu có và có thế lực nhất vùng. Cha bà là Trần Lý, bà là em ruột Trần Thừa và Trần Tự Khánh, tức cô ruột của vua Trần Thái Tông Trần Cảnh.
Cuối thế kỷ XII – đầu thế kỷ XIII, nhà Lý đến hồi suy yếu, xã hội mất ổn định trầm trọng. Năm 1209, trong nước có loạn, quân nổi loạn đánh vào tận cửa cung cấm, vua Lý Cao Tông và thái tử Sảm phải bỏ kinh đô lánh nạn. Vua chạy đến Quy Hóa còn thái tử chạy về Thái Bình, đến nhờ cậy vào thế lực họ Trần ở thôn Lưu Gia. Trong thời gian lánh nạn ở Lưu Gia, gặp được Trần Thị Dung, thái tử Sảm đem lòng say mê.
Với vẻ đẹp sắc sảo, Trần Thị Dung đã khiến thái tử Sảm say đắm không rời nên quyết lấy làm vợ. Sau khi lấy Trần Thị Dung, thái tử Sảm phong cho Trần Lý tước Minh Tự và cho Tô Trung Từ làm Điện tiền Chỉ huy sứ. Với chức tước trên, anh em họ Trần, họ Tô đem gia binh dẹp loạn rồi rước vua về kinh đô khôi phục triều chính.
Mùa xuân năm 1210, triều đình sai quan quân đi đón thái tử về kinh nhưng không cho đưa Trần Thị Dung theo. Trần Lý bấy giờ đã bị bọn cướp làm hại, Trần Tự Khanh thay cha đem quân hộ tống thái tử về kinh và được phong tước bá – Thận Lưu bá. Kể từ đó họ Trần bắt đầu bước chân vào chính trường để rồi nhanh chóng làm thay đổi cục diện lịch sử.
Tháng 10/1210, vua Lý Cao Tông băng hà, thái tử Sảm lên ngôi khi mới 16 tuổi nên mẹ là Đàm thái hậu cùng tham gia giải quyết các công việc triều chính. Vốn say mê Trần Thị Dung nên khi vừa lên ngôi, thái tử lập tức cho đưa thuyền rồng về Lưu Gia đón bà. Tháng 2/1211, Trần Thị Dung chính thức rời quê hương về sống ở kinh đô Thăng Long trước sự khó chịu của hoàng thái hậu và cả hoàng tộc nhà Lý.
Vào cung, Trần Thị Dung được lập là Nguyên phi, Tô Trung Từ được phong Thái úy phụ chính, Trần Tự Khánh được phong Chương thành hầu. Như vậy, từ năm 1211, họ Trần bắt đầu nắm giữ những vị trí quan trọng trong triều đình, đồng thời trở thành mối lo ngại đối với hoàng tộc và các triều thần nhà Lý.
Năm 1212, thừa lúc thế nước suy yếu, Trần Tự Khánh đem quân về kinh xin đón xa giá. Vua nghi ngờ ông có ý làm phản nên cho quân đi bắt Trần Tự Khánh và giáng nguyên phi Trần Thị Dung xuống làm ngự nữ. Suốt mấy năm hoàng thất lánh nạn đến nhiều nơi, ngự nữ Trần Thị Dung lặn lội đi theo vua và thái hậu. Trong thời gian đó, nghi ngờ bà làm nội ứng cho Trần Tự Khánh nên thái hậu luôn tìm cách hành hạ làm khổ bà.
Năm 1216, nhờ Trần Tự Khánh lập công giúp vua đánh giặc nên Trần Thị Dung lại được sách phong là Thuận Trinh phu nhân. Điều này khiến thái hậu càng thêm giận dữ, cuộc đấu giữa bà và Trần Thị Dung ngày càng gay gắt, căng thẳng.
Dựa vào ngôi vị của mình, nhiều lần thái hậu buộc vua phải đuổi Trần Thị Dung đi nhưng bà được vua hết sức che chở. Thấy không đuổi bà đi được, thái hậu lại sai người đến bắt bà tự sát. Được cấp báo, vua liền cho người đến ngăn cản nên bà thoát chết. Bấy giờ bà đang có thai nên càng được vua yêu thương.
Thái hậu thấy vậy quyết diệt trừ bằng được, nhiều lần tìm cách bỏ thuốc độc vào đồ ăn thức uống của bà khiến vua phải chia nửa phần ăn cho bà và luôn giữ bà bên mình để đề phòng. Thấy vậy, thái hậu thẳng thừng sai người cầm chén thuốc độc vào cung bắt bà phải chết. Lúc này, Trần Thị Dung đã gần đến ngày sinh. Vua không còn cách nào khác phải cố sức ngăn cản rồi nhắn cho Trần Tự Khánh đến đón bà lánh đi một thời gian. Sau đó, Trần Thị Dung đã sinh hạ một bé gái, tức công chúa Thuận Thiên.
Tháng 12/1216, bà được sách phong là hoàng hậu. Vậy là trước khi trở thành hoàng hậu, suốt 7 năm trời Trần Thị Dung đã phải chịu đựng biết bao đắng cay tủi nhục, thậm chí suýt mất mạng, song kể từ đây, nền móng cơ đồ nhà Trần đã bắt đầu được dựng.
Đền thờ Linh Từ quốc mẫu Trần Thị Dung ở làng lại xã Liên Hiệp, Hưng Hà, Thái Bình |
Năm 1218, Trần Thị Dung sinh tiếp một cô con gái nữa là Phật Kim (công chúa Chiêu Thánh). Năm 1223, Trần Tự Khánh chết, em họ bà là Trần Thủ Độ thay quyền, được ủy nhiệm làm Chỉ huy sứ lãnh các quân Điện tiền và Hộ vệ cấm đình.
Thấy triều đình nhà Lý suy sụp, biết cơ hội đã đến, tháng 10/1224, Trần Thủ Độ đã mưu tính cùng Trần Thị Dung buộc vua Lý Huệ Tông hạ chiếu truyền ngôi cho công chúa Chiêu Thánh khi đó mới 8 tuổi gọi là Lý Chiêu Hoàng, nhà vua trở thành thái thượng hoàng. Đau buồn và bất lực, Lý Huệ Tông xuất gia vào sống ở chùa.
Tháng 12/1225, Trần Thủ Độ lại cùng Trần Thị Dung để Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho họ Trần. Tháng 8/1226, sau khi vua Lý Huệ Tông chết, Trần Thị Dung chịu giáng là Thiên Cực công chúa rồi về làm vợ thái sư Trần Thủ Độ. Hai con gái bà, Lý Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh (vua Trần Thái Tông) còn công chúa Thuận Thiên lấy anh Trần Cảnh là Trần Liễu.
Trong buổi đầu dựng nghiệp của họ Trần, Trần Thị Dung đã thực sự là sợi dây liên lạc nối nhà Lý với họ Trần. Bà chính là tác nhân quan trọng đẩy nhanh quá trình chuyển giao vương triều.
Năm 1257, quân Nguyên xâm lược Đại Việt lần thứ nhất. Trước thế giặc mạnh, không ít người lo sợ nhưng Trần Thị Dung vẫn sáng suốt giải quyết mọi việc chu toàn. Trong lúc vua quan nhà Trần chinh chiến với quân Nguyên thì ở kinh thành, Trần Thị Dung đã điều động nhân dân chuyển vũ khí thóc gạo từ các kho của nhà nước xuống thuyền cùng sơ tán, thực hiện kế hoạch “vườn không nhà trống” do nhà Trần vạch ra một cách thành công, khiến quân Mông - Nguyên khi tiến vào Thăng Long gặp vô vàn khó khăn.
Đồng thời, với tư cách Quốc mẫu, bà đã đứng ra quán xuyến việc tổ chức thuyền bè chở toàn bộ hoàng gia cùng vợ con các tướng sĩ xuống vùng Hoàng Giang tạm lánh. Tại đây bà chăm sóc bảo vệ hoàng thái tử, động viên an ủi vợ con tướng sĩ. Khi triều đình quyết định phản công, bà lại đứng ra lo việc thu thập vũ khí của các gia đình tướng sĩ đem theo để gửi cho quân đội, góp công lớn trong chiến thắng chống giặc Mông - Nguyên.
Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung tạ thế tháng 1/1259 đời vua Trần Thánh Tông. Thể theo ước nguyện của bà, hoàng tộc nhà Trần đưa bà về chôn cất ở quê hương. Hiện ở xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà còn mộ và đền thờ Linh Từ quốc mẫu Trần Thị Dung.