pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người phụ nữ suýt hỏng gan vì nhuộm tóc
Cô Lý, sống ở Thạch Gia Trang, Bắc Hà (Trung Quốc) năm nay 50 tuổi. Thời gian gần đây, cô Lý có các biểu hiện như kém ăn, mệt mỏi, vàng mắt, nước tiểu có màu khác lạ. Vì lo lắng có bệnh nên cô Lý đã đến Bệnh viện số 5 thành phố Thạch Gia Trang, Bắc Hà để khám.
Người phụ nữ bị viêm gan do thường xuyên nhuộm tóc. (Ảnh minh họa)
Sau khi kiểm tra và làm các xét nghiệm, bác sĩ phát hiện cô Lý bị mắc bệnh viêm gan do thuốc. Tuy nhiên, cô Lý cho biết cô không uống bất kỳ loại thuốc nào. Khi trò chuyện tìm hiểu thói quen sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân, bác sĩ Hoàng Đào, Phó Khoa Gan mật nói, cô Lý là người mê làm đẹp, đặc biệt là rất thích nhuộm tóc. Trung bình mỗi tháng cô Lý nhuộm tóc 2 lần. Bác sĩ Hoàng Đào cho biết, thủ phạm gây bệnh viêm gan của cô Lý chính là thuốc nhuộm tóc. Sau khi được các bác sĩ điều trị tích cực, cuối cùng chức năng gan của cô Lý đã trở lại bình thường sau 20 ngày nằm viện và mới đây cô đã được xuất viện.
Như cái tên cho thấy, viêm gan do thuốc đề cập đến tổn thương gan do thuốc hoặc các chất chuyển hóa của chúng gây ra. Những người khỏe mạnh không có tiền sử bị viêm gan trong quá khứ hoặc những bệnh nhân mắc các bệnh nghiêm trọng có thể bị tổn thương gan ở các mức độ khác nhau sau khi sử dụng một số loại thuốc làm hỏng chức năng gan.
Thuốc nhuộm tóc có thể gây ra những bệnh nguy hiểm dưới đây:
Hầu hết các loại thuốc nhuộm tóc đều chứa hàng chục thành phần hóa học, trong đó có nhiều thành phần độc hại, chẳng hạn như nitrobenzene và anilin. Những chất này dễ bị da hấp thụ, gây bệnh và gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.
Nhuộm tóc quá thường xuyên có thể gây ra hàng loạt các loại bệnh, trong đó có ung thư (Ảnh minh họa)
Dị ứng: Thường gặp nhất là dị ứng, trên phần nhuộm sẽ xuất hiện các nốt ban, sẩn, kèm theo ngứa, trường hợp nặng có thể có dịch tiết ra. Tình trạng này dễ phát hiện hơn, bạn có thể thay thuốc nhuộm tóc hoặc ngừng nhuộm tóc.
Gây hại cho gan: Các chất độc từ thuốc nhuộm tóc xâm nhập vào cơ thể cùng với các nang lông và da, tác hại đối với gan không chỉ khó phát hiện mà còn tương đối lớn. Độc tố một khi vào cơ thể con người cần được gan dị hóa, việc nhuộm tóc thường xuyên không chỉ làm tăng gánh nặng cho gan mà các thành phần độc tố trong thuốc nhuộm tóc gây hại cho tế bào gan, gây bệnh gan.
Ung thư: Các hóa chất trong một số loại thuốc nhuộm tóc kết hợp với một số tế bào trong cơ thể và cũng có thể gây ra ung thư da, ung thư bàng quang, bệnh bạch cầu…
Mặc dù ngoại hình đẹp là điều quan trọng, nhưng việc đánh mất sức khỏe để theo đuổi sắc đẹp là điều không đáng. Do đó, nhắc nhở mọi người nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân và cố gắng nhuộm tóc càng ít càng tốt. Đặc biệt những người bị dị ứng, bệnh gan mãn tính, bệnh về máu không nên nhuộm tóc. Phụ nữ mang thai và cho con bú cũng không thích hợp nhuộm tóc, để tránh nguy hiểm cho thế hệ sau.
Ngoài ra, nếu bạn có tiền sử nhuộm tóc trong sáu tháng qua và có một số triệu chứng về đường tiêu hóa, chẳng hạn như: chán ăn, buồn nôn, chướng bụng, suy nhược toàn thân, nước tiểu vàng và các triệu chứng viêm gan khác thì nên đến bệnh viện để kiểm tra.
Những lưu ý khi nhuộm tóc để bảo vệ sức khỏe
- Giảm tần suất nhuộm tóc. Tối đa nhuộm 1-2 lần một năm, cách nhau ít nhất là ba tháng.
- Cố gắng nhuộm tóc tại các tiệm làm tóc có uy tín.
- Thuốc nhuộm tóc phải chọn loại được sản xuất bởi cơ sở được cấp phép chính thức
Nhuộm tóc càng ít càng có lợi cho sức khỏe. (Ảnh minh họa)
- Khi nhuộm tóc tại nhà, hãy cố gắng chọn loại thuốc nhuộm tóc có hàm lượng p-phenylenediamine thấp và nhớ đeo găng tay trong quá trình thực hiện để tránh tiếp xúc trực tiếp giữa thuốc nhuộm tóc và da.
- Không sử dụng cùng lúc các nhãn hiệu thuốc nhuộm tóc khác nhau để tránh các phản ứng hóa học có thể xảy ra.
- Sau khi nhuộm tóc, bạn nhớ làm sạch tóc và da đầu kịp thời để tránh các chất độc hại có trong thuốc nhuộm tóc xâm nhập vào cơ thể qua da đầu.
- Cố gắng không gội đầu hai ngày trước khi nhuộm để tóc tiết dầu và hình thành lớp màng tự nhiên bảo vệ nang tóc.