Người thầy 'không chuyên' mở lớp học miễn phí nơi vùng cao

12/06/2019 - 11:00
Là một đảng viên, công chức, từ hơn 12 năm nay, ông Nguyễn Viết Học đã mở lớp tại nhà riêng, dạy học miễn phí cho học sinh nghèo ở xã miền núi Tân Long, huyện Tân Kỳ, Nghệ An.

Mới đầu hè nhưng cái nắng đã khá gay gắt ở vùng đất Tân Kỳ. Chúng tôi tìm đến lớp học đặc biệt của ông Nguyễn Viết Học khi đã hơn 8h tối, cái nắng oi ả của ban ngày dường như vẫn còn phả ra trong không khí. Lẫn trong tiếng ve kêu râm ran, từ ngoài ngõ, tiếng giảng bài trầm bổng vọng lại, như xoa dịu sự khó chịu của tiết trời oi bức.

 

thay.jpg
Thầy Nguyễn Viết Học giảng bài cho các học trò

 

Nói là lớp học nhưng thực ra chỉ là khoảng 30m2 không gian của 2 gian nhà cũ mà gia đình ông Học thu xếp làm nơi dạy học. Hơn chục bộ bàn ghế được sắp xếp khéo léo và sạch sẽ. Phía bức tường đầu hồi gắn 1 tấm bảng đen nhỏ xinh, những con chữ thẳng hàng mang bao kiến thức đến với các em học trò nghèo vùng cao. Trên bục giảng, người thầy “không chuyên” trong bộ áo lính, nước da rám nắng và đôi mắt hiền lành sau cặp kính cũ. Mái tóc ông giáo đã lấm tấm bạc nhưng chất giọng vẫn khỏe khoắn, rõ ràng khi giảng bài cho các em học sinh.

 

Ông Học quê gốc ở Quảng Trị, bố mất sớm khi ông mới 3 tuổi, năm 1969 vì chiến tranh mà mẹ con ông được sơ tán về Tân Kỳ, Nghệ An, rồi sau đó định cư luôn ở đây. Hồi trẻ, ông từng đi bộ đội và khi xuất ngũ trở về, ông theo học tại trường trung cấp Thương mại. Ra trường, với mong muốn cống hiến cho quê hương, ông Học xin về công tác tại địa phương và trở thành cán bộ tài chính của UBND xã Tân Long và xã Nghĩa Thái, huyện Tân Kỳ.

 

Cuộc sống của ông vốn cũng bình lặng như những người công chức khác ở nơi đây. Thế nhưng, trong tâm khảm của ông, hình ảnh và truyền thống tốt đẹp của bộ đội Cụ Hồ, lời dạy của Bác “học để biết, học để làm người, học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và đồng loại”,cùng với tình yêu quê hương, tình thương những mảnh đời khốn khó cứ thôi thúc ông làm một điều gì đó, dù chỉ là việc nho nhỏ. Chứng kiến các em học sinh ở vùng quê phải nghỉ học giữa chừng, chật vật mưu sinh, nhiều em bị hổng kiến thức, cùng với đó là tỷ lệ lớn học sinh thi trượt cấp 3 trên địa bàn, ông Học trăn trở, suy tư về một không gian vừa để học kiến thức, vừa rèn luyện nhân cách cho các em.

 

Đầu năm 2008, ông bắt tay hiện thực hóa ý định của mình. Dù bận bịu với nhiều công việc nhưng ông vẫn dành thời gian tìm hiểu các cháu có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ nghỉ học, bàn bạc với gia đình các cháu để cho bọn trẻ đến lớp. Ban đầu, nhiều phụ huynh nghi ngờ, cho rằng ông nói đùa vì một người chưa từng đứng trên bục giảng, lại chẳng có chút kỹ năng sư phạm thì làm sao có thể dạy học được. Nhưng sau nhiều lần giải thích và bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu, lớp học vẫn được ông mở ra với 6 em đang học lớp 9. Cuối năm đó, sự cố gắng của thầy và trò bước đầu được đền đáp khi cả 6 em đều thi đỗ cấp 3.

 

Cứ thế, lớp học của thầy Nguyễn Viết Học lại tiếp tục được duy trì và ngày càng mở rộng thêm. Đến nay, sau gần 12 năm gắn bó với công việc dạy học, đã có hàng nghìn lượt học sinh được thầy Học kèm cặp, phụ đạo kiến thức. Tỷ lệ học sinh trong xã thi đỗ cấp 3 đã tăng cao hơn trước, trong đó có cả những em được thầy Học phụ đạo thi đỗ vào các trường chuyên.

 

Không chỉ dạy chữ 

Theo quan điểm của thầy Học, để có thể trở thành người công dân có ích cho xã hội thì mỗi học sinh không chỉ cần tài năng, trí tuệ mà còn cả đạo đức, nhân cách. Bởi vậy, nếu như ban đầu, đối tượng được thầy nhận kèm cặp chủ yếu là các em có hoàn cảnh khó khăn, học lực yếu thì giờ đây, nhiều gia đình có con em thuộc thành phần “khó dạy dỗ”, nghiện game... cũng tin tưởng gửi gắm thầy. Một số em là học sinh cá biệt, sau thời gian học tập với thầy Học đã từ bỏ được các thói quen xấu, vươn lên, cải thiện được thành tích học tập.

 

6.JPG
Thầy và trò cùng thu nhặt phế liệu để gây quỹ từ thiện

 

Bên cạnh đó, ở lớp học đặc biệt này, thầy Học không chỉ truyền dạy những kiến thức trong sách vở mà còn cố gắng rèn luyện đạo đức cho từng học sinh. Điều đó được bắt đầu từ những lễ nghi, phép tắc trong giao tiếp thường ngày với bố mẹ, thầy cô và bạn bè ở lớp học. Để các em có thể hiểu, cảm thông, chia sẻ và quan tâm đến mọi người xung quanh, thầy Học vận động các trò cùng mình tiết kiệm tiền ăn sáng, tổ chức thu nhặt phế liệu, vỏ bia, chai,... gom góp để gây quỹ từ thiện, tham gia các hoạt động vì cộng đồng. Từ nguồn quỹ này, mỗi tháng 1 lần, lớp tổ chức trao những suất quà nhỏ cho những em có hoàn cảnh khó khăn như bố mẹ mang bạo bệnh hay những cháu mồ côi đang ở với ông bà...

 

Như năm 2016, khi hay tin trường THCN Ngư Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình) bị lũ lụt tàn phá nặng nề, chỉ trong một thời gian ngắn, cả thầy và trò đã tiết kiệm tiền ăn sáng gom góp được 3 triệu đồng ủng hộ các bạn học sinh khắc phục phần nào khó khăn.

 

Những em học sinh đến với lớp học của thầy Học không chỉ được nâng cao kiến thức mà từ đây, các em được nuôi dưỡng và phát triển tình yêu thương bè bạn, lòng hiếu kính cha mẹ, đạo nghĩa với cô thầy, sự cảm thông, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn cũng như niềm tự hào về quê hương, đất nước.

 

Em Đặng Thị Phương Thảo theo học tại lớp của thầy Học 4 năm nay bày tỏ: “Cũng như các bạn, em đã được bổ trợ rất nhiều kiến thức ở lớp của bác Học. Hơn nữa, chúng em không chỉ lĩnh hội được các kiến thức văn hóa mà còn học được các bài học về cuộc sống, về đạo lý làm người”.

 

“Đó là những việc cỏn con, không đáng nói” 

Cùng với công tác giảng dạy cho các em học sinh, bản thân thầy Học cũng là một tấm gương cho các em noi theo. Chẳng những không thu tiền học phí của các em đến học tại lớp, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn còn được thầy Học nuôi ăn ở trong nhà. Vừa qua, thầy đã nhận hỗ trợ học phí cho 3 em có hoàn cảnh khó khăn đang theo học tại trường THPT Lê Lợi (huyện Tân Kỳ), với thời gian hỗ trợ là 3 năm.

 

4.JPG
Theo quan điểm của thầy Học, để có thể trở thành người công dân có ích cho xã hội thì mỗi học sinh không chỉ cần tài năng, trí tuệ mà còn cả đạo đức, nhân cách

 

Mỗi dịp Tết đến xuân về, từ đồng lương ít ỏi của mình, thầy vẫn trích ra khoảng 2 triệu đồng để làm phần quà cho 10 hộ gia đình các cháu có hoàn cảnh khó khăn. Như một sự động viên, khuyến khích tinh thần học tập của lớp, hàng năm, thầy giáo Nguyễn Viết Học lại trích tiền túi thưởng cho những em có lực học tốt, hay có nhiều tiến bộ. Thầy cũng thường xuyên tham gia các hoạt động hiến máu nhân đạo tại địa phương, với suy nghĩ giản đơn “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”.

 

Tích cực là vậy, nhưng khi chia sẻ với chúng tôi, thầy Nguyễn Viết Học vẫn chỉ cho rằng “đó là những việc cỏn con, không đáng nói”. Ông chia sẻ: “Tôi chỉ suy nghĩ rằng người biết hai thì bày cho người biết một, người biết một thì bày cho người chưa biết. Cứ như thế, cùng với sự đồng tình của gia đình, được sự động viên của chính quyền địa phương và hơn hết là niềm vui khi được nhìn thấy các em được học tập và cố gắng vươn lên, tôi đã xây dựng và duy trì được lớp học cho đến nay”.

 

Chia sẻ về những việc làm của chồng mình, bà Giản Thị Thủy, vợ ông Học, tâm sự: “Vợ và các con vẫn luôn ủng hộ và sát cánh cùng ông ấy trong việc hoàn thành tâm nguyện của mình. Bởi có cho đi mới mong nhận lại, xã hội sẽ tốt đẹp hơn nếu có nhiều người cùng có những suy nghĩ và việc làm như ông ấy”.

 

Ông Nguyễn Văn Tình, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long, cho biết, việc ông Nguyễn Viết Học mở lớp dạy miễn phí cho các cháu trong xã rất được các cấp chính quyền địa phương quan tâm, ủng hộ. Mặc dù dành nhiều công sức cho việc dạy thêm nhưng dù ở vị trí Hội Trưởng Hội Khuyến học xã Tân Long hay là cán bộ tài chính của xã Nghĩa Thái, ông Học vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công.

 

Những học sinh của lớp học tình thường này, số thì đã “tung bay” tới nhiều nơi khác, số thì tiếp tục học trong những ngôi trường. Người thầy giáo tóc đã điểm bạc, vốn chẳng hề chờ đợi sự tri ân, vẫn luôn tin rằng, dù ở đâu, các trò vẫn sẽ có những kiến thức cần thiết, biết vươn lên trong cuộc sống và biết yêu thương chia sẻ - đó là phần thưởng, sự ghi nhận lớn nhất cho những cống hiến thầm lặng của ông.

Mời bạn đọc cung cấp thông tin, giới thiệu những nhân tố điển hình, gửi bài cộng tác cho chúng tôi theo địa chỉ email: maucotoiyeu.pnvn@gmail.com, hotline: 094.170.7373.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm