pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người trẻ "chán cái cũ, sợ cái mới”
Ảnh minh họa
Gắn bó với công việc truyền thông 3 năm nay, nhưng đến giờ, Hoàng Thu Huyền (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) không còn hào hứng với công việc. Mỗi buổi sáng thức dậy, cô không còn cảm thấy sảng khoái và tràn đầy năng lượng để khởi đầu một ngày mới.
Cô cảm thấy lười biếng và e ngại khi nghĩ về việc đi đến công ty, đối mặt với công việc và các cuộc họp đang chờ đợi. Nghĩ đến công việc, cô cảm thấy chán nản, sợ hãi. Cô cảm thấy mọi khía cạnh trong công ty dường như không còn phù hợp với bản thân.
Giống như Thu Huyền, Đoàn Ngân Thảo (phường Thắng Tam, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng toàn những suy nghĩ tiêu cực khi nghĩ đến công việc là nhân viên văn phòng của mình. Đó là công việc mà cô thấy rất nhàm chán.
Thế nên, mọi công việc mà cô làm chỉ là "làm cho có". Cô chỉ muốn xong việc chứ không còn quan tâm đến việc hiệu quả đạt được ra sao dù biết sẽ bị khiển trách. Cô không còn hào hứng tham gia vào các cuộc trò chuyện, từ chối những lời mời cùng ăn trưa hay những sự kiện ngoài giờ làm với các đồng nghiệp.
Thậm chí, khi nhận được email công việc từ sếp, trong đầu cô chỉ muốn nhắn lại rằng: "Đây không phải việc của em!". Cô mất hẳn hoàn toàn động lực làm việc.
Chán nản, không có hứng thú, mất động lực làm việc, ai cũng nghĩ Thu Huyền và Ngân Thảo sẽ đổi công việc khác. Thế nhưng, Thu Huyền và Ngân Thảo cho biết, các cô không biết bắt đầu từ đâu.
Các cô e ngại, nếu thay đổi, không biết mình có thích ứng được với công việc mới và ở vào tuổi của mình, nếu bắt đầu lại từ đầu, liệu có quá… mạo hiểm. Những câu hỏi cứ quẩn quanh trong đầu họ và họ không dám "hành động". Điều đó khiến mọi thứ vẫn y nguyên như cũ, vẫn không có một lời giải đáp.
"Xung quanh mình, ai cũng đang làm công việc với niềm đam mê, yêu thích. Nhìn thấy mọi người làm việc hăng say, mình cảm thấy rất áp lực. Mình cảm thấy là người vô dụng khi không có thành tựu gì với công việc đang làm, nhưng lại sợ thay đổi vì biết đâu mình vẫn sẽ thất bại", Thu Huyền trải lòng.
Tương tự như vậy, Ngân Thảo cũng không biết cuộc đời mình sẽ đi đến đâu và như thế nào khi "chán cái cũ nhưng sợ cái mới": "Tôi 29 tuổi, mặc dù công việc cho thu nhập ổn định nhưng tôi không cảm thấy vui. Tôi cảm thấy công việc này thiếu một cái gì đó bùng nổ, đột phá. Thế nhưng tôi không biết rõ mình hứng thú với điều gì. Tuổi không còn trẻ, nên tôi cảm thấy lấn cấn trong việc thay đổi công việc".
Chia sẻ về vấn đề này, Mỵ Linh (kênh podcast Monet's Talk &Touch) cho biết, nếu bạn chưa muốn thay đổi công việc thì hãy thử yêu, thử làm mới công việc cũ. Bởi nếu tìm cách cũ mà giải quyết vấn đề cũ thì không đi đến đâu. Tuy nhiên, hãy tìm công việc mà có tiêu chí yêu thích, thú vị lên đầu.
"Thường chúng ta biết chúng ta thích cái gì nhưng chúng ta không dám, không dũng cảm để làm hoặc không tin mình làm được. Có thể, không phải do bạn không thích mà do bạn đang thiếu dữ liệu. Thay vì luẩn quẩn với câu hỏi tại sao mình không chọn thứ mình thích thì mở rộng phạm vi lựa chọn, mở rộng lượng thông tin, mở rộng dữ liệu.
Mỗi lần bế tắc, thay vì đặt câu hỏi Tại sao thì hãy đặt câu hỏi Làm thế nào. Từ đó, bạn sẽ trả lời được câu hỏi tại sao mình không thích, không hợp, mình chưa giỏi.
Bên cạnh đó, bạn đừng vội vã đi tìm cái gì. Ngừng tìm kiếm mà hãy trải nghiệm. Bạn chưa yêu công việc hiện tại thì cố tìm cách yêu nó. Hãy đặt mình trong một tâm thế háo hức học hỏi, tò mò, mở rộng trường dữ liệu của mình. Còn khi mình chán cái cũ, sợ cái mới thì cần hiểu nguyên nhân của nỗi sợ.
Nhưng nếu vì sợ mà không làm gì thì bạn mãi băn khoăn không biết mình có hợp công việc mới không. Cứ mạnh dạn thử, ít nhất bạn sẽ có câu trả lời. Tuy nhiên, khi thử cái mới, bạn hãy đặt thời hạn để "lì đòn" với nó. Nghĩa là, trong quãng thời gian đó, bạn sẽ không bỏ dở để không bị chùn bước, không bị nỗi sợ lấn át trong quá trình bạn thử sức với công việc mới", Mỵ Linh cho biết.