pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người trẻ lan tỏa văn hóa đọc
Nguyễn Tràng Bảo Phúc (phải) - Trưởng ban tổ chức dự án “Libreria Project”
Dù bận bịu với việc học ở trường nhưng không ít học sinh THPT vẫn dành thời gian cho các hoạt động xã hội. Trăn trở trước việc nhiều học sinh, trẻ em nghiện điện thoại, nghiện công nghệ mà quên việc đọc sách, những bạn trẻ này đã lan toả văn hoá đọc đến với nhiều học sinh, trẻ em ở ngoại thành Hà Nội.
Nói về việc nhiều trẻ em đang bị phụ thuộc vào điện thoại, công nghệ mà lười đọc sách, em Nguyễn Hồng Ánh (học sinh trường THPT Khoa học Giáo dục - Trưởng ban tổ chức dự án Libreria Project) cho biết: Mặc dù công nghệ đã giúp cho việc đọc sách được phong phú và thuận tiện hơn rất nhiều nhưng trẻ em hiện nay lại không có nhiều hứng thú với việc đọc sách.
Các em thích tìm đến những thứ khiến chúng vui và thấy thú vị nhiều hơn. Vì thế mà các chương trình truyền thông mang tính thực tế dễ dàng thu hút các em hơn là đọc những lý thuyết khô khan mang tính chuyên môn. Từ đó, văn hóa đọc đối với trẻ em hiện nay bị ảnh hưởng.
Nói về văn hoá đọc với trẻ em hiện nay, Nguyễn Tràng Bảo Phúc, trường THPT Lê Quý Đôn - Hà Đông - Trưởng ban tổ chức dự án "Libreria Project", cho rằng, nhiều cha mẹ chú trọng đến văn hoá đọc cho các con nhưng các em vẫn chưa có được sự hứng thú, đam mê với việc đọc sách.
Đặc biệt, thể loại các em yêu thích không phải là sách mà là các thể loại truyện tranh, truyện hài. "Trẻ em và giới trẻ ngày nay là đối tượng cần được quan tâm và rèn luyện văn hoá đọc càng sớm càng tốt, vì đó là độ tuổi vàng để phát triển tư duy về ngôn ngữ và kỷ luật.
Vậy nên chúng ta nên có những chương trình, hoạt động để thu hút và nâng cao sự hiểu biết của giới trẻ, trẻ em ngày nay về các kỹ năng mềm, trong đó là văn hoá đọc sách", Bảo Phúc nêu ý kiến.
Vì những lý do đó, nhiều học sinh THPT ở Hà Nội đã chọn dự án Libreria Project - dự án giáo dục về sách - để lan toả văn hoá đọc cho học sinh và trẻ em. "Libreria Project" được thành lập vào đầu năm 2020 bởi nhóm học sinh THPT Chuyên trên địa bàn thành phố Hà Nội, gồm 2 hoạt động chính là:
Quyên góp sách và Giảng dạy kỹ năng sống nhằm nâng cao văn hóa đọc và thu hẹp sự chênh lệch về giáo dục cho học sinh ở các vùng khó khăn. "Là một thành viên của dự án giáo dục về sách nhằm lan toả văn hoá đọc, bản thân em luôn hướng tới những thông điệp, bài học quý giá về cuộc sống, về sự tốt đẹp của việc đọc sách, trong từng lời văn, câu chữ được gửi gắm.
Em luôn chú trọng đến việc mình có thể nhắn nhủ được những gì, như thế nào đến người theo dõi, đến những bạn trẻ quan tâm dự án và quan tâm chính văn hoá đọc", Nguyễn Hồng Minh, học sinh trường THPT Chu Văn An, chia sẻ.
Để những học sinh, trẻ em ở ngoại thành yêu thích việc đọc sách, hiểu được giá trị của văn hoá đọc… là rất nhiều tâm huyết của những học sinh trong dự án Libreria Project.
"Chúng em tiếp cận và lan toả văn hoá đọc tới các em một cách gần gũi và thú vị nhất, đó chính là qua các chương trình về kỹ năng sống và các trò chơi thú vị được tổ chức ngay tại điểm trường của các em, với mục đích khơi dậy đam mê và sở thích cho các em nhỏ. Từ đó, các em sẽ tiếp cận với văn hoá đọc một cách dễ dàng và thoải mái nhất.
Ngoài ra, chúng em còn mang tới một nguồn sách với đa dạng các thể loại sách khác nhau để tăng thêm số lượng đầu sách và thể loại các em có thể chọn dựa theo sở thích của bản thân.
Số sách này được chúng em quyên góp từ những sự kiện của dự án được tổ chức tại nội thành Hà Nội như một cách thức để trao đổi sách và tăng tuổi thọ vòng đời của một cuốn sách. Một cuốn sách trao đi là ngàn yêu thương nhận lại", Bảo Phúc cho biết.