Người uống nhiều C2, Rồng đỏ nên khám sức khỏe

01/06/2016 - 16:09
1,2 triệu chai nước C2 và Rồng đỏ có lượng chì vượt ngưỡng đã không thu hồi được. Điều đó đồng nghĩa với việc số nước giải khát này đã được người tiêu dùng sử dụng. Bác sĩ khuyến cáo với những người trót uống nhiều loại nước này nên đi khám sức khỏe.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội), chưa cần nói tới hàm lượng chì vượt ngưỡng, mà chỉ cần trong thực phẩm có chì đã nguy hiểm rồi. Bởi trong quá trình ăn uống, chì không có tác động ngay mà tích tụ dần dần trong cơ thể. Sau một thời gian tích tụ, chì sẽ gắn chặt vào các tổ chức của cơ thể, đặc biệt là hệ cơ xương, khiến quá trình đào thải càng chậm, dẫn đến: Suy thận, tổn thương thần kinh ngoại vi, giảm chức năng não bộ mà không thể hồi phục, vô sinh, sảy thai.

Với trẻ em, nếu nồng độ trong máu là 100microgam/lít (0,1 mg/l) cũng đã ảnh hưởng đến sức khỏe. Còn ở người lớn là 250microgam/lít (0,25 mg/l), thận, hệ thần kinh, đã bị phá hủy, nếu cao hơn nữa, có thể hôn mê và tử vong.
 
Còn theo PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng (khoa Nhi, BV Bạch Mai), nếu trẻ chỉ uống 1-2 chai nước ngọt nhiễm chì vượt ngưỡng cho phép thì sức khỏe không ảnh hưởng. Nhưng nếu uống nhiều và liên tục thì chắc chắn có ảnh hưởng, thậm chí dẫn đến nhiễm độc chì.
img_6985.JPG
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nhiễm độc chì đặc biệt nguy hiểm với trẻ em.
PGS. Dũng cho biết: Trẻ bị ngộ độc chì sẽ có các triệu chứng như hôn mê, co giật, có thể tăng kích thích, ngủ lịm từng lúc, liệt, thái độ hành vi kỳ dị, ít chơi, mệt mỏi, khó chịu, vô cảm, học kém, chậm phát triển tinh thần. Trẻ bị nhiễm độc chì từ nhỏ sẽ chậm biết đi, hay cáu kỉnh, quấy khóc, đau bụng, tiêu chảy, thiếu máu, dễ lên cơn co giật hoặc co giật thường xuyên. Tuy nhiên, đa số trẻ bị ngộ độc chì có biểu hiện bệnh kín đáo, rất dễ bị bỏ sót, chỉ có thể phát hiện thấy khi khám chuyên khoa kỹ lưỡng và xét nghiệm. Khi đó, trẻ đã ở vào giai đoạn nặng, phải tiến hành lọc máu.

Các biểu hiện nhiễm độc chì ở người lớn là lơ mơ, lẫn lộn, sảng, dễ buồn ngủ, mất ngủ, hôn mê, co giật, đau đầu, mất trí nhớ, liệt, miệng có vị kim loại, chán ăn, táo bón, cơn đau bụng, đau cơ, yếu cơ, đau khớp, thiếu máu. Đặc biệt, chì làm giảm khả năng tình dục và khả năng sinh sản, dễ sảy thai, đẻ non, chậm phát triển thai, dị dạng thai.

Do đó, theo PGS Nguyễn Tiến Dũng, những ai từng uống nhiều nước giải khát thuộc danh mục bị thu hồi tiêu hủy mà có biểu hiện trên, cần đi khám để được tư vấn, điều trị.
tieu-huy-c2.jpg
Tiêu hủy sản phẩm nước giải khát C2 có lượng chì vượt ngưỡng trước sự chứng kiến của cơ quan chức năng.
Như PNVN đã thông tin, trên cơ sở kết quả thanh tra, Bộ Y tế đã yêu cầu công ty TNHH URC Hà Nội tạm dừng lưu thông và thu hồi 5 lô sản phẩm nước giải khát C2 và Rồng đỏ, cụ thể là các lô trà xanh hương chanh C2, sản xuất ngày 04/02/2016 và ngày 11/01/2016; nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng đỏ, sản xuất ngày 19/02/2016, 10/11/2015, 14/01/2016).

Tuy nhiên, sau khi xét nghiệm, chỉ còn 2 lô có hàm lượng chì vượt ngưỡng là lô sản phẩm Trà xanh hương chanh C2 (NSX 04/02/2016; HSD 04/02/2017), Nước tăng lực hiệu hương dâu Rồng đỏ (NSX 10/11/2015; HSD 10/08/2016) có hàm lượng chì cao hơn mức công bố. Với 2 lô sản phẩm này, Thanh tra Bộ Y tế yêu cầu Công ty URC thu hồi tối đa sản phẩm đã đưa ra lưu thông trên thị trường. Ngoài ra, còn có một số lô nước C2 và Rồng đỏ nghi nhiễm chì đang được cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ.

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, từ 20/5 đến 30/5, Công ty TNHH URC Hà Nội (Cty URC) đã thu hồi được 1.184 thùng nước (hơn 28.400 chai) C2 và Rồng đỏ có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép. So với tổng giá trị hàng hóa xuất bán của Cty URC thì số sản phẩm không thu hồi được có giá trị là 3,875 tỷ đồng, tương đương với 1,2 triệu chai. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm