Người vợ tuyệt vời của cố thủ tướng Lý Quang Diệu

10/08/2017 - 00:00
Thông minh, hiểu biết, bà Kha Ngọc Chi trở thành "nội tướng" và người cố vấn cho mỗi bước đường sự nghiệp của ông Lý Quang Diệu.

Bà Kha Ngọc Chi, vợ cố thủ thướng Lý Quang Diệu sinh ngày 21/12/1920, là tiểu thư trong một gia đình danh giá. Cha bà làm việc ở ngân hàng, gia đình sống trong biệt thự và có xe hơi đưa rước đến trường học hằng ngày. Trong khi đó, cố thủ tướng Lý Quang Diệu là con trai cả trong một gia đình 5 anh em. Năm 1942, khi quân Nhật chiếm đóng Singapore, Lý Quang Diệu phải lao ra chợ, làm đủ mọi việc để nuôi sống gia đình.

Bà Kha Ngọc Chi và ông Lý Quang Diệu đều học tại Đại học Raffles Singapore (nay là Đại học Quốc gia Singapore). Bà Kha là nữ sinh duy nhất và rất nổi tiếng ở ngôi trường này bởi khả năng học tập. Ở trường, bà Kha và ông Lý luôn là những đối thủ của nhau. Bà Kha luôn xếp thứ nhất ở môn tiếng Anh và Khoa học Kinh tế, còn ông Lý đứng thứ hai. Vì thế, ngoài việc nể phục cô bạn học xuất sắc, bà còn được ông Lý Quang Diệu liệt vào danh sách đối thủ cần phải  đánh bại.

Hết năm thứ nhất đại học, ông cảm thấy "bàng hoàng nhận ra rằng tôi không chiếm vị trí số 1 cả môn tiếng Anh lẫn môn kinh tế. Tôi xếp sau một cô tên Kha Ngọc Chi. Tôi thất vọng và cảm thấy khó chịu”, ông Lý Quang Diệu kể trong hồi ký Câu chuyện Singapore: 1923 -1965 đã được xuất bản năm 1998. Bà cũng là là đối thủ đáng gườm của Lý Quang Diệu trong tranh giành suất học bổng duy nhất của Nữ hoàng Anh.

ng-l-quang-diu-v-b-kha-ngc-chi-thi-tr.jpg Ông Lý Quang Diệu và bà Kha Ngọc Chi thời trẻ.

Việc học hành của họ bị gián đoạn do Singapore bị quân Nhật chiếm đóng. Họ gặp lại nhau trong một hoàn cảnh khác, khi Lý Quang Diệu và anh rể của Kha Ngọc Chi cùng sản xuất hồ dán văn phòng phẩm.

Đến tháng 9/1944, quan hệ bạn bè của họ đủ thân thiết để chàng trai Lý Quang Diệu mời Ngọc Chi tới dự bữa ăn tối sinh nhật lần 21 của anh, một sự kiện trọng đại những ngày bấy giờ. Tình yêu nảy nở tự nhiên giữa đôi trẻ.

Chiến tranh kết thúc, Lý Quang Diệu quyết định tới Anh học luật bằng tiền tiết kiệm của gia đình. Tháng 9/1946, ông sang Anh du học tại Trường Đại học Cambridge danh giá. Trước đó, ông đã đã hỏi Ngọc Chi liệu bà có chờ ông 3 năm. Đáp lại, Ngọc Chi hỏi rằng ông có biết rằng ông hơn bà tới 2 tuổi rưỡi.

Điều này Lý Quang Diệu đã biết và suy nghĩ cẩn thận. Đối với ông, ông cần một người phụ nữ chín chắn, ngang bằng với mình chứ không phải một cô gái mới lớn cần chăm sóc. Ông nói rằng ngoài bà, ông không tìm được người nào ngang bằng với mình và cùng có chung mối quan tâm. Ngọc Chi đồng ý đợi.

Thời gian họ xa nhau không lâu khi chỉ năm sau, Ngọc Chi đã xuất sắc giành được suất học bổng quý giá hàng năm của Nữ hoàng Anh cho sinh viên của Đại học Raffles. Tuy nhiên, Văn phòng Thuộc địa không thể tìm cho bà một chỗ ở trường đại học trong năm đó và nói rằng bà sẽ phải đợi đến năm 1948. Lúc đó, Lý Quang Diệu đã tìm cách thu xếp một cuộc gặp với hiệu trưởng trường Girton và thuyết phục được bà nhận Ngọc Chi vào học trong năm đó. Vì vậy, mùa thu năm 1947, bà Kha Ngọc Chi cũng đã lên đường đến Cambridge du học.

2-v-chng-ng-l-chp-ti-cambridge-anh-nm-1948.pngVợ chồng ông Lý chụp tại Cambridge, Anh năm 1948

Đến kỳ nghỉ giáng sinh năm đó, Lý Quang Diệu ngỏ ý muốn kết hôn bí mật với Ngọc Chi và bà đồng ý không một chút do dự. Họ đã làm đám cưới tại một nhà hàng nhỏ ở Stratford - upon – Avon, quê hương của đại văn hào  Shakespeare. Họ giữ bí mật về đám cưới vì  cho rằng cha mẹ và trường Girton sẽ không chấp nhận điều đó.

Tới tháng 6/1949, họ cùng tốt nghiệp hạng ưu. Ông Lý đoạt được ngôi sao danh dự cho những sinh viên xuất sắc nhất khóa học.

Sau khi cả hai trở về Singapore, họ làm việc trong một hãng luật có tên Laycock & Ong với vai trò hỗ trợ pháp lý. Trong khi bà Kha lo việc soạn thảo văn bản luật, ông Lý phụ trách các vụ kiện tụng. Rồi sau đó, ông Lý Quang Diệu đến nhà bà Ngọc Chi xin phép được làm đám cưới. Hôn lễ chính thức của họ diễn ra ngày 30/9/1950 tại khách sạn Raffles.

ng-l-quang-diu-v-b-kha-ngc-chi-trong-l-ci-ti-khch-sn-raffles-singapore.jpg Ông Lý Quang Diệu và bà Kha Ngọc Chi trong lễ cưới tại khách sạn Raffles, Singapore

Tháng 2/1952, Lý Hiển Long, cậu con trai đầu lòng ra đời. Bà Kha nghỉ sinh trong 1 năm. Cùng tháng đó, ông Lý được hãng luật giao cho vụ kiện của Hội Liên hiệp các nhân viên Bưu chính Viễn thông. Họ muốn có những điều khoản và dịch vụ tốt hơn từ phía chính phủ. Hai tuần sau ông Lý đã dàn xếp vụ kiện thành công. Việc này có công của bà Kha, người đã giúp ông chỉnh sửa bản thảo các điều khoản thương lượng ngay trong thời gian chăm con ở nhà, để nó mạch lạc và dễ hiểu hơn. Bà cũng giúp ông thay đổi cách hành văn, viết câu ngắn hơn với giọng văn chủ động hơn. Năm 1955, cô con gái thứ hai, Lý Vỹ Linh chào đời và hai năm sau đến lượt cậu con trai út Lý Hiển Dương.

Ông Lý từng thừa nhận trong hồi ký của mình rằng bà Kha là “một tòa tháp sức mạnh”. Suốt 31 năm ông làm thủ tướng (1959 – 1990), không chỉ là một người vợ, bà Ngọc Chi còn là người cộng sự và cố vấn đắc lực của chồng trên con đường chính trị của ông. Bà lặng lẽ đứng ở hậu trường, hỗ trợ chồng trong mọi việc.

Bà đã giúp ông Lý Quang Diệu soạn thảo hiến pháp khi ông thành lập đảng Nhân dân Hành động. Trong cuộc tổng tuyển cử năm 1959, bà đã phát biểu trên đài phát thanh kêu gọi phụ nữ bầu cho đảng Nhân dân Hành động.

Trong phần lớn sự nghiệp chính trị của ông Lý Quang Diệu, bà Ngọc Chi là người đọc dò các bài phát biểu của ông, kể từ khi ông có bài phát biểu đầu tiên ở Diễn đàn Malay năm 1950. Khi ông viết hồi ký, bà Ngọc Chi thức với ông đến tận 4 giờ sáng hôm sau để đọc kỹ bản thảo, sửa lỗi, nhận xét và bảo ông cách viết gẫy gọn.

Trong các chuyến công cán cùng chồng, bà Chi tiếp xúc với phu nhân của các chính khách mà ông Lý gặp gỡ. Sau đó, bà đưa ra nhận định khá chính xác về vị chính khách thông qua cách hành xử và giao tiếp của vợ ông ta. “Bà ấy có một trực giác rất tinh anh khi đánh giá một con người. Trong khi tôi đưa kết luận dựa trên phân tích và lý lẽ, thì bà ấy lại dựa vào cảm giác mà bà cảm nhận được đằng sau nụ cười, những lời nói thân tình, nét mặt, và ngôn ngữ cơ thể của người đối diện”, ông Lý viết.

1.jpg
Ông Lý thừa nhận, bà là "tòa tháp sức mạnh" của ông.

Tháng 10/2003, bà Ngọc Chi bị đột quỵ khi đang ở London cùng chồng. Bà được đưa về Singapore để phẫu thuật. Ông Lý Quang Diệu cũng đã có kế hoạch phẫu thuật tuyến tiền liệt. Hai ông bà ở hai phòng cạnh nhau trong bệnh viện đa khoa Singapore và có cửa trượt ở giữa để họ có thể bầu bạn.

Bà Ngọc Chi hồi phục nhưng mất thị lực bên trái. Do đó, trong các bữa ăn, ông Lý Quang Diệu luôn ngồi bên trái bà để nhắc bà ăn nốt thức ăn ở bên trái đĩa. Họ vẫn đi du lịch cùng nhau và ông Lý Quang Diệu luôn chọn khách sạn có bể bơi để vợ có thể tập thể dục.

Năm 2008, bà bị đột quỵ lần hai và nằm liệt giường, không thể cử động hay nói. Khi tình trạng xấu dần, bà Ngọc Chi gần như chỉ phản ứng với giọng nói của chồng. Lúc nào bà cũng thức chờ ông đi làm về để đọc cho bà nghe những bài thơ bà yêu thích, kể cho bà nghe về ngày làm việc của ông, nói chuyện với bà. Ngay cả khi ra nước ngoài, ông cũng nói chuyện với vợ qua webcam.

Để lấp khoảng trống khi vợ không thể ăn tối hay đi dạo cùng mình, ông Lý Quang Diệu vùi mình học tiếng quan thoại. Để vượt qua những đêm phải nghe tiếng vợ rên trong đau đớn ở phòng bên cạnh, ông tập ngồi thiền. Những căng thẳng do bệnh tật của bà Ngọc Chi khiến ông khổ sở hơn cả căng thẳng khốc liệt trên chính trường.

ng-b-l-quang-diu-chp-nh-k-nim-ti-sentosa-singapore-vo-ngy-l-tnh-nhn-nm-2008.jpg Ông bà Lý Quang Diệu chụp ảnh kỷ niệm tại Sentosa, Singapore vào ngày lễ Tình nhân năm 2008, trước khi bà Ngọc Chi ốm liệt giường.

Năm 2010, bà Kha qua đời ở tuổi 89 sau hai năm nằm liệt giường. Cuộc hôn nhân của ông bà đến khi đó là tròn 63 năm.

Tại đám tang của bà, ông đã đọc một bài điếu văn cảm động và kết thúc bằng câu: "Bà ấy đã sống một cuộc đời ý nghĩa và ấm áp. Tôi nên khuây khỏa khi bà đã sống 89 năm có ý nghĩa. Nhưng tại thời điểm chia ly cuối cùng này, trái tim tôi nặng trĩu nỗi buồn và đau đớn”. Ông Lý đau buồn bước đến quan tài có di ảnh bà. Ông lặng lẽ cúi xuống, đặt bàn tay có chiếc hôn từ biệt của mình lên trán vợ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm