Ngậm ngùi... "cõng nợ"
Cả tháng nay, vợ chồng chị T.H.M (Sóc Sơn) đứng ngồi không yên vì món nợ quá hạn vay tín chấp của một ngân hàng thương mại trên địa bàn huyện. Từ số vốn vay 200 triệu ban đầu (từ tháng 10/2017), giờ sau hơn 1 năm, do không có khả năng trả gốc lãi hàng tháng nên số dư nợ chồng nợ đã vượt xa con số ban đầu.
Chị M. kể, để có vốn đầu tư làm ăn buôn bán nên đã nhiều lần anh chị làm hồ sơ vay tiền ngân hàng nhưng vì thửa đất anh chị đang ở chưa sang tên được sổ đỏ để thế chấp, thủ tục vay rườm rà, khâu thẩm định hồ sơ quá lâu…, nên trong lúc cần tiền, chồng chị M. quyết định “liều” vay tín chấp. Bản thân anh chị M. không rành các thủ tục vay ngân hàng nên phải nhờ 1 người cháu kết nối để lo liệu vay tín chấp với mức 200 triệu đồng với lý do “để xây nhà”. Để vay được số tiền này nhanh nhất, ở hạn mức cao nhất dành cho mình, anh chị M. chấp chận chi 10 triệu phí “bôi trơn”. Khi nghe nhân viên ngân hàng cho hay, anh chị được ưu đãi với mức lãi suất chỉ 1%/tháng, anh chị M. mừng khôn tả.
Thời gian đầu, khi chưa kiếm được nguồn cố định để trả nợ nên anh chị M. dành ra 20 triệu đồng để trả nợ hàng tháng. Sau 3 tháng đầu tiên vay nợ, anh chị M. bắt đầu thấy chóng mặt với khoản gốc lãi vay ngân hàng. Chị M. làm ruộng, còn chồng chị dùng số tiền đầu tư với bạn làm ăn. “Chồng tôi không có kinh nghiệm nên đầu tư chẳng có lãi. Trong khi đó, tháng nào đến hẹn là phải tìm mọi cách trả nợ ngân hàng. Không muốn bị phạt nên những lúc bí, chúng tôi lại phải đôn đáo vay chỗ nọ đập chỗ kia. Tiếng là vay ngân hàng trả lãi giảm dần nhưng có nhiều tháng, chúng tôi bị quá hạn nộp, số tiền lãi bị nhân lên, có khi còn vượt quá 7 triệu đồng. Đấy là chưa kể, từ ngày vay, chúng tôi đã phải chịu 2 lần điều chỉnh lãi suất. Khi thấy lãi suất tăng, tôi đến hỏi ngân hàng thì mới té ngửa, gói lãi suất vay tiêu dùng của của tôi được thay đổi 3 tháng 1 lần theo tiết kiệm 12 tháng của ngân hàng. Họ nói quy định ấy đã được ghi rõ trong hợp đồng nhưng chúng tôi không để ý, vì khi vay tiền, chúng tôi chỉ hỏi qua nhân viên ngân hàng về các khoản phải nộp hàng tháng, không đọc kỹ hợp đồng”, chị M. cho hay.
Tính đến thời điểm này, đã 8 tháng anh chị M. không có khả năng thanh toán gốc lãi hàng tháng. Do đó, lãi chồng lãi, số tiền lũy tích cả gốc lẫn lãi giờ đã vượt xa con số 200 triệu ban đầu. Nhiều lần anh chị M. đã bị nhân viên ngân hàng gọi điện thoại, xuống tận nhà thúc nợ. Và gần đây nhất, nhân viên ngân hàng đã “cảnh cáo” gia đình chị M., rằng họ sẽ khởi kiện anh chị ra tòa.
Vay thì dễ...
“Tôi đã bàn với chồng tôi, chắc chúng tôi phải nói rõ tình cảnh của mình với bố mẹ để xin sang tên sổ đỏ gấp rồi bán bớt 1 phần đất ở để trả nợ ngân hàng. Hoặc dùng sổ đỏ để thế chấp ngân hàng nhà nước vay vốn kinh doanh chứ không vay tín chấp ngân hàng thương mại nữa. Chứ giờ cứ cõng nợ thế này, trước sau gì họ xiết nợ, mình cũng trắng tay thôi”, chị M. ngậm ngùi.
Được biết, lúc vay tiền, vì nhu cầu cấp bách nên vợ chồng chị M. chỉ thấy vay được là vay thôi chứ họ không hoạch định kế hoạch trả nợ lâu dài hay tìm hiểu thật kỹ các điều khoản trong hợp đồng. Chính vì vậy, thời hạn anh chị M. ký hợp đồng vay ngân hàng là 40 tháng, nếu như bây giờ anh chị M. có bán được đất hoặc thế chấp sổ đỏ vay được đủ tiền để trả ngân hàng thì riêng số tiền bị phạt hợp đồng (thanh khoản trước thời hạn) của anh chị M. cũng lên đến hàng chục triệu đồng.
Chị M. ngậm ngùi: “Đúng là vay thì dễ mà tiêu không dễ. Đây sẽ là bài học lớn cho vợ chồng tôi. Cay đắng hơn, nhân viên ngân hàng cũng cho chúng tôi hay, vì chúng tôi bị liệt vào diện “nợ xấu” nên sau này, khả năng đi vay bất kỳ ngân hàng nào cũng là điều “không thể” vì các ngân hàng/tổ chức tín dụng đều có sự liên thông với nhau.
Người vay tín chấp phải hiểu rõ thông tin hợp đồng
Đem câu chuyện của anh chị M. trao đổi với cán bộ làm trong ngành ngân hàng, vị này tiết lộ: Hiện nay, các ngân hàng đang đẩy mạnh việc triển khai hình thức cho vay tín chấp, mở rộng đối tượng vay tín dụng để tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. Bên cạnh đó, thị trường cho vay tài chính tiêu dùng tại Việt Nam ngày càng sôi động với sự tham gia của các công ty tài chính tiêu dùng, nhằm đáp ứng nhu cầu vay của các đối tượng khách hàng không tiếp cận được với nguồn vốn vay ngân hàng. Vay tín chấp thủ tục đơn giản hơn so với vay thế chấp để có thể tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. Điều này giúp nhiều người dễ dàng vay được vốn tiêu dùng, mua sắm. Tuy nhiên, hình thức vay tín chấp mang rủi ro tín dụng cao. Trường hợp khách hàng không thể tất toán xong hợp đồng vay hay cố ý không trả nợ, trả nợ nửa chừng thì ngân hàng/công ty tài chính sẽ tiến hành thu hồi tiền vay bằng các nghiệp vụ riêng của mình.
Để đáp ứng nhu cầu khách hàng, việc đẩy mạnh cho vay tín chấp/tiêu dùng là cần thiết, nhất là đối với những người không có tài sản thế chấp. Song, các công ty tài chính phải hoạt động lành mạnh, dựa trên lợi ích và phát triển cộng đồng, tránh núp bóng cho vay tiêu dùng để “dồn” khách hàng vào đường cùng vì sơ suất hoặc thiếu hiểu biết cơ chế cho vay tín chấp/tiêu dùng.
Về phía khách hàng, khi tham gia vay tiêu dùng cần hiểu rõ các nội dung thông tin cơ bản của hợp đồng vay như: Mức lãi suất, thời gian vay, quy định về trả nợ trước hạn, mức phạt trả chậm... Chỉ ký hợp đồng khi đã hiểu rõ các thông tin thể hiện trên hợp đồng.