'Vẽ hay' mà không có người thực hiện cũng... hỏng
Trao đổi với PV Báo PNVN về dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vào chiều ngày 13/4, GS Phạm Minh Hạc cho biết, ông lo nhất là tiến độ làm bộ sách giáo khoa để phục vụ cho các lớp đầu cấp vào năm học tới, theo kế hoạch của chương trình.
“Tính ra còn khoảng 17 tháng, khó có thể nói kịp hay không vì kế hoạch đã định rồi, muốn hay không cũng cần phải hoàn thành. Rất nhiều môn học mới nên việc xây dựng nội dung cho mỗi môn học cũng mất nhiều thời gian. Bộ GD&ĐT cần ráo riết hơn may ra mới kịp!”, GS Phạm Minh Hạc nhận định.
GS.VS. Phạm Minh Hạc có nhiều băn khoăn về chương trình GDPT tổng thể. Ảnh: Tuổi trẻ |
Nguyên tư lệnh ngành giáo dục chia sẻ, đây là một sự đổi mới tổng thể, toàn diện và căn bản, vì vậy tâm lý lo lắng của phụ huynh trước mọi đổi mới là điều dễ hiểu. Nhưng chính điều này sẽ là động lực để Bộ GD&ĐT thực hiện chương trình hoàn thiện hơn.
“Chương trình mới đặt ra nhiều quyết sách, ví dụ học sinh cả 3 cấp học nên học cả ngày thay vì chỉ học 1 buổi như hiện tại (trừ học sinh tiểu học). Sĩ số lớp quá đông như hiện tại, làm sao giáo viên có thể xử lý giờ học tốt. Thiết bị thực nghiệm liệu có đủ chuẩn để phục vụ các hoạt động trải nghiệm, thực hành?”, ông Hạc đặt vấn đề.
Đặc biệt, việc đào tạo chuẩn hóa giáo viên theo yêu cầu của chương trình mới là vấn đề không hề nhỏ. Chương trình “vẽ” ra hay đến mấy mà người dạy không tương ứng thì chương trình khó có thể thành công.
GS Hạc cho rằng, không thể chỉ “kêu” mỗi ngành giáo dục. Đổi mới chương trình giáo dục là việc lớn, đòi hỏi nhà nước, chính phủ, quốc hội có những chỉ đạo, quyết sách cụ thể để thực hiện. Chính phủ phải xem xét lại vấn đề ngân sách cho giáo dục để đảm bảo đủ điều kiện thực hiện những đổi mới này. “Sự vào cuộc này, nếu Trung ương, chính phủ không quyết liệt thì chương trình khó có thể thành công, nếu không muốn nói là thất bại”, ông Hạc cho biết.
Giáo viên hy vọng cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy học sẽ tăng thêm. Ảnh minh họa: D.H |
Giáo viên mong giảm tải lượng kiến thức cho học sinh
Nhiều giáo viên cũng tâm tư khi tiếp cận với dự thảo chương trình GDPT. Cô Nguyễn Thị Hải (giáo viên Tiểu học ở TP Vinh, Nghệ An) cho biết, mong muốn của cô và nhiều đồng nghiệp đối với chương trình mới là giảm tải lượng kiến thức cho học sinh.
“Hiện nay, môn Toán tiểu học vẫn quá nặng nề, hàn lâm. Học sinh và giáo viên đều rất chật vật khi chỉ từng ấy tiết học, nhưng để truyền tải được hết kiến thức là điều khó khăn. Chính vì lượng kiến thức lớn nên thời gian tập trung cho học sinh có lực học yếu hơn sẽ nhiều hơn. Điều này sẽ thiệt thòi cho các em có lực học khá hơn”, cô Hải nêu thực tế.
Cũng theo cô Nguyễn Thị Hải, để thực hiện được chương trình mới, cùng với giảm tải kiến thức, sĩ số học sinh/lớp cũng cần giảm, cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy học cần tăng.
“Chúng tôi sẵn sàng để tiếp cận và bồi dưỡng kiến thức, năng lực mới cho giáo viên theo chương trình tổng thể, nhưng việc này cũng cần được đồng bộ với việc thay đổi cách quản lý quyết liệt của lãnh đạo cấp trên để tạo sự đồng thuận về tâm lý của giáo viên. Có đồng thuận mới có động lực để bản thân giáo viên thay đổi”, cô Hải chia sẻ.