Đó là thông tin luật sư Nguyễn Hoàng Trung, Đoàn luật sư Hà Nội, người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của các nạn nhân vụ tai biến chạy thận tại Hòa Bình, chia sẻ với PNVN ngày 8/5.
Theo luật sư Trung, ngày 7/5, tòa án Nhân dân tỉnh Hòa Bình đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 3 bị cáo liên quan đến vụ tai biến y khoa khi chạy thận khiến 8 người tử vong tại BV Đa khoa Hoà Bình.
Tuy nhiên ông Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình, người liên quan đến vụ án, đã vắng mặt và cũng có đơn đề nghị xử vắng mặt.
Luật sư Nguyễn Hoàng Trung cho biết, lý do ông Trương Quý Dương vắng mặt là đang đi nước ngoài. Đây là một hình thức tránh mặt của ông Dương khi phiên tòa diễn ra. “Ngày 15/5, phiên tòa sẽ tiếp tục mở lại nhưng chắc chắn là ông Dương vẫn vắng mặt”, luật sư Trung nhận định.
Chia sẻ trên trang faccebook cá nhân, luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng Văn phòng Luật sư Toàn Cầu, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bác sĩ Hoàng Công Lương, đặt câu hỏi: Theo quy định của pháp luật, thì ông Trương Quý Dương là người có liên quan đến vụ án tại BV Đa khoa Hòa Bình nên sẽ không được xuất cảnh. Vậy tại sao ông Dương lại được đi xuất cảnh sang Canada?
Luật sư Thiệp cũng cho rằng, theo những chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, ông Dương phải bị khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" khi để cho Công ty Trâm Anh là công ty chuyên xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp tham gia sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế thiết bị y tế tại BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình. “Việc này chẳng khác gì Công ty giết mổ gia súc thuê thợ mổ lợn đến BV phẫu thuật tim, gan, thận”, luật sư Thiệp bức xúc.
Trả lời PNVN về vấn đề này, ông Trần Nguyên Khánh, Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình, cho biết, ông Trương Quý Dương đã nghỉ hưu, nên chính quyền địa phương sẽ quản lý nhân khẩu, hộ khẩu. Do đó, việc ông Trương Quý Dương xuất cảnh thì Sở không nắm được.
Trước đó, như PNVN đã thông tin, ngày 29/5/2017, khi bệnh nhân đang chạy thận tại BV Đa khoa Hòa Bình thì xảy ra sự cố khiến 8 người tử vong, 10 người may mắn thoát chết. Hội đồng chuyên môn đã họp và thấy rằng hệ thống lọc nước RO có vấn đề.
Kết quả xét nghiệm cho thấy, đã phát hiện trong hệ thống nước chạy thận có chất acid fluorid cao gấp 260 lần. Đây là chất cực độc, gây loạn nhịp tim nên bệnh nhân tử vong rất nhanh.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố vụ án để điều tra. Đến ngày 22/6, cơ quan CSĐT đã bắt tạm giam 3 người, trong đó có 2 nhân viên y tế và 1 bác sĩ của BV Đa khoa Hòa Bình. Cơ quan điều tra cho rằng, hành vi của bác sĩ Hoàng Công Lương có dấu hiệu của tội “Vi phạm quy định về khám chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”, theo điều 242 Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, sau đó Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hòa Bình đã ban hành cáo trạng truy tố các bị can trong vụ tai biến chạy thận tại BV Đa khoa Hòa Bình làm 8 người tử vong. Theo đó, bác sĩ Hoàng Công Lương và bị can Trần Văn Sơn bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại khoản 2, điều 285, Bộ luật Hình sự 1999 (nay là khoản 3, điều 360, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017). Còn bị cáo Bùi Mạnh Quốc bị truy tố về tội “Vô ý làm chết người” theo khoản 2, điều 98, Bộ luật Hình sự 1999, nay là khoản 2, điều 128, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Từ khi bác sĩ Lương bị bắt, Bộ Y tế, Tổng Hội Y học, các chuyên gia đã lên tiếng phân tích những bất cập khi cơ quan chức năng điều tra, truy tố và đưa ra xét xử đối với bác sĩ Hoàng Công Lương trong vụ án này. Bộ Y tế cho rằng, cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình cần điều tra, xét xử đúng người, đúng tội, tránh bỏ lọt tội phạm.
Sáng 7/5/2018, Tòa án Hòa Bình tiến hành phiên tòa xét xử sơ thẩm với sự vắng mặt của nhiều luật sư và những người được triệu tập. Các bị cáo đều đề nghị hoãn xét xử để chờ sự có mặt của các luật sư. ội đồng xét xử nghị án quyết định mở lại phiên tòa vào 8 giờ sáng ngày 15/5/2018.