Nguyễn Ngọc Tư tự họa: “Đen, buồn, háo sắc và hơi khùng!”
29/09/2017 - 09:10
Trong gia đình nhỏ của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, không ai đọc các tác phẩm của Tư viết cả. “Họ không, tuyệt đối không. Tui luôn đẩy văn chương xa họ hết mức có thể. Nhà tui không tiếp khách văn chương hay người có liên quan", Tư tiết lộ.
Tôi chưa có dịp trò chuyện nhiều với nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, chỉ tiếp xúc qua công việc viết lách. Khi phỏng vấn về việc này, lúc lại hỏi về chuyện khác.
Nhưng văn của Tư thì cảm được, trong sự hiểu biết hữu hạn cá nhân. Và Nguyễn Ngọc Tư cũng không hề biết rằng, mỗi tác phẩm mới của Tư gửi tới NXB Trẻ, người biên tập là anh Trần Ngọc Sinh - một biên tập viên cực kỳ kỹ lưỡng, cẩn thận và nhạy cảm - đều đàm đạo với tôi mỗi khi trà dư tửu hậu.
Nên khi những Gió lẻ và 9 câu chuyện khác hay Sông chưa ra mắt bạn đọc, tôi đã nghe được “hơi” văn của Nguyễn Ngọc Tư qua những câu chuyện kể của Trần Ngọc Sinh.
Nguyễn Ngọc Tư, trong cảm nhận cá nhân tôi, là người dễ chịu và không muốn chạm tới sự ồn ào. Văn của Tư, như dòng suối ấm, cứ len lỏi vào trong tiềm thức của người đọc, đôi lúc pha vô luồng nước lạnh, khiến người đọc giật mình thảng thốt. Và sau giây phút ấy, thì bị cuốn vào cuộc đời của các nhân vật. Buồn một cách rã rời. Buồn một cách có hệ thống!
Tư kể, lần viết đầu tiên để chạm vào lĩnh vực văn chương, là cái tản văn viết tay trên giấy học trò. Lén lút gửi Tạp chí Văn nghệ. Đâu có lấy tên Tư, mà lấy tên của người anh trai.
“Tui nhớ lúc được in, ba tui mừng gấp đôi tui mừng. Có thể vì ông cũng viết lách thơ thẩn đôi chút nên thấy trong nhà có thêm một kẻ thơ thẩn nữa thì vẫn vui hơn, hoặc vì ông nhìn thấy trong đứa con gái bình thường (đến tuyệt vọng, vì lúc ấy tui vẫn là con nhỏ làm vườn học hành không tới đâu) có chút gì đó khác thường”, Nguyễn Ngọc Tư kể về “lần đầu tiên làm chuyện ấy” với thái độ… rất Tư.
Phải là Nguyễn Ngọc Tư, và phải sống ở vùng đất thuần chất miền Tây Nam bộ, thì mới có thể là chi tiết ấy. Thực sự tôi đôi lúc cảm thấy bất lực với ngôn từ để giải thích cho bạn đọc của mình về điều này. Nhưng tôi biết, họ hiểu. Vì họ luôn đọc “Nhân vật của tôi” với cách mà họ đã chờ đón để theo dõi bấy lâu nay. Tôi luôn biết ơn bạn đọc về sự rộng lượng đó!
Tôi nói với Nguyễn Ngọc Tư rằng, đọc các tác phẩm của Tư, thử liệt kê chưa đầy đủ: Cánh đồng bất tận, Ngọn đèn không tắt, Khói trời lộng lẫy, Không ai qua sông…, đều cảm giác hình ảnh người phụ nữ luôn đau đáu đi kiếm tìm hạnh phúc. Họ kiếm tìm đôi khi trong sự tuyệt vọng.
Hỏi Tư có cảm giác giống như tôi không, thì Tư trả lời: “Tuyệt vọng là hiển nhiên rồi, làm gì có hạnh phúc. Giống như hạnh phúc thì may ra. Nhưng mà tui cũng không rõ nữa. Nhiều truyện tui thấy mình “coi thường” phụ nữ, kiểu như “không chịu tự sáng một mình, phải dựa vào đàn ông để sáng”. Nhưng rốt cuộc, người đọc vẫn thấy cảm thương trong đó”.
Cuộc sống của Nguyễn Ngọc Tư ở Cà Mau, giản đơn lắm lắm. Tư sống cùng gia đình chồng - một gia đình có nghề làm kim hoàn, với căn nhà kế chợ. Vậy nhưng trong các câu chuyện mà Tư kể, thì gần như các nhân vật lại thường lênh đênh sông nước, không biết đâu bến, đâu bờ!
“Tui giống như bất cứ bà nội trợ nào. Sáng đưa con đi học, tự đi chợ nấu cơm. Nhà không dột và có sân trồng hoa. Sáng nào cũng nghe nhạc con nít vì nhạc bên trường mẫu giáo ngang mặt nhà, hát. Một hoặc hai tháng thì trốn nhà đi chơi vài ba ngày, gọi là để thay đổi không khí, vì tui không đi làm nên ngồi nhà dễ bị tù đọng.
Trốn đi cũng vì khỏi phải nấu cơm mấy bữa đó. Không quan trọng là đi đâu, cảnh đẹp như nào, đi chỉ là đi vậy thôi. Riêng mùa hè thì không đi vì không có vé máy bay giá rẻ, cả nước nóng bức và đắt đỏ, nên mùa hè là mùa viết”, người-đàn-bà-nội-trợ-viết Nguyễn Ngọc Tư kể.
Ở nhà viết và tự trả lương cho bản thân đã gần 5 năm nay, nhưng mỗi tuần 3 buổi, Tư vẫn uống cà phê ở Hội Văn học Nghệ thuật. Bạn bè không tới chục người cũng chỉ ở Hội, nên tới đó. Cả địa chỉ liên lạc, Tư cũng lấy địa chỉ Hội để nhận thư báo. Kiểu của Nguyễn Ngọc Tư là vầy: “Tui nghỉ ở đó cũng lâu, nhưng coi chỗ đó như nhà mình, xông vào phòng nào, véo hông anh nào cũng không ngại!”.
Ngoài nghề viết, đến tận thời điểm này, Nguyễn Ngọc Tư vẫn chưa yêu thích thêm nghề nào khác. Bởi nếu có thì đã bỏ nghề viết để theo nghề đó rồi. Có thích đi chơi nhưng không thể gọi là công việc. Nhưng nói lại là Tư không chắc chuyện mình có yêu thích nghề viết không.
Đó là một loại lao động cực nhọc, đôi khi ta phải làm vì kiếm sống, vì bổn phận, “dĩ nhiên tui sẽ không làm được dài lâu nếu không có tình yêu. Nhưng đến một lúc nào đó, rất khó nhận ra tình yêu đó đang ở đâu trong khi viết, và đọc lại, và muốn quên đi”.
Trong gia đình nhỏ của Nguyễn Ngọc Tư, không ai đọc các tác phẩm của Tư viết cả. “Họ không, tuyệt đối không. Tui luôn đẩy văn chương xa họ hết mức có thể. Nhà tui không tiếp khách văn chương hay người có liên quan.
Tui cũng không mang người thân của mình tới những chỗ văn chương. Ý thức của người thân tui về chuyện trong nhà có một người viết văn là thường thấy bả ngồi thù lù trước máy tính, quạu quọ hoặc không, có ngày không nói cười, thỉnh thoảng ngồi quán ăn có người nhìn chằm chằm rồi hỏi chị có phải chị Tư blabla không…”.
Nguyễn Ngọc Tư là vậy, mà truyện và tản văn của Tư buồn lắm. Buồn lảng vảng, khóc không khóc được. Vậy khi viết, Tư có khóc không, Tư ơi? “Hiếm có lắm. Nhưng đúng là có lần viết cái “Bà già đi bụi”, thì nước mắt có chảy. Sau đó thì tự nhiếc mình là đồ khùng. Chỉ là thấy tội nghiệp bà già kia thôi!”.
Nói về Nguyễn Ngọc Tư, đừng nói quá nhiều. Viết lại càng tuyệt đối không nên nhiều. Tư là thế nào? Là “đen, buồn, háo sắc và hơi khùng”.