pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị bệnh viêm đa xoang
Do các xoang trên cơ thể con người đều thông qua xoang sàng và có liên quan đến nhau. Do vậy thường người bị viêm xoang mạn tính hay mắc viêm đa xoang. Chúng có thể viêm ở 1 bên hay 2 bên và viêm nhiều xoang cùng lúc. Viêm đa xoang có nhiều triệu chứng gây khó chịu cho người bệnh và cũng rất khó để điều trị dứt điểm.
1. Viêm đa xoang là gì?
Như chúng ta đã biết, xoang là các hốc rỗng trong hộp sọ con người. Chúng được bao phủ bên trong lòng bằng 1 lớp niêm mạc. Khi lớp niêm mạc của nhiều xoang cùng bị viêm được gọi là viêm đa xoang.
Thông thường, lớp niêm mạc mũi cũng bị ảnh hưởng cùng với niêm mạc xoang. Chính vì vậy người mắc viêm xoang thường bị viêm mũi và ngược lại, viêm mũi lâu ngày cũng có thể dẫn đến viêm xoang.
2. Nguyên nhân gây viêm đa xoang
Có rất nhiều yếu tố gây nên bệnh viêm đa xoang, nhưng trong đó phổ biến nhất là những nguyên nhân sau:
- Mắc các bệnh viêm xoang mãn tính khác nhưng không được điều trị dứt điểm. Tình trạng viêm nhiễm sẽ xâm lấn từ xoang này sang các khu vực xoang khác.
- Do bệnh viêm mũi mãn tính quá phát.
- Do các khối u ở mũi hay dị hình vách ngăn ở mũi gây cản trở lưu xoang và gây ứ động chất dịch nhầy.
- Do các bệnh nhiễm trùng răng lây lan.
- Cơ địa dị ứng mũi xoang.
- Tiếp xúc thường xuyên với hóa chất, thay đổi không khí.
3. Triệu chứng
Các dấu hiệu lâm sàng của người bị bệnh viêm đa xoang bao gồm:
- Đau nhức đầu, cơn đau có thể âm ỉ hay đau thành từng cơn ở vùng trán hay má. Cơn nhức đầu thường gặp vào buổi sáng. Điều này là do mủ trong xoang bị ứ động vào ban đêm.
- Tình trạng ngạt mũi, tắc mũi rõ rệt và tăng dần từng ngày. Điều này là do niêm mạc mũi phù nề, mủ ứ động, nặng hơn có thể do polyp mũi và cuốn giữa thoái hóa.
- Chảy dịch mũi thường xuyên, nặng hơn là chảy máu mũi. Mủ chảy ra có màu xanh hay vàng, có mùi hôi tanh.
- Giảm khứu giác hoặc thậm chí không ngửi được gì do phù nề và tắc mũi gây nên.
Khi chẩn đoán bằng nội soi hoặc CT sẽ thấy niêm mạc mũi, cuốn dưới bị phù nề nhưng vẫn có thể co hồi được. Khe giữa luôn có mủ đọng, đôi khi phồng lên thành gờ hoặc thoái hóa thành các polyp. Cuốn giữa phù to, lấp một phần hoặc cả hốc mũi.
4. Phương pháp điều trị
Trong trường hợp bệnh nhân mắc viêm đa xoang cấp tính, các phương pháp điều trị được chỉ định chủ yếu là nội khoa. Bệnh nhân cũng cần điều trị hỗ trợ bằng cách rửa mũi hàng ngày với nước muối sinh lý. Nếu bệnh nhân vị viêm nặng, mủ trong xương hàm nhiều sẽ được chỉ định chọc rửa xoang hàm và bơm dung dịch kháng sinh vào xoang bằng phương pháp nội soi.
Điều trị ngoại khoa hay phẫu thuật thường được chỉ định nếu bệnh nhân gặp các biến chứng ổ mắt hoặc biến chứng ở các cơ quan lân cận. Chúng cũng được áp dụng nếu điều trị nội khoa nhiều đợt không có kết quả. Phương pháp phẫu thuật cũng được chỉ định khi vẹo lệch vách ngăn và để cắt polyp mũi nhằm mở dẫn lưu các lỗ thông tự nhiên. Cách này sẽ giải quyết các nguyên nhân gây bít tắc dẫn lưu xoang.
Hiện tại, nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật mà phẫu thuật nội soi được ứng dụng. Với phương pháp này, bác sĩ có thể đánh giá chính xác mức độ tổn thương giúp can thiệp tối thiểu nhưng đạt hiệu quả cao, rút ngắn thời gian điều trị và phục hồi.
Một số vấn đề cần lưu ý trong quá trình điều trị viêm đa xoang bao gồm:
- Tránh ăn những loại thực phẩm gây dị ứng.
- Không tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, khói bụi, hóa chất độc hại, môi trường quá lạnh hay quá nóng.
- Không hút thuốc lá.
- Không đi bơi khi đang viêm nhiễm.
- Đeo khẩu trang khi đi ra đường.