pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nguyên nhân gây mỏi mắt thường xuyên
1. Cơ mắt căng thẳng là nguyên nhân gây mỏi mắt thường gặp nhất
Mỏi mắt là tình trạng rất thường gặp. Trong đó nguyên nhân gây mỏi mắt chủ yếu là các cơ mắt phải làm việc căng thẳng, không được nghỉ ngơi đủ.
Cơ mi nằm bên trong mắt. Nó có nhiệm vụ điều chỉnh các thấu kính trong mắt để mắt dễ dàng nhìn rõ các vật dù ở xa hay gần. Khi cơ mi được sử dụng cao độ trong thời gian dài thì tính điều tiết của nó sẽ suy giảm. Ví dụ điển hình là khi bạn nhìn chằm chằm vào 1 vật thể trong thời gian dài, các cơ sẽ khó co lại, khiến chúng khó điều chỉnh thấu kính. Điều này là nguyên nhân gây mỏi mắt và tầm nhìn mờ.
Cơ ngoài mắt, hay còn được gọi là cơ ngoại nhãn, cơ vận nhãn. Mỗi mắt có 6 cơ ngoại nhãn chi phối các hoạt động đưa nhãn cầu vào trong - ra ngoài - lên trên - xuống dưới. Giống như tất cả các nhóm cơ khác, các cơ vận nhãn cũng cần được thư giãn và nghỉ ngơi để thực hiện tốt nhiệm vụ của chúng.
Khiến mắt làm việc quá sức sẽ làm các cơ mắt bị mỏi và căng. Nếu không được kiểm soát, tình trạng này có thể gây ra các vấn đề về mắt. Do vậy hãy cố gắng tránh các công việc yêu cầu mắt phải tập trung cao độ trong thời gian dài như:
- Lái xe đường dài.
- Đọc sách quá lâu.
- Học tập và làm việc quá căng thẳng, không nghỉ ngơi thư giãn giữa giờ.
2. Khô mắt mãn tính
Một số người có thể mắc phải căn bệnh khô mắt mãn tính. Đây là căn bệnh khiến cho bề mặt của mắt bị khô nhanh hơn, hoặc mắt tiết ít nước mắt hơn bình thường. Với bệnh này, bề mặt của mắt không có đủ chất bôi trơn tự nhiên. Do vậy, các cơ mắt phải làm việc "cực khổ" hơn. Nó gây khó khăn trong việc tập trung vào các vật thể, là nguyên nhân gây mỏi mắt thường xuyên.
Thông thường, nước mắt nhân tạo có thể giúp giảm bớt vấn đề này. Nhưng tốt nhất hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nhãn khoa để được tư vấn liệu trình điều trị hiệu quả nhất.
Ngoài ra, hãy chú ý tránh các tình huống khiến mắt bị khô như:
- Mắt tiếp xúc với quạt, lỗ thông hơi, điều hòa hoặc lò sưởi.
- Làm việc trong điều kiện không khí quá khô.
- Mắt quá tập trung, không chớp mắt thường xuyên.
- Thiếu ngủ.
3. Ánh sáng không thích hợp
Khi ánh sáng quá chói hoặc quá tối, mắt phải làm việc tích cực hơn để xử lý lấy nét hình ảnh. Thường gặp nhất là mắt phải tiếp xúc với màn hình máy tính hoặc điện thoại di động bị chói. Do vậy, hãy chú ý điều chỉnh độ sáng của màn hình phù hợp với mắt. Tránh nhìn vào ánh đèn huỳnh quang hoặc các nguồn sáng khác. Kiểm tra xem nguồn sáng nơi bạn sinh hoạt có phù hợp với mức độ thoải mái của mắt bạn không.
4. Thị lực thay đổi
Trong một số trường hợp, nguyên nhân gây mỏi mắt có thể là do thị lực của bạn đã thay đổi. Nếu bạn thường xuyên nheo mắt hoặc khó lấy nét, đó có thể là dấu hiệu bạn bị mắc các tật khúc xạ. Bạn có thể cần đến kính mắt để hỗ trợ mắt điều tiết, giảm thiểu tình trạng mờ và mỏi mắt.
Nếu bạn đang đeo kính, hãy đi khám nhãn khoa. Rất có thể đã đến lúc bạn cần thay đổi độ kính.
5. Hội chứng thị giác màn hình
Khi điện thoại thông minh và máy tính đã trở thành một phần của cuộc sống hàng ngày của chúng ta, ngày càng có nhiều người cảm thấy mỏi mắt thường xuyên. Thậm chí các bác sĩ nhãn khoa đã dán nhãn riêng cho nguyên nhân gây mỏi mắt này một cái tên là "hội chứng thị giác màn hình", hoặc "mỏi mắt kỹ thuật số". Nó liên quan đến việc tiếp xúc thường xuyên với các thiết bị màn hình điện tử như: máy tính, máy tính bảng, điện thoại, tivi…
Để hạn chế tình trạng "mỏi mắt kỹ thuật số", bạn cần hạn chế thời gian sử dụng các thiết bị điện tử. Giữ tư thế ngồi làm việc và khoảng cách từ mắt đến màn hình đúng chuẩn. Cho mắt nghỉ ngơi sau mỗi 30 phút nhìn màn hình. Và nhớ hãy chớp mắt thường xuyên.
Nguồn tham khảo: https://www.visionexpress.com/eye-health/eye-fatigue