pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nguyên nhân khiến bạn ngáp liên tục không đơn giản chỉ là do thiếu ngủ
Ngáp là một phản xạ bình thường của cơ thể, đặc biệt là khi bạn thức dậy hoặc chuẩn bị đi ngủ. Tuy nhiên ngáp quá nhiều hơn mức bình thường thì lại khác. Dưới đây là những nguyên nhân khiến bạn ngáp liên tục và lời khuyên cho thấy khi nào cần phải thăm khám bác sĩ.
1. Rối loạn giấc ngủ
Ngủ không đủ giấc hoặc thiếu ngủ có thể khiến bạn ngáp liên tục hay còn gọi là rối loạn giấc ngủ. Rối loạn giấc ngủ có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ trong ngày nhiều hơn. Thậm chí có những trường hợp buồn ngủ nhưng không ngủ được. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây ra các ảnh hưởng nghiêm trọng tới thần kinh và tổn hại sức khỏe cũng như chất lượng công việc - cuộc sống.
Ngoài việc điều chỉnh lại thời gian sinh hoạt, ăn uống lành mạnh kết hợp với vận động vừa đủ thì bạn cũng nên thăm khám bác sĩ để có các hướng dẫn phù hợp nếu biện pháp khắc phục tại nhà không giúp cải thiện tình trạng ngáp liên tục của mình.
2. Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc có thể gây ra tình trạng ngáp liên tục. Điều này có liên quan tới cơ chế hoạt động của thuốc khi tương tác với các chất hóa học trong não gây ra tình trạng mệt mỏi hoặc kích thích việc ngáp nhiều hơn bình thường.
Những loại thuốc gây ngáp quá mức bao gồm:
- Thuốc chống trầm cảm như Prozac (fluoxetine) hoặc Celexa (citalopram)
- Thuốc chủ vận Dopamine (thuốc điều trị các tình trạng như bệnh Parkinson hoặc hội chứng chân không yên )
- Thuốc benzodiazepin
- Thuốc gây mê (thuốc dùng để gây mê hoặc an thần)
- Androgen như testosterone
- Oxytocin.
Nói chuyện với bác sĩ về các tác dụng phụ mà bạn gặp phải khi sử dụng thuốc để được điều chỉnh nếu được bởi tình trạng ngáp liên tục thường không được liệt kê như một tác dụng phụ nghiêm trọng khi dùng thuốc.
3. Các tình trạng sức khỏe
Mặc dù ít phổ biến hơn nhưng ngáp quá nhiều cũng có thể là dấu hiệu của các tình trạng sức khỏe bao gồm:
- Cơn đau tim, đặc biệt nếu bạn đang có các triệu chứng phổ biến của cơn đau tim khác như đau ngực, khó chịu ở phần trên cơ thể, chóng mặt và khó thở. Khi oxy cung cấp cho cơ thể bị ảnh hưởng não sẽ phản xạ bằng cách ngáp nhiều hơn - tuy nhiên đây không phải là triệu chứng chính của một cơn đau tim nên bạn không nên quá hoảng sợ
- Bệnh Parkinson và bệnh động kinh, có thể dẫn đến ngáp quá mức có thể là do chúng ảnh hưởng đến việc điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể
- Rối loạn thần kinh chẳng hạn như bệnh đa xơ cứng, đau nửa đầu
- Suy gan có dấu hiệu mệt mỏi
- Một khối u não (mặc dù rất hiếm gặp)
- Hen suyễn
- Dây thần kinh phế vị bị kích thích bởi các tác nhân như ho dữ dội, cảm xúc dồn nén cực độ, bị quá nóng, đứng lên quá nhanh, mất nước... cũng có thể dẫn tới ngáp quá nhiều do dây thần kinh phế vị bị kích thích khiến nhịp tim và huyết áp giảm đáng kể. Phản ứng này có thể là nguyên nhân của nhiều tình trạng sức khỏe, có thể là rối loạn giấc ngủ hoặc cũng có thể là bệnh tim nghiêm trọng, theo Healthline.
4. Chẩn đoán
Để xác định nguyên nhân gây ngáp liên tục bác sĩ sẽ hỏi về bất kì loại thuốc nào mà bạn đang sử dụng cũng như thói quen ngủ của bạn nhằm xác định tình trạng ngáp liên tục nhiều lần có thể do nguyên nhân mệt mỏi hay rối loạn giấc ngủ gây ra hay không.
Nếu loại trừ các vấn đề về giấc ngủ và thuốc uống, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số kiểm tra như kiểm tra điện não đồ giúp chẩn đoán một số tình trạng có thể ảnh hưởng tới não bao gồm bệnh động kinh, chứng mất ngủ chẳng hạn như mộng du, các chấn thương não, đột quỵ hay mất trí nhớ.
Chụp cộng hưởng từ (MRI) cũng có thể được chỉ định thêm để chẩn đoán các vấn đề tim mạch, bất thường tại gan và các cơ quan chính, chấn thương hoặc vấn đề tại khớp hoặc các rối loạn tủy sống và não chẳng hạn như khối u hay bệnh đa xơ cứng.
5. Điều trị ngáp liên tục nhiều lần
Tùy vào nguyên nhân gây ra tình trạng ngáp liên tục nhiều lần là gì bác sĩ sẽ có các biện pháp điều trị tương ứng, đặc biệt nếu do các nguyên nhân bệnh lý.
Chẳng hạn nếu bạn bị ngáp liên tục do tác dụng phụ của thuốc, bác sĩ có thể cân nhắc tới liều lượng thấp hơn - nhưng bạn tuyệt đối không nên tự ý dừng hoặc giảm liều khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Nếu tình trạng ngáp quá nhiều xảy ra do rối loạn giấc ngủ, bạn cần:
- Thực hiện một chu trình ngủ và thức dậy đều đặn mọi ngày, kể cả cuối tuần
- Tập thể dục thường xuyên để giảm căng thẳng và đốt cháy calo vào ban ngày để ngủ ngon hơn vào ban đêm - miễn là bạn không tập thể dục ngay trước khi đi ngủ
- Tránh caffein, rượu và các bữa ăn giàu năng lượng ngay trước khi ngủ
- Giữ cho phòng ngủ đủ tối, đủ mát và đủ yên tĩnh khi ngủ
- Loại bỏ các thiết bị điện tử ra khỏi phòng ngủ và có thể gây gián đoạn giấc ngủ
- Không sử dụng các thiết bị điện tử có ánh sáng xanh trong vòng 2 tiếng trước khi đi ngủ
- Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể kê melatonin bổ sung hoặc các loại thuốc khác để hỗ trợ giấc ngủ ngon hơn.
Nếu ngáp liên tục là triệu chứng do lo lắng quá mức hoặc hen suyễn, các bài tập thở hoặc thiết bị hỗ trợ thở có thể hữu ích.
6. Khi nào cần gặp bác sĩ?
Do có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng ngáp liên tục nên điều quan trọng là bạn phải nói chuyện với các chuyên gia y tế để tìm xem nguyên nhân chính gây ra vấn đề này là gì nếu bạn nhận thấy số lần ngáp của mình tăng lên đột ngột mà không có lý do rõ ràng.
Đặc biệt nếu như ngáp quá nhiều cản trở thói quen sinh hoạt và gây buồn ngủ cực độ vào ban ngày.