Nguyên nhân môn văn có số bài thi bị điểm liệt nhiều hơn năm ngoái 7 lần

14/07/2019 - 14:48
Quá trình chấm thi môn tự luận duy nhất - Ngữ văn, kỳ thi THPT Quốc gia 2019 đã ghi nhận rất hiếm điểm 9. Vì vậy, 1.265 điểm liệt môn thi này từ thống kê phổ điểm của Bộ GD&ĐT hôm nay, 14/7, là không nằm ngoài dự đoán.

Mỏi mắt tìm điểm 9

Năm 2019, khâu chấm thi có nhiều đổi mới đối với kỳ thi THPT Quốc gia nói chung và môn Ngữ văn nói riêng. Cụ thể, ngoài việc cán bộ làm phách môn tự luận được cách ly hoàn toàn thì việc chấm thi cũng được thực hiện theo 2 vòng độc lập. Với những bài Ngữ văn đạt điểm cao, Hội đồng chấm thi sẽ tiến hành chấm kiểm tra nhiều lần, nhằm đảm bảo tính chính xác cao nhất của bài thi.

Năm nay, môn Ngữ văn có số lượng thí sinh bị liệt cao nhất với 1.265 bài (chiếm 40%); tiếp đó là Ngoại ngữ 749 bài (trong đó riêng Tiếng Anh 630 bài), Lịch sử 395 bài, Toán 345 bài và thấp nhất là Giáo dục công dân 11 bài.

 

cham-thi-zofk.jpg
Cán bộ chấm thi THPT Quốc gia năm 2019

Với cách chấm thi chặt chẽ, quá trình chấm thi môn Ngữ văn ghi nhận mức điểm không cao, điều này khác biệt so với năm ngoái. Tại những nơi có số lượng bài thi lớn, các điểm 8-9 của môn này cũng như "mò kim đáy bể".

Tại TPHCM, việc chấm thi bài tự luận đã hoàn tất vào trước đó, chiều 4/7. Kết quả chấm thi, có 61.325 bài đạt điểm trung bình trở lên, chiếm tỉ lệ 89,4%, chỉ có 6 bài điểm 9. Tại Bắc Giang, phần lớn số bài văn của thí sinh trong tỉnh đạt từ 5-6 điểm. Bên cạnh đó cũng xuất hiện nhiều bài có điểm thi thấp, thậm chí có bài thi chỉ đạt 0,75 điểm - mức điểm liệt.

Tại Hòa Bình, trong những lần tổ chức chấm chung, kết quả cho thấy mức điểm thấp. Ban chấm thi đã tổ chức chấm chung 10 bài môn Ngữ văn, sau đó chia và tổ chức chấm thi. Kết quả, trong 10 bài chấm chung thì có 5 bài được trên 5 điểm, còn lại là từ điểm 5 trở xuống. Bài cao nhất là 6,5 điểm và bài thấp nhất là 2 điểm.

Với phổ điểm được công bố, thống kê cho thấy số điểm liệt môn Ngữ văn năm nay nhiều gấp 7 lần so với năm 2018 (181 bài bị điểm liệt), số thí sinh đạt từ điểm 1 trở xuống cao gấp 2,5 lần so với năm 2017.

Vì đề “khô” hay do chấm chặt tay?

Là môn thi bắt buộc để xét tốt nghiệp THPT, Ngữ văn có hơn 868.000 thí sinh dự thi. Đề bài gồm 2 phần, phần làm văn với câu hỏi nghị luận văn học 5 điểm đề cập tới dòng sông Hương trong tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông" của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Nhiều thí sinh đánh giá đề Văn không khó, cấu trúc quen thuộc và tự tin đạt 6-7 điểm.

Theo nhận định của nhiều giáo viên Ngữ văn, đề tổng thể ở mức dễ, sẽ có nhiều thí sinh đạt điểm cao. Phần đọc hiểu khá nhẹ nhàng, câu nghị luận xã hội khá quen thuộc, câu nghị luận văn học ở mức bình thường, không nâng cao.

 

10.JPG
Công tác trông thi và chấm thi năm nay tổ chức rất chặt chẽ, theo Bộ GD&ĐT 

Tuy nhiên, đề thi dễ không đồng nghĩa với việc đề thi hay. Nhiều thí sinh, giáo viên cho rằng đề thi năm nay khá khô khan, có chút khác biệt so với đề thi minh họa, đề thi ở mức an toàn trong khâu ra đề nên khó có thể khơi dậy được sự sáng tạo, cảm xúc đối với các thí sinh.

Bên cạnh đó, đáp án mà Bộ GD&ĐT công bố cho môn Ngữ văn cũng buộc các hội đồng chấm thi phải hết sức chặt chẽ, nghiêm túc, chi tiết.

Một lý do nữa là năm nay trong việc chấm thi tự luận, các Hội đồng thi sẽ phải tuân thủ theo nguyên tắc chấm kiểm tra 5% tổng số bài thi sau khi đã hoàn tất vòng chấm 1, vòng chấm 2. Trong đó việc chấm kiểm tra sẽ "nhắm" vào các bài thi có số điểm cao, đảm bảo sự công bằng cho tất cả các thí sinh.

Chính điều này ít nhiều khiến cán bộ chấm thi chấm chặt tay hơn, chấm một cách an toàn thay vì thoải mái cho điểm kiểu nương tay, hoặc chấm theo chính cảm nhận của người chấm.

Trước đó, Kiểm tra công tác chấm thi tại Lạng Sơn, ông Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - lưu ý, không có nghĩa vì lo sợ chấm kiểm tra mà cán bộ chấm thi “ngại” cho học sinh điểm cao. Việc chấm chặt quá có thể khiến học sinh bị thiệt thòi. Các ban chấm thi cần đảm bảo đúng tiến độ chấm nhưng điều quan trọng là sự trung thực, khách quan, đảm bảo quyền lợi của thí sinh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm