Nguyễn Phương Linh đối thoại trong 'Những chân trời có người bay'

17/12/2016 - 08:12
Vào 14h ngày 17/12, tại Hà Nội diễn ra triển lãm 'Những chân trời có người bay 3', với sự trình bày của các nghệ sĩ và những diễn giả là học giả, nhà nghiên cứu các ngành lịch sử, khảo cổ, xã hội học...

Dự án "Những chân trời có người bay 3" nằm trong "Chuỗi hội thảo Trao đổi Tri thức" được tổ chức với mục đích nhằm tăng cường nhận thức về một Việt Nam đương đại, đồng thời thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa những lĩnh vực và cộng đồng khác nhau. Mỗi buổi thảo luận sẽ đề cập tới các chủ đề gắn với từng dự án nghệ thuật. Chương trình Trao đổi Tri thức diễn ra từ tháng 3 đến tháng 12/2016 tại các địa điểm khác nhau ở Hà Nội.

Nội dung chia sẻ tại 'Những chân trời có người bay 3':

* Dự án “Chuyến đi cuối cùng” - Nghệ sĩ Nguyễn Phương Linh

Đây là kết quả của quá trình nghiên cứu lịch sử Việt Nam từ thời thuộc địa tới những đổi thay ngày nay trên mảnh đất cao nguyên của nghệ sĩ Nguyễn Phương Linh.

Bắt đầu từ mối quan tâm đặc biệt trong những ngày thực địa đối với loài voi, vốn là hình ảnh linh thiêng biểu trưng cho sức mạnh trong nền văn hóa các tộc người, nghệ sĩ đã khám phá quá trình loài vật này bị thuần dưỡng, kiểm soát và khai thác trong tương quan với miền đất và con người nơi đây.

nghe-si-nguyen-phuong-linh-2_resize.jpg
 Sinh năm 1985, Nguyễn Phương Linh (phải) là một nghệ sĩ Hà Nội được biết đến với các thực hành video, điêu khắc và sắp đặt. Lựa chọn chất liệu như muối, bụi hoặc cao su, các nghiên cứu của Phương Linh quan tâm đến những biến đổi cảnh quan địa chính trị, tác động của con người tới thiên nhiên và các quan điểm lịch sử chồng chéo của Việt Nam hiện đại.
nghe-si-nguyen-phuong-linh-21_resize.jpg
nghe-si-nguyen-phuong-linh-3.jpg
 Là người đồng sáng lập và đồng điều hành Nhà Sàn Collective, Phương Linh (giữa) được coi là một tài năng trẻ trong cộng đồng thực hành nghệ thuật đương đại Việt Nam. Cô đã triển lãm và tham gia nhiều dự án nghệ thuật quốc tế tại các châu lục Á, Âu và Mỹ. 2016 là một năm đột phá của cô với các tác phẩm mới nhất được trưng bày tại Kuandu Biennale, Singapore Biennale và Shanghai Biennale.

* Tây Nguyên: Văn hóa sống hay Di sản? - GS Oscar Salemink

Sau đổi mới, vùng đất này có nhiều thay đổi về kinh tế, dân cư và văn hóa... đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức về nếp sống văn hoá và môi trường của người dân bản địa cao nguyên. Có những phương thức sống và thực hành tín ngưỡng truyền thống bị mai một. Từ đó, tồn tại một sự hoài niệm về một thế giới đã biến mất trong những học giả người Kinh vốn luôn mong mỏi bảo tồn những gì đã không còn là “di sản văn hóa phi vật thể”. Nghịch lý này sẽ được đề cập trong thuyết trình của Oscar Salemink.

oscarsalemink.jpg
 Oscar Salemink là Giáo sư Nhân học Châu Á của trường Đại học Copenhagen Đan Mạch. Nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Amsterdam dựa trên đề tài nghiên cứu về Tây Nguyên, Việt Nam, ông bắt đầu làm việc tại Đại học VU ở Amsterdam từ năm 2001 đến 2011. Từ năm 1996-2001, ông phụ trách hồ sơ cho Quỹ Ford tại Thái Lan và Việt Nam. Hiện nay, ông chủ nhiệm dự án Châu Âu Toàn cầu: Cấu thành Châu Âu từ bên ngoài qua hiện vật và dự án Di sản tín ngưỡng: Di sản hoá tín ngưỡng và thiêng hoá di sản ở Châu Âu đương đại...
Cuộc đối thoại giữa giáo sư Oscar Salemink và nghệ sĩ Nguyễn Phương Linh sẽ diễn ra lúc: 14h-16h30, Thứ bảy, 17/12/2016,
Tại: Tầng 5, Hanoi Creative City, 1 Lương Yên, Hà Nội

Buổi thảo luận sẽ được trình bày song ngữ Việt-Anh
Người điều phối: Trương Quế Chi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm