Văn hóa - giải trí

Nguyễn Trọng Tạo chỉ mất 30 phút để viết ‘Khúc hát sông quê’

08/01/2019 - 12:17 PM
Tình cảm dồn nén của người con ‘qua nửa đời phiêu bạt’ khi trở lại quê hương tuôn trào mãnh liệt đã khiến nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo viết ‘Khúc hát sông quê’ rất nhanh. Ca sĩ Anh Thơ được đánh giá là người thể hiện “Khúc hát sông quê” thành công nhất.

Tôi còn nhớ như in cảm giác lần đầu nghe Khúc hát sông quê. Lúc ấy, tôi xa dòng sông Lam 2 năm. Thời gian quá ngắn so với “nửa đời phiêu bạt” của người con trong bài hát nhưng những kỷ niệm tuổi thơ gắn bó với dòng sông quê cũng gọi về tha thiết thế.

Thật khó tin khi phần nhạc của Khúc hát sông quê sáng tác chỉ 30 phút trên nền bài thơ của Lê Huy Mậu, là bài hát sáng tác nhanh nhất từ trước tới nay của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo. Trước đó, bài Làng Quan họ quê tôi ông phổ thơ Nguyễn Phan Hách năm 1978 cũng nhanh khiến mọi người phát choáng: 1 giờ. Thời gian nhanh đến chóng mặt nhưng những ca từ, giai điệu thì sâu lắng như găm vào tim, vào máu thịt người đối diện:

Qua nửa đời phiêu dạt, con lại về úp mặt vào sông quê/Ơi con sông dạt dào như lòng mẹ, chở che con đi qua chớp bể mưa nguồn/Từng hạt phù sa có tháng Ba rồi tháng Bảy/Từng vị heo may trên má em hồng...

Những hình ảnh rất đỗi thân quen của bất cứ ai lớn lên bên những con sông quê. Giai điệu rất đỗi quen như một điệu ví giặm, đò đưa. Nhưng tất cả cái quen ấy, tưởng rất đỗi bình thường ấy bỗng đầy yêu thương, xúc động sau quãng thời gian “nửa đời phiêu bạt”.

anh-tho-trong-tao-le-huy-mau.jpg
Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, ca sĩ Anh Thơ và nhà thơ Lê Huy Mậu 
 

Ai đó nói rằng, trong âm nhạc có chất thơ, có hội họa. Bài hát phổ từ một bài thơ đầy rung cảm nên mỗi câu hát đã là một câu thơ hay, điều này ai cũng thấy rõ. Còn cái chất hội họa trong bài hát này cũng chẳng tìm đâu xa đã thấy. Từ nét đáng yêu của đôi má hồng thiếu nữ, từ một dòng xanh trong… những gam màu dịu nhẹ ấy như một cơn gió mát mềm thổi vào cuộc sống xô bồ.

Tôi đã cảm nhận cơn gió ấy làm dịu tâm hồn mình trong một buổi trưa Sài Gòn nắng cháy, khi lần đầu tiên nghe ca sĩ Anh Thơ ngân nga. Khoảng gần 10 năm trước.

Những lời mở đầu khiến tôi nhớ tới cháy lòng những khúc hát dân ca xứ Nghệ. Nhớ tuổi ấu thơ thường được mẹ ru bằng những điệu hò ví giặm. Nguyễn Trọng Tạo không sử dụng một điệu ví giặm, đò đưa cụ thể vào bài hát của mình, nhưng trong giai điệu bài Khúc hát sông quê tôi nghe rõ tinh thần da diết của những điệu hát ấy. Có lẽ bởi cũng như bao người con xứ Nghệ, nhà thơ Lê Huy Mậu và nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã được nuôi dưỡng tâm hồn mình bằng ít nhiều những điệu ví dặm, đò đưa.

Trong những trở trăn của người con “qua nửa đời phiêu bạt” ấy dường như đã thấy hết sóng gió của người lữ khách tha phương, nửa cuộc đời với bao nhiêu toan tính, lo âu, bao nhiêu bụi bẩn. Những biến chuyển của cuộc đời làm bạc áo người lữ khách, làm mỏi chân người ấy, để rồi tất cả được xoa dịu chỉ một hành động "úp mặt vào sông quê...".

Sau những lắng đọng của lòng mẹ, của phù sa, những trăn trở của từng cơn chớp bể mưa nguồn là những dạt dào cuộn dâng của kỷ niệm ấu thơ. Tôi hình dung những kỷ niệm đang cuộn lên như sóng. Không phải cái ầm ào của sóng biển mà là cái vỗ về mơn man của sóng dòng sông.

Ơi con sông quê, con sông quê/Ơi con sông quê, con sông quê/Sông còn nhớ chăng nơi ta ngồi ngóng mẹ/Vời vợi tuổi thơ một xu bánh đa vừng

Ơi con sông quê, con sông quê/Ơi con sông quê, con sông quê/Con cá dưới sông cây trồng trên bãi/Lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm

Cùng một bến sông con trâu đầm sóng dưới/Bầy trẻ thơ tắm mát phía thượng nguồn

Đối với người xa quê được trở về chốn cũ, hình như mỗi hình ảnh của quê hương đều mang đậm hồn của riêng nó, từ con cá, con trâu, từ cái cây, ngọn lúa và cả sợi rơm thơm tho mùi nắng ngọt. Tất cả những hương vị ấy làm nên chất quê.

Sông quê như một con người rất đặc biệt trong bài hát này. Người bạn, người tri kỉ, nhân chứng gắn bó với ta từ những ngày tắm mát trong dòng sông, những ngày chạy ra con đê đợi mẹ và niềm vui vời vợi “xu bánh đa vừng”. Nếu từ đầu, con sông ấy đã là người mẹ, chở che ta qua bao lận đận thì bây giờ con sông dường như có ánh mắt nhìn tinh nghịch của một người bạn đồng trang lứa ấu thơ. Người bạn sông gắn bó với những buổi cùng nhau tắm mát, chăn trâu, cùng nhau lớn lên với từng cọng rơm thơm, từng hạt lúa mẩy.

khc-ht-sng-qu.jpg
Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo trong đêm nhạc "Khúc hát sông quê" tại Nghệ An vào tháng 8/2018
 

Khúc hát sông quê dường như níu chúng ta cùng ngồi lại để nhìn về tuổi thơ mình. Mỗi con người cùng một số phận. Có người gặp may mắn trên những bước đi, có người gặp khó khăn; sẽ có người chai sần, có người lãng mạn… Nhưng khi nhìn chung về một hướng tuổi thơ, nhìn về những dòng sông quê, chúng ta thấy gần nhau hơn khi chung nhau những kỷ niệm đẹp. Những kỷ niệm ấy có khi tưởng ngủ yên trong tâm hồn mỗi người, lặng lẽ và bình yên, nhưng bất chợt lại gọi về khi nghe Khúc hát sông quê.

Một dòng xanh trong chảy mãi tới vô cùng...

Câu hát kết thúc bài cũng chảy mãi trong suy nghĩ người nghe nhạc. Như một nốt lặng ngân dài, để sau đó là những tiếc nuối. Sẽ có người tiếc nuối lâu lắm rồi không về thăm sông quê, không được úp mặt vào sông quê, để mặc tâm hồn dần chai sần trong bụi đường và âm thanh ồn ào đô thị. Sẽ có người tiếc vì sẽ không bao giờ còn vô tư như ngày xưa, tắm mát trong dòng sông. Lũ bạn ấu thơ đã tản mát đi nhiều phương, mẹ cũng không còn đi về những buổi chợ. Sẽ có người nhớ tới vị rơm thơm mà nghe sống mũi mình cay sè vì có thể không nhớ rõ khi đã đi xa quá lâu.

Duy chỉ có dòng sông vẫn như một người tình thủy chung chảy mãi tới vô cùng. Dòng xanh trong, mát ngọt ấy nâng đỡ và xoa dịu ta, lưu giữ những kỷ niệm đẹp nhất, hồn nhiên nhất. Dòng sông ấy là nơi neo đậu của tâm hồn để chúng ta thêm tin, yêu cuộc sống. Để rồi, khi nghe ngân vang Khúc hát sông quê ta khao khát trở về.

Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo sinh năm 1947 ở Diễn Châu, Nghệ An, mất ngày 7/1/2019 tại Hà Nội. Lễ viếng của ông sẽ được tổ chức từ 12h đến 13h30 ngày 9/1/2019 (tức ngày 4/12/2018 âm lịch) tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Trần Thánh Tông). Linh cữu của ông được hỏa táng tại Đài hóa thân hoàn vũ và sẽ được di dời về quê sau khi gia đình xây dựng xong khu tưởng niệm.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn