Đó là câu chuyện hệ thống nhà hàng điểm tâm Đức Thành Hưng, hoạt động từ thập niên 1930 tại Sài Gòn – Gia Định và Lái Thiêu, phát triển theo kiểu nhượng quyền khởi đầu từ quyết tâm của một người phụ nữ nghèo khổ ít học ở Gia Định; là câu chuyện hai nhà in có tiếng ở Sài Gòn thập niên 1930, trong đó có vị nữ chủ nhân không biết chữ; là câu chuyện một gia đình một viên chức ở quận 4 vượt qua những năm khủng hoảng.
Về văn hóa nghệ thuật, tác giả đưa ra những tư liệu mới về hoạt động nghệ thuật và tính cách của ông Nguyễn Ngọc Cương, thân phụ của nghệ sĩ nhân dân Kim Cương, người đã đưa hoạt động sân khấu cải lương vào bài bản và cũng là người khởi xướng xây dựng trường Âm nhạc và Kịch nghệ tại Nam Kỳ từ năm 1944; về hãng đĩa Lê Văn Tài, tiền thân của hãng Đĩa Hát Việt Nam, nơi tạo nên tên tuổi của nghệ sĩ Minh Vương và soạn giả Viễn Châu.
Trong sách còn có những bài viết lý thú về giới mua bán, sưu tầm đồ cổ ở Sài Gòn trước 1975, từ một góc nhìn khác với những câu chuyện được kể từ nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển. Tác giả luôn có cái nhìn thú vị khi kể chuyện về tính cách người xưa.
Đó là câu chuyện ăn uống thưởng xuân trong Tết xưa phương Nam với những dị biệt đối với những người từ phương xa đến, trong đó có sự bất mãn đáng yêu của nhà thơ núi Tản sông Đà dẫn đến phản ứng của người con ưu tú đất “ngũ phụng tề phi”; là câu chuyện cuộc sống thăng trầm của những người Sài Gòn cố cựu trong một xóm nhỏ vùng Chợ Quán; là tính cách mạnh mẽ của một “huyền thoại nghề may âu phục” biến một chú bé người Việt sinh ở vùng quê Svay Rieng đất Campuchia trở thành người may cho Hoàng gia xứ Chùa Tháp và chính khách Sài Gòn trước 1975 và sau này v.v... Nhiều bài viết có cảm xúc, mênh mang những hoài niệm về ngày xưa như “Đêm xuân Chợ Lớn”, “Trường Đình cây đa”, “Hương vị ngã ba”,...
Phần cuối sách, tác giả mang đến một tài liệu có giá trị với những ai yêu thích hội họa. Đó là phần phụ lục “Tác phẩm hội họa trên báo chí Sài Gòn trước năm 1975”. Trong hơn mười năm tìm kiếm tài liệu về Sài Gòn xưa, tác giả bắt gặp nhiều tác phẩm hội họa của các họa sĩ một thời mà nhiều người đã ngưng sáng tác từ lâu. Với tình cảm “thương hoa tiếc ngọc”, tác giả đưa hơn 100 bức tranh in trên nhiều sách báo xưa cùng với tiểu sử vắn tắt của các tác giả vào sách, mục đích để chia sẻ cho độc giả thưởng ngoạn. “Sài Gòn chuyện đời của phố V” thực sự là tài liệu quý đối với bạn đọc và giới nghiên cứu, sưu tầm mỹ thuật.