Nhà khoa học vừa trở thành thành viên trẻ của Viện Hàn lâm Khoa học thế giới là ai?

17/12/2018 - 10:51
TS Nguyễn Thiên Tạo là đại diện duy nhất của Việt Nam được lựa chọn lần này và là đại diện đầu tiên của Việt Nam thuộc lĩnh vực Sinh học trở thành thành viên trẻ của Viện Hàn lâm Khoa học thế giới.

Tại Hội nghị toàn thể lần thứ 28 - Đại hội đồng lần thứ 14 của Viện Hàn lâm Khoa học thế giới tổ chức tại Italia, TS Nguyễn Thiên Tạo, Trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên (Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ) đã vinh dự được chọn là thành viên trẻ của Viện Hàn lâm Khoa học thế giới nhiệm kỳ 2018-2022.

Trước đó, GS,TS Phùng Hồ Hải và GS,TS Phạm Hoàng Hiệp (Viện Toán học) cũng được Viện này chọn là thành viên trẻ, lần lượt vào năm 2009 và 2016.

0778468f779e024b70facf54c36e0a7b.jpg
GS.VS Bai Chunlin, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học thế giới, trao giấy chứng nhận nhiệm kỳ 2018 -2022 cho TS Nguyễn Thiên Tạo.

 

Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới do Abdus Salam, người nhận giải thưởng Nobel Vật lý năm 1979, thành lập năm 1983. Viện này là thành viên của Hiệp hội các Viện Hàn lâm và các Hội Khoa học châu Á - một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế về khoa học và công nghệ mà Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ (KH và CN) Việt Nam là đại diện của Việt Nam. 

Khởi xướng từ năm 2007, Viện Hàn lâm Khoa học thế giới hàng năm chọn nhiều nhất là 25 nhà khoa học trẻ xuất sắc dưới 40 tuổi đại diện cho các nước đang phát triển trên thế giới là thành viên trẻ, nhằm tăng cường tiếng nói của các nhà khoa học trẻ trong các hoạt động của Viện.

 

Thành viên trẻ của Viện Hàn lâm Khoa học thế giới được bầu dựa trên cơ sở có những đóng góp xuất sắc trong nghiên cứu khoa học và công bố các bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín. Các thành viên trẻ sẽ được mời tham dự Hội nghị toàn thể hàng năm của Viện này cũng như tại các hội nghị vùng, được tham gia thảo luận tại hội nghị toàn thể nhưng không có quyền biểu quyết. 

Ngoài ra, các thành viên trẻ có quyền đề cử các nhà khoa học cho giải thưởng hằng năm của Viện Hàn lâm Khoa học thế giới cũng như giới thiệu viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học thế giới mới thông qua một viện sĩ của Viện.

thien-tao-1.jpg
TS Nguyễn Thiên Tạo bên các mẫu vật tại phòng nghiên cứu.

 

TS Nguyễn Thiên Tạo là chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về rắn độc ở Việt Nam. Nhờ tài năng phân loại học về rắn, TS Tạo đã phối hợp với các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai cứu thoát rất nhiều nạn nhân bị rắn độc cắn. Hiện anh đang phối hợp với các chuyên gia chống độc của Bệnh viện Bạch Mai và một số đơn vị nghiên cứu, chế tạo huyết thanh chữa trị rắn cắn. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm tỷ lệ tử vong do rắn cắn trong bối cảnh mỗi năm cả nước có khoảng 30 nghìn trường hợp rắn cắn, trong đó, nhiều người tử vong do bác sĩ không xác định được loại rắn nào cắn để điều trị.

 

Nghiên cứu chính về phân loại học, hệ thống học, nguồn gốc tiến hóa và bảo tồn các loài bò sát và ếch nhái, hiện TS Nguyễn Thiên Tạo và các cộng sự đã có hơn 90 bài báo khoa học xuất bản trên các tạp chí khoa học chuyên ngành quốc tế. Đặc biệt, anh còn là tác giả và đồng tác giả nhiều bài báo đăng trên các tạp chí uy tín cao (Q1) như Science, Nature-Scientific Reports, Conservation Biology, Molecular Phylogenetics and Evolution, Diversity and Distribution.... Anh cũng tham gia giảng dạy các chương trình đại học và sau đại học, hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh và học viên cao học. Anh hiện được mời đọc nhận xét các bản thảo bài báo của 10 tạp chí quốc tế và hai tạp chí trong nước.

 

TS Nguyễn Thiên Tạo bảo vệ luận án tiến sĩ năm 2015 tại Trường Đại học Kyoto, Nhật Bản. Anh đã được nhận Giải thưởng nhà khoa học trẻ của Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam và Giải thưởng KHCN thanh niên Quả cầu vàng của Trung ương Đoàn trao tặng. Năm 2016 anh được Trường Đại học Kyoto mời làm Phó giáo sư thỉnh giảng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm