Nhà là nơi để về và nhớ thương

26/01/2017 - 15:30
Bất ngờ, mùa Tết năm nay, có một người đàn bà ăn mặc sang trọng về tìm. Khi người đàn bà ấy bỏ chiếc kính đen ra thì bác tôi đã suýt ngất. Khuôn mặt bầu bĩnh đó là của chị Hương, không lẫn vào đâu được.

Chị tên Hương. Tên làm sao, người y vậy. Chị vừa nhan sắc lại hoạt bát, thông minh. Đội thiếu niên ở trong xóm, đứa nào cũng mến chị. Vào những dịp Trung thu, Quốc khánh, chúng xúm xít quanh chị để tập luyện thể dục nhịp điệu để đi thi. Từ ngày quyết định thi đến ngày bước vào cuộc thi chỉ có vài ngày, chị huấn luyện mấy chục đứa trẻ nhưng chúng tập đâu ra đó. Đội thiếu niên ở xóm đi thi tập mốt hai mốt, múa vòng, thể dục nhịp điệu do chị lãnh đạo bao giờ cũng giật giải cao nhất nhì...

Năm đó chị 19, yêu anh đưa thư. Bao giờ anh lái chiếc xe đạp đi khắp mấy xã trả thư rồi vòng qua cổng nhà chị. Xe vừa đến cổng là anh ta bấm còi keng keng... Chị chạy ra. Anh chị hẹn hò ngay sau đống rơm của nhà bác. Ngày bác cả biết, bác đã đánh chị một trận thừa sống thiếu chết. Bác bảo, yêu ai không yêu, yêu thằng đưa thư...

Anh đưa thư nhà nghèo nhưng lại đa tình, cứ thấy ở đâu có con gái nhà lành là hay lui tới. Chị không tin, mãi đến khi nghe về đám cưới của anh ta với cô con gái xã bên thì chị mới nhận ra. Chị phải tránh mặt anh. Chị buồn rầu nghĩ đến việc đi làm xa vừa để lánh mặt anh và để tìm cơ hội đổi đời.

le-hoi-hoa-dang-chiang-mai-2015-3.jpg

Có người nói, đi lên Lạng Sơn làm ăn thì có thể kiếm về tiền triệu hàng tháng. Số tiền lúc ấy to quá! 1 triệu có thể mua được cả nửa tấn thóc. Quê chị còn chẳng làm ra thóc. Chỉ có những vạt đồi gieo kê và trồng sắn. Bốn mùa ăn kê, ăn sắn...,  vị của chúng hăng hăng trong trí nhớ chị. Chị thấy người ta bảo có cơ hội làm ăn nên khấp khểnh đi theo. Mấy mùa kê sau đó, bác tôi gieo những vạt kê ven đồi, bao giờ mùa mưa, những vạt kê cũng xanh ngút ngát, rồi đến mùa hạn, kê lại vàng ươm trên triền đồi. Hết mùa này đến mùa khác, chị không về. Ai cũng bảo có lẽ chị tôi chết rồi... 

Bác cả nhà tôi còn ân hận, giá bác động viên chị nhiều hơn khi chị thất tình thì chị đã không bi quan đến thế. Những mùa người người sum họp, bác hay ngửa mặt lên trời hỏi ông trời: “Trời ơi, con tôi ở đâu?”. Bác mong con đến mức già đi rất nhanh. Bác mới ngoài 40 mà già đau già đắng. Bác gái khóc con, đôi mắt lúc nào cũng tèm nhem... Tính bác tôi lạ, kín đáo, không thích nói nhiều, bè bạn của bác chỉ có con bò. Nhiều năm, nhiều ngày Tết khi nhắc về các con, bác tôi đều lao ra khu chuồng bò, ngồi cạnh con bò mà khóc. Tết nào, nếu không muốn làm bác khóc thì đừng nhắc đến chị Hương.

Bất ngờ, mùa Tết năm nay, có một người đàn bà ăn mặc sang trọng về tìm. Khi người đàn bà ấy bỏ chiếc kính đen ra thì bác tôi đã suýt ngất. Khuôn mặt bầu bĩnh đó là của chị Hương... không lẫn vào đâu được. Bác tôi khóc như mưa, bác lăng xăng đi xe sang nhà các em, gọi các em lại nhận mặt cháu. Chị Hương cười phớ lớ kể với mọi người hành trình của mình. Chị lang bạt rồi trụ lại trên đất người... Chị sống bên đó nhưng chủ yếu vẫn nói tiếng Việt, ngày tết vẫn gói bánh chưng, nhớ quê, các chị em vẫn ngồi ôm nhau khóc vì nhớ nhà. Những năm đầu kinh tế gia đình rất khó khăn, nhớ mẹ, xa quê lại cách trở liên lạc chị viết thư về nhưng thư không đến nhà bố mẹ, chị không nhận được hồi âm... 

Chị là người chăm chỉ. Nhiều năm khai hoang rồi trồng những đồi cao su, bây giờ nhà chị có đến mấy ha cao su đương mùa thù hoạch. Nhờ kinh tế dư giả, chị mới thu xếp được về quê. Những ngày Tết xưa ở xứ người, chị thương lo bố mẹ già. Không biết ngày trở về có gặp được cả bố và mẹ? Các em mình lớn học hành ra sao? Chẳng thể ngờ, ngày chị về bố mẹ già nua nhưng còn khỏe mạnh, các em đã khôn lớn. Chị cứ nắm tay những người cô, người dì... Bàn tay của những phụ nữ làm nghề nông, thô ráp và chân thành. Họ nhớ chị nên cứ xiết lấy tha thiết.

khi-cuoc-song-hon-nhan-khong-co-sex-3.jpg
Ảnh minh họa

Ở những mảng đồi nhà bên ấy, vườn cao su cứ lớn cho những gùi mủ đầu tiên. Kinh tế gia đình ổn định để nuôi hai đứa trẻ tuổi ăn, tuổi lớn đi học. Sống gần nhiều người Việt, cũng như những người phụ nữ khác, chị cố dạy cho con mình tiếng Việt để con có thể giao tiếp được với ông bà, họ hàng là người Việt. Chúng có thể nói chưa sõi, nhưng nghe giọng của chúng nhiều người thấy vui. Những ngày gần Tết của Việt Nam, chị lại xin phép về lại bên nhà. Người đàn bà đi xa về lại nhà mà lại cứ canh cánh lo về những công việc ở một nơi xa. Chị tâm sự, đôi khi mình không thể minh định đâu là nhà. Nhà ở Việt Nam hay nhà ở nơi mình đang sống? Nhưng chắc chắn chị có 2 chỗ để đi và để về, để nhớ và để thương.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm