Nhà lầu, xe hơi… ngập tràn mùa Vu Lan

09/08/2016 - 14:26
Mùa Vu Lan – ngày báo hiếu (Rằm tháng 7 âm lịch) đang đến rất gần. Những ngày này, các hộ gia đình, các công xưởng sản xuất hàng mã đang hoạt động hết công suất. Thị trường hàng mã năm nay sôi động với các mặt hàng “xa xỉ” như nhà lầu, xe hơi, xe máy

Xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh là nơi sản xuất hàng mã lớn nhất cả nước. Xã có hơn 1500 hộ thì có đến 90% số hộ tham gia sản xuất hàng mã. Song Hồ nổi tiếng với tranh Đông Hồ mang giá trị nghệ thuật đậm chất dân gian đã đi vào sử sách, thơ ca, đi vào tâm hồn người Việt Nam. Có lịch sử hơn 400 năm nhưng không thể phủ nhận, tranh Đông Hồ đã mai một đi rất nhiều.

20160808_154852.jpg
Nhiều gia đình ở xã Song Hồ giàu có nhờ nghề làm hàng mã

Ngày nay, một nghề mới đang phát triển và phần nào lấn át làng tranh Đông Hồ đó là nghề sản xuất hàng mã. Nghề “Làm đồ giả, thu tiền thật” đang giúp người dân Song Hồ ăn nên làm ra. Nhu cầu thị trường ngày một lớn, người dân Song Hồ càng có cơ hội kiếm tiền từ nghề “làm đổ giả” này.

Vẫn còn đó những mặt hàng “truyền thống” như mũ, nón, giày dép, áo quần… Tuy nhiên, ngày nay các “nghệ nhân” làm hàng mã ở Song Hồ phát triển rất nhiều mặt hàng đa dạng. “Thị trường cần cái gì, chúng tôi sản xuất cái đó. Nhà lầu, xe hơi, máy bay, siêu thuyền... chúng tôi làm tất”, ông Nguyễn Văn Cung, một hộ sản xuất hàng mã ở thôn Đông Khê, xã Song Hồ cho biết.

3.jpg
Ô tô người dương chở ô tô người âm

Theo quan niệm của người dân Việt Nam, ngày lễ Vu Lan là dịp để con cái tri ân đến công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ; người trần thế tưởng nhớ đến những người đã khuất để tỏ lòng tiếc thương, hiếu, nghĩa. Ngoài ngày lễ Vu Lan cũng là ngày lễ “xá tội vong nhân”.

Với quan niệm “trần sao, âm vậy”, trước đây người dân thường cúng người dưới âm mũ, quần áo quan, vàng bạc, châu báu bằng giấy phẩm màu… Xã hội phát triển, đồ cúng tế cũng được các xưởng hàng mã cũng chạy theo thị trường. Cũng áo quần, cũng giày dép nhưng bây giờ phải gắn với những thương hiệu nổi tiếng trên trần gian.

5.jpg
Mặt hàng ưa chuộng nhất năm nay vẫn là ô tô...
20160808_151512.jpg
... và xe máy SH

Người dương ngày nay cho người âm “xài” toàn hàng sang. Ô tô “xoàng” cũng phải Camry trở lên, nếu không phải là Phantom, BMW, Lexus… Xe máy “bét nhất” cũng phải xe tay ga SH. Nhà nào sang “chơi” hẳn xe phân khối lớn. Nếu nhà phải là biệt thự lớn, nếu không cũng phải có “căn” liền kề. Đã sắm nhà thì sắm luôn cả nội thất. Do đó, một ngôi nhà cho người âm với đầy đủ nội thất “cao cấp” như ti vi màn hình cong, tủ lạnh, điều hòa, giường, tủ… mất hết cả chục triệu.

1.jpg
"Biệt thự song lập" được một khách hàng đặt làm tại xã Song Hồ

Dù có hàng nghìn hộ dân sản xuất hàng mã nhưng các hộ dân không sản xuất cùng lúc nhiều mặt hàng. Mỗi gia đình chỉ chuyên một vài mặt hàng nhất định. Nhà Ở xã Song Hồ, ai cũng biết đến ông Cung. Mặt hàng ông Cung sản xuất thuộc hàng cao cấp, đắt tiền. Ông Cung chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng.

9.jpg
Chiếc xe máy hàng mã phân khối lớn do ông Cung sản xuất, trẻ dưới 10 tuổi có thể ngồi lên thoải mái

Theo đó, cũng là chiếc xe máy nhưng chiếc xe hàng mã do ông Cung sản xuất giống y chang chiếc xe máy thật. Xe có thể dắt đi, trẻ nhỏ có thể ngồi lên "ủn" đi chơi vi vu khắp ngõ. Tương tự, những chiếc xe đạp, ô tô cũng vậy. Tất nhiên, giá của các mặt hàng này cũng rất đắt, có khi lên đến chục triệu. Dù đắt đỏ nhưng vào những ngày này, hàng nhà ông không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.

10.jpg
Chiếc xe chuyên dụng được ông Cung "sản xuất" cho một thương binh đã mất

Ông Nguyễn Xuân Định, Chủ tịch UBND xã Song Hồ chia sẻ: Nghề làm hàng mã đã phát triển mạnh ở xã Song Hồ khoảng 10 năm trở lại đây. Nếu như trước đây, làm tranh Đông Hồ chỉ bán theo vụ thì làm hàng mã bán quanh năm, nhất là Rằm tháng 7 và Tết nguyên đán. Sắp tới, xã Song Hồ quy hoạch hẳn một khu vực rộng 2 ha để tập trung phát triển làng nghề.

“Ngày lễ Vu Lan là dịp nhắc nhở các thế hệ con cháu chúng ta nhớ tới công ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ, ông bà, tổ tiên… Thế nhưng, cũng có nhiều người “mê tín” đến mức mê muội nên làm mất đi ý nghĩa của ngày trọng đại này. Ở Song Hồ, từng gặp cảnh người sống đến đặt làm cả bàn đèn thuốc phiện cúng cho người chết. Như vậy đâu phải là báo hiếu”, ông Định nói.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm