Nhà máy thép thành đô thị nghìn tỷ: Tài sản nhà nước bị thất thoát?

15/05/2019 - 11:36
Theo tố cáo của bà Vũ Thị Kiều Oanh (ở TP Thái Nguyên) - một cổ đông lớn của Công ty cổ phần luyện cán thép Gia Sàng - những năm qua, tại Công ty này đã xảy ra nhiều việc làm mờ ám của Ban lãnh đạo Công ty, gây thất thoát tài sản Nhà nước và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các cổ đông…
Một khu nhà xưởng của Nhà máy cán thép Gia Sàng trước đây

Mập mờ kê biên, bán đấu giá tài sản

Công ty cổ phần luyện cán thép Gia Sàng (Cty Gia Sàng) trước đây là Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng, đi vào sản xuất từ năm 1975. Nhà máy này từng được coi là “cánh chim đầu đàn” của ngành thép Việt Nam sau giải phóng, với quy mô và công nghệ thuộc loại lớn và hiện đại nhất miền Bắc lúc bấy giờ.

Sau khi cổ phần hóa vào năm 2007, Cty Gia Sàng có vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Trong đó, vốn sở hữu Nhà nước 39,66%, vốn của một cá nhân cổ đông 41%; của cán bộ công nhân viên còn lại 19,34%. 

Tưởng rằng cổ phần hóa, Cty Gia Sàng sẽ ăn nên làm ra, người công nhân ngày càng có cuộc sống ấm no, nhưng không, Cty này đã bắt đầu tụt dốc không phanh.

Đến cuối năm 2012 (5 năm sau cổ phần hóa), Cty Gia Sàng lỗ lũy kế hơn 108 tỷ đồng và đến tháng 1/2013 thì ngừng sản xuất. Sau đó, do nợ nần không có khả năng chi trả, Cty Gia Sàng đã bị ngân hàng Vietinbank chi nhánh Thái Nguyên kiện ra tòa.

Ngày 8/1/2014, TAND TP Thái Nguyên đã tuyên buộc Cty Gia Sàng phải thanh toán 38,8 tỷ đồng cho ngân hàng. Đến ngày 15/5/2014, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) TP Thái Nguyên tiến hành cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản của Cty này để thi hành án. Theo biên bản kê biên, Chi cục THADS đã kê biên 122 loại tài sản, nhưng theo danh sách liệt kê kèm theo thì Chi cục THADS đã kê biên 134 loại tài sản, trong đó có 06 loại tài sản không nằm trong hợp đồng thế chấp với ngân hàng. Các tài sản này được thẩm đinh giá gần 40 tỉ đồng.

Sau một lần giảm giá tài sản do không có người đăng ký mua đấu giá, ngày 21/7/2014, số tài sản trên được bán đấu giá thành với giá gần 36 tỉ đồng, bên mua trúng đấu giá là Cty TNHH Sản xuất Thương mại Việt TECH (Cty Việt TECH).

Sau khi trúng đấu giá, Cty Việt TECH đã chuyển toàn bộ số tiền mua tài sản vào tài khoản của cơ quan thi hành án. Tuy nhiên, Cty Gia Sàng lại lấy lý do sắp tổ chức đại hội đồng cổ đông và một số lý do khác để chây ỳ không chịu thi hành án.

Điều kỳ lạ là việc bán đấu giá tài sản đã thành công cho Cty Việt TECH và Cty này cũng đã chuyển tiền vào tài khoản của cơ quan thi hành án, nhưng ngày 21/12/2015, Cty Gia Sàng đã ban hành Nghị quyết số 05/NQ-HĐQT với nội dung: “Hội đồng quản trị thống nhất lựa chọn Công ty cổ phần thương mại Thái Hưng (Cty Thái Hưng) là nhà đầu tư thực hiện kế hoạch khôi phục và phát triển sản xuất Cty Gia Sàng”…

Không những thế, ngày 16/3/2016, Cty Gia Sàng còn có văn bản gửi các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên đề nghị cho Chi cục THADS bán tài sản kê biên cho Thái Hưng.

Ngày 18/3/2016, Chi cục THADS TP Thái Nguyên ra quyết định bổ sung với nội dung “Kê biên toàn bộ nhà làm việc, nhà xưởng, máy móc, thiết bị, dụng cụ quản lý, kho bãi, vật kiến trúc và các công trình phụ trợ khác” của Cty Gia Sàng và sau đó số tài sản trên được đem ra bán đấu giá lại với giá khởi điểm là 56.777.900.000 đồng.

Ngày 7/7/2016, khối tài sản trên được bán cho Cty Thái Hưng với giá 56.827.900.000 đồng, chỉ chênh 50 triệu đồng so với giá khởi điểm và Thái Hưng cũng là Cty duy nhất tham gia cuộc đấu giá này.

 

“Giải cứu” hay làm Công ty Gia Sàng biến mất?

Một điều kỳ lạ chúng tôi muốn nói đến trong vụ việc này là sau khi Cty Gia Sàng lựa chọn Cty Thái Hưng để đầu tư thực hiện kế hoạch khôi phục và phát triển sản xuất Cty Gia Sàng, các đơn vị liên quan đã họp lên họp xuống để bàn các điều kiện được tham gia mua đấu giá tài sản của Cty Gia Sàng và cuối cùng, chỉ duy nhất Cty Thái Hưng đủ điều kiện để tham gia.

Thêm một điều kiện mà Cty Gia Sàng đưa ra lúc đó để “trấn an” hàng trăm cán bộ, công nhân của Cty là: Tổ chức, cá nhân trúng đấu giá không được tháo dỡ nhà xưởng, dây chuyền sản xuất mà phải đầu tư để tái sản xuất, giải quyết việc làm và bảo vệ quyền lợi cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội…

 

Khu đất nhà máy thép Gia Sàng được chuyển mục đích xây dựng khu đô thị mới Thái Hưng Eco City

Sau đó, Cty Thái Hưng là đơn vị trúng đấu giá và cam kết sẽ thực hiện các yêu cầu của người lao động, cũng như chủ trương của UBND tỉnh.

Tháng 12/2016, Thái Hưng đã đưa Cty Gia Sàng hoạt động trở lại theo đúng cam kết trong sự hân hoan của toàn thể cán bộ công nhân viên. Thế nhưng, chỉ 6 tháng sau đó, công ty này bất ngờ cho dừng hoạt động và tiến hành tháo dỡ nhà máy cán thép.

Kể từ thời điểm này, các cổ đông và một số thành viên Hội đồng quản trị hoàn toàn không có được bất cứ thông tin gì liên quan đến việc thực hiện các cam kết của Cty Thái Hưng trong việc phục hồi Cty Gia Sàng theo yêu cầu của UBND tỉnh Thái Nguyên trước đó. Không những thế, họ càng không biết được quá trình chuyển giao “êm đẹp” hơn 21 ha đất của Cty Gia Sàng thành dự án khu đô thị của Cty Thái Hưng.

Ngay sau khi cuộc chuyển giao hơn 21 ha đất "vàng"  của Cty Gia Sàng hoàn tất, Cty Thái Hưng đã xin chủ trương để thực hiện dự án Thái Hưng Eco City và đã được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt.

Ngày 25/12/2017, UBND tỉnh Thái Nguyên giao nhiệm vụ cho Cty Thái Hưng nhiệm vụ lập Quy hoạch chi tiết xây dựng, tỷ lệ 1/500 Dự án Thái Hưng Eco City. Chỉ sau đó 2 ngày (tức ngày 27/12/2017) Quy hoạch chi tiết Dự án Thái Hưng Eco City chính thức được phê duyệt.

Đến ngày 29/10/2018, UBND tỉnh Thái Nguyên đã chính thức cho phép Cty Thái Hưng chuyển mục đích sử dụng gần 21,4 ha đất của Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng sang mục đích xây dựng khu đô thị mới Thái Hưng Eco City, hoàn tất thương vụ “thâu tóm” đất nhà máy thép để xây dựng dự án bất động sản nghìn tỷ.

 

Phối cảnh dự án khu đô thị Thái Hưng nghìn tỷ ở Thái Nguyên

Được biết, dự án Thái Hưng Eco City tọa lạc tại mặt tiền Quốc lộ 37, nối liền 2 tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang, thuộc phường Gia Sàng, TP Thái Nguyên.

Dự án có tổng diện tích hơn 354.230m2 với quy mô dân số khoảng 3.800 người. Đây là khu đất gồm gần 22 ha đất chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp (đất Nhà máy thép Gia Sàng - PV) và hơn 13ha đất mở rộng thêm. Dự án có tổng mức vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Các hạng mục chủ yếu như khu nhà phố thương mại (shophouse), nhà liền kề, nhà ở biệt thự, nhà ở xã hội, khu trường học, khu dịch vụ thương mại...

Như vậy, cho đến nay sau hơn 3 năm kể từ ngày Hội đồng quản trị Cty Gia Sàng lựa chọn Cty Thái Hưng là nhà đầu tư thực hiện kế hoạch khôi phục và phát triển sản xuất Cty Gia Sàng, nhưng Cty Gia Sàng chẳng những không khôi phục và phát triển, mà còn dần dần biến mất. Thay vào đó là dự án nghìn tỷ của Cty Thái Hưng đang tọa lạc trên hơn 21 ha đất “vàng” vốn trước đây là của Cty Gia Sàng.

Vậy gần 40% cổ phần vốn Nhà nước trong Cty Gia Sàng đang ở đâu, phải chăng nó cũng đã dần “tiêu tan” cùng với Cty Gia Sàng? PNVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm