Nhà nữ cổ sinh vật học đầu tiên trong lịch sử

Nhu Thụy
21/01/2022 - 17:33
Nhà nữ cổ sinh vật học đầu tiên trong lịch sử

Bà Mary hứng thú và theo đuổi ngành cổ sinh vật học được truyền cảm hứng từ người cha - ông Richard.

Những phát hiện của Mary Anning gây chấn động giới khoa học, nhưng tên tuổi bà mãi sau này mới được công nhận.
Đam mê tìm kiếm mẫu vật hóa thạch từ kỷ Jura

Sinh ngày 21/5/1799 tại thị trấn Lyme Regis (Anh), Mary Anning là con của cặp vợ chồng Richard và Molly Anning. Bà Mary hứng thú và theo đuổi ngành cổ sinh vật học được truyền cảm hứng từ người cha - ông Richard. Theo tạp chí Hakai, khoảng 200 triệu năm trước (trong kỷ Jura), thị trấn Lyme Regis nằm dưới một vùng biển ấm áp với đầy ắp sự sống thời tiền sử. Mỗi đợt sóng hay cơn bão làm xói mòn những vách đá, để lộ ra vô số hóa thạch. Mary khi lên 6 tuổi thường cùng cha tìm kiếm, khai quật và làm sạch hóa thạch. Sau khi ông Richard qua đời năm 1810, bà Molly một mình nuôi 2 con và đang mang thai người con thứ ba. Do hoàn cảnh kinh tế của gia đình khó khăn nên bà Mary bắt đầu những cuộc tìm kiếm hóa thạch để có thêm tiền giúp mẹ trang trải cuộc sống.

Trong một lần tìm kiếm, bà đã phát hiện một con cúc đá (ammonite). Một khách du lịch đã mua nó với giá nửa crown. Khoản tiền này nhiều hơn bất kỳ khoản tiền nào mà ông Richard kiếm được từ việc bán hóa thạch. Anning nhận ra mình có thể kiếm tiền thông qua việc săn tìm hóa thạch, điều này khiến bà ra bãi biển thường xuyên hơn.

Nhà nữ cổ sinh vật học đầu tiên trong lịch sử - Ảnh 1.

Bà Mary Anning bên các mẫu hóa thạch giá trị, mở đường cho ngành cổ sinh vật học thế giới

Mary đã thực hiện một loạt khám phá mang tính cách mạng trong những năm đầu thế kỷ XIX như khai quật được những hóa thạch của loài thằn lằn cá, plesiosaurs (một loài khủng long nước có 4 vây và cổ dài), thằn lằn bay... Năm 1811, bà phát hiện một hóa thạch khiến các nhà khoa học đương thời vô cùng sửng sốt. Hóa thạch dài 5,2m, có 60 đốt sống và bà đã phải nhờ tới sự giúp đỡ của anh trai trong nhiều tháng mới có thể khai quật được. Lúc đó, người dân trong thị trấn Lyme Regis đều đồn rằng bà đã tìm thấy một con quái vật. Sinh vật này chưa từng được biết đến trước đây, một phần cơ thể của nó trông giống một con cá nhưng phần khác lại tương tự một con cá sấu. Sau này, các nhà khoa học đã đặt tên cho hóa thạch là ichthyosaur hay thằn lằn cá. Mẫu hóa thạch mà bà tìm được là bộ xương hoàn chỉnh đầu tiên của loài động vật này.

Trong khoảng thời gian từ năm 1815 đến năm 1819, bà vẫn tiếp tục công việc tìm kiếm hóa thạch. Bà đã tìm thấy thêm một số bộ xương thằn lằn cá hoàn chỉnh hơn. Chúng được đưa đến bảo tàng địa phương hoặc trở thành mẫu vật cho các bài giảng trong trường đại học. Sau này, bà còn khám phá ra nhiều hóa thạch quan trọng, tạo ra nhiều đề tài tranh luận hơn so với phát hiện loài thằn lằn cá. Năm 1823, bà phát hiện bộ xương hoàn chỉnh của thằn lằn đầu rắn (plesiosaurus), một loài bò sát biển bốn chi đã tuyệt chủng. Năm 1828, bà tìm thấy hóa thạch thằn lằn bay (pterosaur), loài bò sát có cánh sống trong thời đại của khủng long. Trong suốt cuộc đời, bà đã khám phá nhiều loài cá đã tuyệt chủng và nhiều sinh vật biển khác, mở đường cho ngành cổ sinh vật học hiện đại. Bà đã một lần suýt chết vào năm 1833 trong một trận lở đất.

Nhà nữ cổ sinh vật học đầu tiên trong lịch sử - Ảnh 2.

Mary đã thực hiện một loạt khám phá mang tính cách mạng trong những năm đầu thế kỷ XIX như khai quật được những hóa thạch của loài thằn lằn cá, plesiosaurs (một loài khủng long nước có 4 vây và cổ dài), thằn lằn bay...

Người có ảnh hưởng nhất đến lịch sử khoa học

Hóa thạch của những loài động vật do Mary tìm thấy giúp giới khoa học giải mã những bí ẩn về việc tuyệt chủng của chúng và trở thành ý tưởng sáng lập ra lĩnh vực cổ sinh vật học. Những phát hiện của bà đã góp phần quan trọng trong việc thay đổi tư duy khoa học về sự sống thời tiền sử và lịch sử Trái đất.

Bà trở nên nổi tiếng trong giới địa chất ở Anh, châu Âu, châu My và được tham vấn về các vấn đề liên quan đến giải phẫu cũng như việc thu thập hóa thạch. Bà và nhà nghiên cứu người Anh William Buckland là những người tiên phong trong việc nghiên cứu hóa thạch. Bà cũng trở thành người phụ nữ đầu tiên có những đóng góp lớn cho ngành cổ sinh vật học. Thế nhưng, do xuất thân từ một gia đình nghèo khó cộng thêm việc là phụ nữ nên những phát hiện của bà Mary không được cộng đồng khoa học cũng như người dân thời đó công nhận. Các nhà khoa học công bố những khám phá của bà Mary nhưng tuyệt nhiên không đề cập đến tên tuổi của bà.

Kiến thức sâu rộng của bà đến từ thói quen ham đọc sách. Bà thường mượn các tài liệu khoa học của thư viện và cẩn thận sao chép chúng bằng tay để tự mình giữ các bản sao. Bà cũng thường sao chép các bản vẽ gốc. Nhà động vật học Christopher McGowan từng viết trên một bài báo: "Tôi rất khó phân biệt bản gốc với bản sao của Mary Anning".

Harriet Silvester, một phụ nữ giàu có sống ở London (Anh), một trong những người vinh danh bà Mary Anning nhiều nhất khi bà còn sống, đã viết: "Chúa ban phước lành cho cô gái không được học hành, nghèo khổ. Nhờ đọc sách và ứng dụng mà cô gái đã đạt được trình độ để có thể viết và nói chuyện với các giáo sư, những người đàn ông thông minh về chủ đề cổ sinh vật học. Họ đều thừa nhận rằng Mary Anning hiểu nhiều về khoa học ở vương quốc này hơn bất kỳ ai".

Nhiều năm sau khi qua đời, tên tuổi của bà Mary mới được cộng đồng khoa học công nhận. Năm 1847, bà Mary Anning qua đời vì bệnh ung thư vú, lúc đó bà 47 tuổi. Tạp chí Quarterly của Hiệp hội Địa chất London đã đăng tin bản cáo phó của bà. Đây là lần đầu tiên họ tôn vinh một người không phải là thành viên hiệp hội. Mãi tới năm 1904, tức 57 năm sau, Hiệp hội mới nhận phụ nữ là thành viên. Kể từ đó, những khám phá của nhà cổ sinh vật học này được hậu thế biết đến nhiều hơn. Năm 2010, 163 năm sau khi bà qua đời, Hội Hoàng gia London đã đưa bà vào danh sách 10 phụ nữ Anh quốc có ảnh hưởng nhất đến lịch sử khoa học.

Năm 2015, tại Bảo tàng và Phòng tranh Doncaster ở Anh, một nhà cổ sinh vật học đã phát hiện ra một hóa thạch thằn lằn cá trong bộ sưu tập của bảo tàng do bị bảo tàng xếp nhầm là mẫu sao chép bằng thạch cao. Theo nghiên cứu năm 2015 đăng trên Tạp chí Cổ sinh vật học đốt sống, nhà cổ sinh vật học này nhận ra đó là một hóa thạch thật từ Bờ biển Kỷ Jura. Hơn nữa, nó còn là một mẫu mà khoa học chưa từng biết tới. Ông đã lấy tên Mary Anning để đặt tên cho mẫu hóa thạch: Ichthyosaurus anningae. Tiếp đến, Bảo tàng Lyme Regis, được xây dựng ở nơi từng là cửa hàng bán hóa thạch của bà, đã khánh thành thêm khu vực dành riêng cho bà năm 2017.

Cuốn tiểu thuyết lịch sử "Remarkable Creatures" (Những sinh vật đáng kinh ngạc) của Dutton Adult xuất bản năm 2010 đã nhắc tới cuộc đời bà. Ngoài ra, còn có các cuốn sách thiếu nhi như "Dinosaur Laday: The Daring Discoveries of Mary Anning, the Firs Paleontologist" (Quý bà khủng long: Những phát hiện kinh ngạc của Mary Anning, nhà cổ sinh vật học đầu tiên) xuất bản năm 2020 và cuốn "Stone Girl Bone Girl: The Story of Mary Anning of Lyme Regis" (Cô gái thích đá, cô gái thích xương: Chuyện về Mary Anning ở Lyme Regis") năm 1999. Một bộ phim về Anning do Kate Winslet và Saoirse Ronan đóng đã ra mắt năm 2020, giúp nhiều người biết hơn về bà.
Nguồn: History, thiscityknows.com
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm