Nhà nữ quyền người Anh đầu tiên

16/06/2017 - 21:07
Nữ văn sĩ người Anh Mary Wollstonecraft được mệnh danh là “người mẹ của thuyết nữ quyền”. Bà là tác giả của cuốn “Bản chứng minh các quyền của phụ nữ” - tác phẩm quan trọng trong thời kỳ đầu của phong trào nữ quyền.

Mary Wollstonecraft sinh ngày 27/4/1759 tại Spitalfields, nước Anh. Mặc dù vào lúc thiếu thời, gia đình bà khá sung túc, nhưng sau này, cha bà dần dần thất bại trong công việc. Sự khó khăn về tài chính khủng khiếp đến nỗi cha bà phải bắt Mary giao lại cho cha số tiền mà lẽ ra bà sẽ được thừa kế khi đến tuổi trưởng thành. Ngoài ra, cha bà còn là một người đàn ông hung hăng, thường đánh vợ mỗi khi say rượu.

Khi trở thành thiếu nữ, Mary Wollstonecraft thường nằm ngay ngoài cửa phòng ngủ của mẹ để khi cha đánh thì bà dùng thân mình che cho mẹ. Bà cũng đóng vai trò như một người mẹ bảo vệ cho các em gái, Everina và Eliza khỏi những bất hạnh gia đình.

Năm 1784, bà đã giúp cô em Eliza, người đang bị suy nhược cơ thể vì phiền muộn chuyện gia đình từ bỏ người chồng. Với hành động này, Mary Wollstonecraft đã chứng minh rằng bà sẵn sàng thách thức các chuẩn mực xã hội lúc ấy. Tuy nhiên, chính xã hội lúc ấy lại không chấp nhận điều đó, cô em bị mọi người ruồng rẫy,  không thể tái giá được nên đành phải sống trong nghèo khổ và phải lao động cực nhọc để kiếm sống.

1.jpg
 Hình vẽ chân dung nữ văn sĩ, nhà nữ quyền người Anh Mary Wollstonecraft.

Mary Wollstonecraft được xem là một nhà nữ quyền tự do vì cách tiếp cận của bà chủ yếu quan tâm đến cá nhân phụ nữ và quan tâm đến các quyền. Bà vinh danh các tài năng thiên phú của phụ nữ và nhấn mạnh rằng không thể dùng thước đo với các chuẩn của nam giới để đo lường phụ nữ.

Giống như một số phụ nữ đương thời, như bà Judith Sargent Murray ở Mỹ và bà Olympe de Gouges ở Pháp, Mary Wollstonecraft là một người tham gia và cũng là quan sát viên của hàng loạt cuộc cách mạng xã hội. Một trong những cuộc cách mạng đó là tư tưởng thời Khai sáng: mối hoài nghi và xét lại các định chế như gia đình, nhà nước, lý thuyết giáo dục và tôn giáo.

Mary Wollstonecraft nhìn lại cuộc sống của chính mình và của những phụ nữ khác trong gia đình và thấy rằng, nạn lạm dụng phụ nữ có liên quan mật thiết tới gia đình. Bà thấy các nạn nhân bị lạm dụng chỉ có thể trông cậy rất ít vào pháp luật. Còn đối với phụ nữ ở tầng lớp trung lưu mới nổi lên, những phụ nữ không chồng hoặc không có người chồng đáng tin cậy, thường phải tự kiếm sống và nuôi sống gia đình mình.

Nét tương phản giữa lời nói về các quyền con người với thực tế của đời sống phụ nữ là động lực thúc đẩy Mary Wollstonecraft viết tác phẩm “Bản chứng minh các quyền của phụ nữ” (A Vindication of the Rights of Woman) vào năm 1792. Viết xong chương nào, bà liền đem đi in ngay.

Đây là một tác phẩm cổ điển nêu lên ý tưởng về thuyết nữ quyền. Trong tác phẩm này, bà lý luận rằng, sự thấp kém của phụ nữ không do bẩm sinh mà là hậu quả của một quá trình giáo dục lệch lạc do nam giới áp đặt lên phụ nữ. Do đó, bà gợi ý cả nam và nữ nên cùng được hưởng một nền giáo dục dựa trên lý trí và bà hình dung ra một trật tự xã hội được thiết lập dựa trên lý trí và thoát khỏi mọi định kiến.

2.jpg
 Bản chứng minh các quyền của phụ nữ là tác phẩm quan trọng trong thời kỳ đầu của phong trào nữ quyền.

Cũng trong năm đó, Mary Wollstonecraft đã đi đến mối quan hệ với ông William Godwin - người cùng bà trong các nhóm thảo luận trí thức trước đó. Vài tháng sau, họ trở thành tình nhân, tuy vậy vẫn sống cách xa nhau để tập trung vào sự nghiệp viết sách. Cả hai người đều có triết lý chống đối lại định chế hôn nhân với những lý lẽ tích cực. Tuy nhiên, đến khi Mary Wollstonecraft mang thai, họ quyết định kết hôn, mặc dù vẫn tiếp tục sống trong hai căn hộ riêng biệt. Một điều bi thảm là sau khi sinh con được hai tuần, bà Wollstonecraft qua đời do bị nhiễm trùng máu.

Chẳng bao lâu sau khi Mary Wollstonecraft qua đời, ông Godwin đã xuất bản quyển hồi ký của ông về bà. Ông cũng xuất bản quyển tiểu thuyết chưa hoàn tất của bà với nhan đề “Maria: or the Wrongs of Woman”. Tuy vậy, sự chân thành của ông trong quyển hồi ký kể về các mối quan hệ yêu đương trắc trở của bà, những lần bà toan tính tự tử, những khó khăn về tài chính, đã khiến những nhà phê bình bảo thủ dựa vào đó để tấn công, bôi nhọ tất cả các quyền của phụ nữ.  Từ đó dẫn đến nhiều người đọc đã xa lánh các tác phẩm của Mary Wollstonecraft. Thật là trớ trêu khi một tác phẩm đầy tính chân thật và tình yêu thương của ông Godwin đã suýt tạo ra sự mất mát về trí thức trong tư tưởng của bà Mary Wollstonecraft.

Ngày nay, Mary Wollstonecraft được xem như là một trong những người sáng lập ra triết lý về nữ quyền. Tư tưởng và sự đấu tranh cá nhân của bà đã tạo ảnh hưởng quan trọng đến những nhà hoạt động nữ quyền sau này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm