pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhà thơ Chu Minh Khôi tiết lộ “hậu trường” biên tập tác phẩm của “Nhà thơ thế giới” Tống Thu Ngân
Bà Tống Thu Ngân (phải) trong buổi vinh danh "Nhà thơ thế giới" đang gây xôn xao dư luận
Cõi mạng Facebook hôm nay người ta xôm tụ bàn về "Nhà thơ thế giới" Tống Thu Ngân. Tôi ngạc nhiên khi nhiều người viết, nói rằng chưa từng đọc thơ của Tống Thu Ngân, và cũng lần đầu tiên biết đến tên nữ thi nhân này. Nhưng với tôi, mặc dù tôi chưa một lần được gặp chị, nhưng tên chị với tôi thì đã trở thành quen thuộc từ mấy năm nay.
Ấy là vì, tôi nhiều lần được chọn, biên tập thơ của chị trong các tuyển tập thơ hàng năm của một nhóm thơ mà tôi tham gia. Nhóm thơ không phải do tôi lập nên, mà do một số tác giả yêu thích sáng tác thơ tạo ra, đã quy tụ được khá đông đảo người sáng tác thơ, nhiều người là hội viên Hội Văn học nghệ thuật của các tỉnh, thành. Mỗi năm nhóm xuất bản một tập thơ, tôi được mời tham gia với vai trò chọn bài, biên tập và xin giấy phép xuất bản. Còn kinh phí in ấn đã có người khác đảm nhiệm.
Tôi nhớ năm ấy (năm 2019), chúng tôi thực hiện tập thơ "Năm ngón tay thời gian". Trong số 200 bài của 35 tác giả mà tôi phải chọn lựa, có một tác giả vô cùng đặc biệt, và thơ cũng vô cùng "đặc biệt", ấy chính là Tống Thu Ngân. Điều đặc biệt ở đây, là chị sống tại Hoa Kỳ, nên chúng tôi chỉ có thể liên lạc qua email, mà không thể gặp trực tiếp hay trò chuyện qua điện thoại.
Điều đặc biệt thứ hai, là chùm thơ mà chị gửi đến, mà tôi phải đọc gồm: 15 bài thơ mang tiêu đề: "Bài thơ tình thứ Một ngàn một trăm", "Bài thơ tình thứ Một ngàn một trăm linh một", "Bài thơ tình thứ Một ngàn một trăm linh hai", "Bài thơ tình thứ một nghìn một trăm linh ba"… "Bài thơ tình thứ Một ngàn một trăm mười lăm"; và 10 bài thơ với cùng tựa đề: "Mời anh thịt luộc mắm nêm thứ một nghìn không trăm lẻ một"; "Mời anh thịt luộc mắm nêm thứ một nghìn không trăm lẻ hai"; "Mời anh thịt luộc mắm nêm thứ một nghìn không trăm lẻ ba"; "Mời anh thịt luộc mắm nêm thé một nghìn không trăm lẻ bốn"… cho đến bài "Mời anh thịt luộc mắm nêm thứ một nghìn không trăm mười".
Trong số các tác giả tham gia tập thơ của chúng tôi, thì chỉ riêng tác giả này làm cho tôi vừa đau đầu, vừa "đau bụng" nhất khi đọc bản thảo do cộng sự gửi cho.
Tôi nói với cộng sự rằng: Em ơi, với tác giả Tống Thu Ngân, em nói lại với người ta rằng, không thể in cả 10 bài "Mời anh thịt luộc mắm nêm được", bởi nội dung cả 10 bài đều vòng đi vòng lại với những câu mà trong có chứa các từ: Thịt luộc, mắm nêm, mắm cá, cuộn ba chỉ luộc, hẹ hành, quặn đau. Em thương thuyết với họ rằng, mỉnh chỉ chọn lấy một bài "Mời anh thịt luộc mắm nêm" thôi nhé.
Và, tôi lại đề nghị công sự tiếp như thế này:
- Nói thật, anh ăn thịt luộc mà chấm mắm tôm (không hiểu sao tôi đọc mắm nêm lại cứ tưởng mắm tôm) thì hay đau bụng lắm. Có lẽ vì ăn thịt chấm mắm tôm nên lòng mới "quặn đau" chăng. Mà cả bài thơ ăn mãi món thịt luộc thì nhạt lắm. Bài thơ dài quá, chỉ một bài thơ "Mời anh thịt luộc mắm nêm thứ một nghìn không trăm lẻ một" mà dài hơn 40 câu, đưa vào trang sách sẽ không đẹp. Thông thường mỗi bài của các tác giả khác, mình toàn chọn những bài thơ ngắn chỉ 4-5 khổ thơ để cho vừa vặn trang sẽ đẹp. Vậy em thương thuyết với tác giả cho anh cắt ngắn bài thơ đi nhé.
Sau khi cộng sự của tôi viết email thương thuyết với tác giả Tống Thu Ngân, thì phản hồi lại với tôi như sau:
- Không thể cắt ngắn bài của họ đâu anh ơi. Họ yêu cầu phải đăng cả 15 bài thơ tình. Và đăng cả 10 bài thơ "Mời anh thịt luộc mắm nêm". Tập thơ này, nữ sĩ Tống Thu Ngân tài trợ một nửa kinh phí làm sách, còn một nửa là do các tác giả khác đóng góp. Nếu mình không in theo yêu cầu của họ, thì họ sẽ không tài trợ nữa. Về phàn nàn của anh cho rằng cả 10 bài thơ "Mời anh thịt luộc mắm nêm" toàn lặp lại các câu, ý giống nhau, nội dung không có bài nào có câu mới khác so với 9 bài còn lại, thì chị ý (Tống Thu Ngân) trả lời rằng, chị ấy đã xuất bản tới 3 tập thơ cùng có tên là "Mời anh thịt luộc mắm nêm", mỗi tập có 300-400 bài thơ mang tên "Mời anh thịt luộc mắm nêm số 1"; "Mời anh thịt luộc mắm nêm số 2"… cho đến bài "Mời anh thịt luộc mắm nêm số 1.000" rồi. Những bài chị ấy gửi cho mình là "Mời anh thịt luộc mắm nêm" từ bài thứ 1001 đến 1010 chưa từng in trong sách nào.
Thấy cộng sự giải thích như vậy, tôi ngạc nhiên, hỏi: Nhà xuất bản nào mà cấp giấy phép cho in 3 tập thơ "khủng" và độc đáo đến vậy? Cộng sự cho biết: Các sách của thi nhân Tống Thu Ngân đều xuất bản bên Hoa Kỳ, chị ấy là nhà thơ nổi tiếng trên toàn nước Mỹ đấy.
Sau đó, tôi nói với cộng sự rằng, nếu mình in hết tất cả các bài thơ của Tống Thu Ngân, e rằng sẽ làm "hỏng" tập thơ chung của nhiều tác giả của nhóm chúng ta; e rằng những tác giả khác năm sau họ sẽ không tham gia nữa, vì ai cũng tuyển chọn những tác phẩm chất lượng của họ gửi tham gia với chúng ta. Vì vậy, chúng ta nói với nữ thi nhân Tống Thu Ngân là chỉ đăng 3 bài thơ của chị ấy thôi, và riêng bài "Mời anh thịt luộc mắm nêm" sẽ bỏ số 1-2-3 đi, và cũng sẽ cắt ngắn bài thơ ấy đi chỉ còn 24 câu thôi. Và đề nghị chị ấy giảm số tiền tài trợ xuống tương ứng với lượng thơ mình dùng đưa vào tập sách…
Kỷ niệm nữ thi nhân Tống Thu Ngân mà cá nhân tôi được trải nghiệm là như vậy.
Nhưng tôi phải nói rằng, tôi vô cùng nể phục nữ thi nhân Tống Thu Ngân, vì tôi không bao giờ có khả năng sáng tác được như chị. Cả đời tôi trải qua 30 năm mới chỉ viết được hơn 200 bài thơ, mà thơ của tôi chẳng bài nào ra hồn. Nhưng với thi nhân Tống Thu Ngân, chỉ riêng đề tài "Mời anh thịt luộc mắm nêm", chị đã sáng tác và xuất bản hơn 1.000 bài, chỉ với những từ "thịt luộc" "Mắm nêm", "quặn đau", "rau xanh" "hẹ hành", "ba chỉ"… mà chị viết được ngót 30.000 câu thơ. Tôi không thể đủ năng lực để làm được điều đó.
Xin được nói thêm, nếu quý vị lấy ngẫu nhiên một bài thơ trong số khoảng 2.000 bài thơ mà thi nhân Tống Thu Ngân đã công bố thì quý vị có thể kêu rằng thơ không hay, nhưng tôi chắc trong số đó cũng có vài bài hay, và khoảng vài chục bài đọc được. Chẳng hạn, nếu ai đọc bài thơ "Cá rô kho bầu" trong tuyển tập thơ của chúng tôi, sẽ thấy 4 câu thơ đầu không dở tí nào đâu nhé, thậm chí lục bát rất nhuần nhuyễn nữa. Chỉ có điều, đến những câu sau giá như câu thơ được làm mới và chuyển hướng...