Nhà thơ Hữu Thỉnh ra mắt trường ca “Giao hưởng Điện Biên”

PV
17/04/2024 - 18:17
Nhà thơ Hữu Thỉnh ra mắt trường ca “Giao hưởng Điện Biên”

Nhà thơ Hữu Thỉnh trong buổi ra mắt trường ca "Giao hưởng Điện Biên"

Viết trường ca “Giao hưởng Điện Biên”, nhà thơ Hữu Thỉnh mong muốn đặt Chiến thắng Điện Biên Phủ đúng với hoàn cảnh lịch sử của nó và những suy cảm của một người làm thơ sau độ lùi 70 năm.

Ngày 17/4, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (Hà Nội), nhà thơ Hữu Thỉnh đã cho ra mắt trường ca Giao hưởng Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Trường ca gồm 21 chương và 5 phần bình luận bằng thơ, kể về chiến dịch Điện Biên từ những ngày đầu đến lúc kết thúc chiến tranh và cuộc sống hôm nay của vùng đất thiêng ấy. Tác phẩm được viết theo thể bát ngôn dễ đọc, dễ hiểu.

Chia sẻ về cảm hứng sáng tác bản trường ca, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết, vào đầu năm 2001, ông thay mặt Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng văn học năm 2000 của Hội cho tác phẩm Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai thể hiện.

"Tác phẩm của Đại tướng đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho tôi. Sau nhiều năm suy nghĩ, tôi đã đi đến quyết định phải viết một cái gì đó về Điện Biên Phủ", nhà thơ Hữu Thỉnh chia sẻ.

Tác phẩm "Giao hưởng Điện Biên"

Tác phẩm "Giao hưởng Điện Biên"

Trước khi bắt tay vào viết, nhà thơ Hữu Thỉnh đã nhiều lần lên Điện Biên, đến các địa danh lịch sử, gặp gỡ một số cán bộ, chiến sĩ đã từng tham gia chiến đấu ở Điện Biên, đọc rất nhiều sách báo trong và ngoài nước viết về võ công oanh liệt này của quân và dân ta trong thời đại Hồ Chí Minh. "Để tôn trọng tính chân thực lịch sử, trong tập trường ca này, tôi đã sử dụng một số chi tiết trong cuốn sách của Đại tướng với hy vọng làm tăng thêm tính sử thi của tác phẩm. Tôi đã viết thư xin phép gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, gia đình nhà văn Hữu Mai và đã được chấp thuận", nhà thơ cho biết.

Nhà thơ Hữu Thỉnh sinh năm 1942 tại Vĩnh Phúc. Ông nguyên là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học năm 2001, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2012 và nhiều giải thưởng văn chương danh giá khác. Trước Giao hưởng Điện Biên, ông từng có những trường ca thơ tạo được ấn tượng sâu sắc cho độc giả như Đường tới thành phố (1979), Trường ca biển (1994), Sức bền của đất (2004), Trăng Tân Trào (2016)…

Trường ca Giao hưởng Điện Biên được nhà thơ Hữu Thỉnh khởi bút vào đúng ngày kỷ niệm giải phóng Điện Biên Phủ 7/5/2023, và sau gần 1 năm, tác phẩm đã hoàn thành.

Nhà thơ Hữu Thỉnh bày tỏ: "Tình cảm thì rất sâu nặng, nhưng khi thực sự bắt tay vào công việc thì tôi gặp phải nhiều khó khăn. Đó là viết về một chiến dịch lịch sử, phải làm xúc động tâm hồn người đọc. Khó hơn nữa là qua 70 năm, sự kiện lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ đã được các nhà quân sự, các sử gia, các nhà văn, nhà báo và nhất là những người trong cuộc nói tới rất nhiều rồi, khai thác dưới mọi khía cạnh rồi, đến lượt mình, liệu tôi còn có thể đem đến một cái gì mới?

Đó là những vấn đề đặt ra mang tính thách thức đối với người viết. Trong trường ca này, tôi muốn đặt Chiến thắng Điện Biên Phủ đúng với hoàn cảnh lịch sử của nó và những suy cảm của một người làm thơ sau độ lùi 70 năm.

Suy nghĩ là như vậy nhưng làm được đến đâu còn phụ thuộc vào các yếu tố chủ quan của người viết. Với tất cả sự thành tâm của mình, tôi chỉ dám xem Giao hưởng Điện Biên như một nén nhang tinh thần tri ân những người đã làm nên một trong những chiến công oanh liệt nhất trong thời đại Hồ Chí Minh".

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều chia sẻ về trường ca "Giao hưởng Điện Biên"

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều chia sẻ về trường ca "Giao hưởng Điện Biên"

Chia sẻ tại buổi ra mắt trường ca, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng: Trường ca Giao hưởng Điện Biên là một tác phẩm long trọng và kỳ vĩ về Chiến dịch và Chiến thắng Điện Biên Phủ.

"Viết trường ca ở tuổi ngoài 80, có thể nói, nhà thơ Hữu Thỉnh đã vượt qua nhiều thách thức, bởi sự kiện đã cách thời đại hôm nay 70 năm. Với tài năng và tâm huyết, nhà thơ Hữu Thỉnh đã tái hiện, làm sống dậy Chiến thắng Điện Biên Phủ một cách đầy đủ, sâu sắc và kỳ vĩ bằng những câu thơ đẹp đẽ, xúc động, đầy tính lan tỏa. Đây là một tác phẩm giá trị của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam đương đại, xứng đáng với tầm vóc của chiến dịch lịch sử "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định.

NSND Tạ Tuấn Minh thể hiện trường ca "Giao hưởng Điện Biên" của nhà thơ Hữu Thỉnh - Clip: T.Thảo

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm