pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Nhà tôi không giàu nhưng con cái tiêu tiền phung phí như đại gia"
Ảnh minh họa
Một phụ huynh từng sầu não, lên mạng xã hội chia sẻ thắc mắc. Chị cho hay: "Nhà tôi không giàu nhưng con cái tiêu tiền phung phí như đại gia, giờ phải làm sao?". Được biết, gia đình chị không thuộc hàng khá giả. Hai vợ chồng chỉ làm công việc văn phòng bình thường, nuôi 2 đứa con.
Con gái lớn của chị của chị đang học cấp 3, thường xuyên xin tiền mẹ để mua tài liệu học tập. Tin tưởng con nên chị không hỏi nhiều. Sau đó chị phát hiện, con chỉ kiếm cớ xin tiền mẹ để phung phí mua áo quần, son, có hôm sĩ lên thì bao ăn các bạn đến mấy trăm nghìn đồng. Vì tức giận nên chị đã đánh con.
Cứ ngỡ sau lần đó, con chị đã biết sợ. Nhưng chị phát hiện, sau khi không xin được tiền mẹ thì lại nhịn ăn sáng và ăn bữa phụ (nhiều hôm con đi học thêm đến tối nên chị cho con tiền ăn bữa phụ) để dành tiền mua sắm linh tinh. Thậm chí con còn đi vay mượn của bạn bè. Hai vợ chồng chị đều không có tính phung phí nên chị không hiểu vì sao con lại nhiễm tính đó?
Vì sao nhiều đứa trẻ lại có tính tiêu pha phung phí?
Thực chất, không chỉ con của người mẹ trong câu chuyện nói trên mà còn nhiều đứa trẻ khác có thói quen tiêu tiền rất phung phí, thích mua sắm vô tội vạ. Có rất nhiều nguyên do dẫn đến tình trạng này.
Thứ nhất, môi trường học đường cũng tồn tại cạnh tranh, có sự so sánh ngầm. Khi nhìn thấy các bạn có thứ này, thứ kia mà mình không có, trẻ dễ bị ảnh hưởng, cảm thấy mặc cảm, tự ti, suy nghĩ rất dễ lệch lạc. Trẻ sẽ lợi dụng cơ hội xin tiền cha mẹ để tiêu pha thỏa thích, thỏa mãn sự phù phiếm của bản thân.
Thứ hai, những đứa trẻ chưa được giáo dục kỹ lưỡng về giá trị của tiền bạc cũng rất dễ phung phí tiền. Khi chưa hiểu cách kiếm ra tiền cũng như tiêu tiền, trẻ sẽ không thể sử dụng tiền đúng đắn.
Thứ ba, xã hội ngày nay có rất nhiều cám dỗ. Những người bán hàng sẽ có những chiến lược, chiêu trò tiếp thị nhất định để khiến người mua "móc hầu bao". Chẳng hạn như mua sản phẩm thứ 1, được giảm giá sản phẩm thứ 2; giảm giá duy nhất từ ngày bao nhiêu đến ngày bao nhiêu;... Những điều này khiến trẻ có cảm giác "nếu không mua thì sẽ mất cơ hội" nên bắt đầu mua điên cuồng.
Vậy làm sao để ngăn con tiêu tiền bừa bãi?
Trong những gia đình có khó khăn về tài chính, việc dạy trẻ cái nhìn đúng đắn về tiền bạc là điều vô cùng quan trọng. Cha mẹ có thể thẳng thắn nói với con rằng: Gia đình chúng ta không giàu có lắm nên không thể thường xuyên mua sắm quần áo mới, trang thiết bị mới,...
Ngay cả khi trẻ vẫn muốn tiêu tiền, chúng cũng cần được dạy: Tiêu tiền được, nhưng phải tự kiếm ra tiền! Tiền có được nhờ lao động, không phải từ trên trời rơi xuống. Cần khiến trẻ hiểu rõ tầm quan trọng của tiền bạc trong cuộc sống, giúp trẻ suy nghĩ cẩn thận mỗi khi tiêu tiền.
Trong quá trình dạy con, cha mẹ có thể nhờ con làm những công việc nhà, việc lặt vặt để thông qua đó, con nâng cao kỹ năng sống tự lập, điều chỉnh quan điểm của mình về tiền bạc. Bên cạnh đó, cha mẹ có thể hướng dẫn con ghi chép các khoản thu chi của mình để quản lý ngân sách một cách tốt nhất.