Nhà văn, nhà biên bịch Chu Quang Mạnh Thắng ở cực Đông, Đại Lãnh, Phú Yên. Ảnh: NVCC |
Từ năm 2002, sau một chuyến xuyên Việt, từ Sài Gòn ra Hà Nội thì tôi cảm thấy rất mê đi. Năm 2003, tôi bay ra Bắc và bắt đầu hành trình chinh phục cung đường giáp biển phía Đông bắc, từ Đồ Sơn (Hải Phòng) tới Hạ Long (Quảng Ninh), rồi Cửa Ông, Móng Cái, biển Trà Cổ. Nếu đã đến Móng Cái - Trà Cổ rồi thì phải tới mũi Cà Mau. Vậy là lại lên kế hoạch. Chinh phục cực Nam rồi thì phải đi cực Bắc, cực Tây, cực Đông của Tổ quốc. Rồi Đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ, miền Trung, miền Bắc, Tây Nguyên, biển đảo... Hết trong nước rồi đi phượt các nước lân cận như Lào, Campuchia, Thái Lan...
Anh Thắng học cưỡi ngựa để thêm kỹ năng và bản lĩnh khi đi phượt. Ảnh NVCC |
Tôi đi phượt, từ cái máu phiêu lưu, thích mạo hiểm, thích khám phá, chinh phục, tìm tòi, và niềm đam mê chụp ảnh. Tôi rất mê chụp ảnh phong cảnh và đời sống. Là người cầm bút, sáng tác văn học, phim ảnh, tôi cũng cần đi thật nhiều, càng nhiều nơi càng tốt. Tôi muốn làm giàu thêm vốn sống, kiến thức xã hội, văn hóa...
Có sự cố nào trên đường đi mà anh thường gặp phải hay không? Anh vượt qua, xử lý sự cố ấy như thế nào?
Tháng 6/2013, một lần đi phượt bằng xe máy (hầu hết hành trình trên bộ, tôi đều phượt bằng xe gắn máy) từ thành phố Vinh (Nghệ An) về Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc - Hà Tĩnh). Khi đến ngã ba QL1 rẽ vào Đồng Lộc thì chiếc xe chết máy. Tôi đã đánh liều tự sửa xe. Hơn 1 tiếng đồng hồ mò mẫm sửa chữa, may quá chiếc xe cũng nổ máy được. Và chúng tôi tiếp tục rong ruổi trên đường. Lần khác, là chuyến phượt từ Lạng Giang (Bắc Giang) lên Hồ Cấm Sơn (Lục Ngạn - Bắc Giang), hành trình 160km cả đi lẫn về.
Đêm đó, xuất phát từ Bến Tuần (Lạng Giang - Bắc Giang) lúc 3 giờ sáng, trời còn tối thui, tôi chạy được gần 30km, chuẩn bị đến địa phận huyện Lục Nam thì xe bị bể bánh. Vì sơ suất không mang theo đồ vá và ruột sơ cua nên tôi đành phải dắt xe vài km mới tới 1 khu dân cư. Sau đó, đợi tới 6 giờ sáng mới có tiệm sửa xe mở cửa.
Đứng trước cánh đồng xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh NVCC |
Nhưng có lẽ đáng nhớ nhất vẫn là những chuyến đi phượt ở quần đảo Nam Du - Kiên Giang (năm 2008 và 2015). Tôi đi cùng nhóm bạn trẻ. Do đúng dịp lễ 30/4 nên tàu cao tốc đi Nam Du đã hết sạch vé. Bọn tôi phải đi tàu chợ từ Rạch Giá ra Hòn Sơn, rồi từ đây, thuê ghe câu mực, hành trình sang Nam Du.
Nhóm tôi phải nhờ anh bạn nhà ghe mượn thêm 4 thanh niên nữa đi cùng hỗ trợ nếu chẳng may xảy ra sự cố trên biển. Những người này đều là dân đi biển thực sự, và có khả năng bơi lội giỏi. Chúng tôi mang lên ghe khá nhiều can nhựa, bình nhựa (mượn của dân đảo), và các can, bình, phao cứu sinh… được cột dính thành một dây với nhau, tạo thành một “dây phao” liên kết, để phòng ngừa bất trắc.
Trên đường đi sóng rất lớn, cao trung bình 2,5 mét. Chiếc ghe câu nhỏ xíu liếc theo những con sóng, lúc nghiêng sang phải, rồi bay lên đỉnh ngọn sóng, rồi lại lao xuống, liếc sang trái, rồi lại bay lên… Mỗi cú liếc, mạn ghe lại nghiêng sát một bên xuống mặt nước và sóng đánh tung tóe, nước biển văng đầy mặt các thành viên. Không ai bảo ai, nhưng tất cả đều cảm thấy hồi hộp, lo âu, và nhận thấy, đây là một hành trình vượt biển đầy điên rồ. Hành trình đó kéo dài suốt 1 ngày 1 đêm, với quãng đường biển khoảng 150km cả đi lẫn về, và quãng đường lượn quanh 21 hòn đảo ở Nam Du. Đêm đó, khi trở về tới Hòn Sơn an toàn, cả nhóm thở phào và cảm thấy mệt nhừ do phải vật lộn với sóng biển.
Trước đó 8 năm, khi tôi mới đặt chân tới Nam Du lần đầu, thời đó Nam Du còn hoang sơ và rất ít khách du lịch, tôi cũng bị kẹt ở Nam Du mất 10 ngày, do đi giữa những đợt áp thấp nhiệt đới. Biển động mạnh, các phương tiện ghe tàu đều bị cấm ra khơi. Tôi đã được chứng kiến cảnh dân đảo khổ sở vì suốt nhiều ngày không có “đò”, nguồn hàng hóa tiếp tế từ đất liền ra đảo bị tê liệt hoàn toàn. Người dân cạn kiệt lương thực, thực phẩm, nước ngọt. Một số quán ăn ở gần cầu cảng không có đồ ăn để bán và đều phải tạm đóng cửa.
Mùa cấy lúa ở Ma Lé, Đồng Văn, Hà Giang. Ảnh: Chu Quang Mạnh Thắng |
- Theo kinh nghiệm của anh, dân phượt chuyên nghiệp không thể không mang các vật dụng gì?
Cũng tùy theo từng hành trình, từng điểm đến, từng khoảng thời gian đi phượt (dài ngày hay ngắn ngày), mà tính toán, nên mang theo những thứ gì. Thường thì trong ba lô của tôi, ngoài máy ảnh chuyên nghiệp, máy ảnh mini, máy quay phim mini, pin dự phòng, đèn đóm, áo-dù che mưa, quần áo, vật dụng cá nhân thì còn có thêm vài hộp thuốc tây, chai dầu gió, bông băng cá nhân (để phòng các bệnh lặt vặt và những chấn thương, những vết rách nhẹ rất dễ gặp phải trong quá trình đi phượt, nhất là khi phượt mạo hiểm).
Tôi cũng không thể quên con dao đa năng (giúp mình xứ lý được rất nhiều việc), bật lửa (mặc dù không bao giờ hút thuốc), và lá cờ tổ quốc (để căng cờ Tổ quốc trên các đỉnh núi cao, các đường biên giới và ngoài hải đảo, chụp hình lưu niệm). Điện thoại di động của tôi cài đặt ít nhất là 4 phần mềm, ứng dụng, có khả năng chỉ đường, định vị, xác định phương hướng… để phòng tránh lạc đường.
Nếu đi đảo hoang, thì phải mang theo cả lều bạt, đèn đóm, đồ tắm, phao tắm, kiếng lặn, dụng cụ nấu nướng, đồ ăn, và nước ngọt. Dân phượt nhất thiết phải biết cách nhóm bếp lửa ở bãi biển, trước những cơn gió mạnh thổi vù vù cả ngày lẫn đêm, và làm sao để giữ được than hồng cả đêm trên bãi cát, để nướng đồ nhậu…
Các cô gái dân tộc thiểu số tại Hà Giang. Ảnh: Chu Quang Mạnh Thắng |
- Anh thường đi phượt 1 mình hay có bạn đồng hành?
Tôi đã đi rất nhiều hành trình từ Nam chí Bắc. Có những hành trình đi theo nhóm, đông và vui. Nhưng cũng có hành trình, phải đi một mình. Ví dụ, hồi tháng 3/2015, mình tôi đã phượt gần như khắp miền Bắc (cả Tây Bắc lẫn Đông Bắc) gần 1 tháng trời. Những chuyến đi quá dài ngày, và có cả những hành trình mạo hiểm, nên bạn bè không có đủ thời gian để tham gia.
- Thú phượt 1 mình và đi cùng nhóm, có khác nhau hay không?
Đi phượt nhóm thì vui hơn, và an toàn hơn, nhất là tới các vùng rừng núi, hoặc hải đảo, hoặc những hành trình mạo hiểm. Có đông người sẽ dễ dàng trong việc giúp đỡ, hỗ trợ nhau. Đi phượt 1 mình thì hơi buồn chút nhưng cũng không sao. Chuyến đi Tây Bắc hồi năm ngoái, khi chinh phục các cung đèo lớn nhỏ, rồi chui rúc vào các vùng rừng núi, bản làng ở Lào Cai, Lai Châu… tôi “độc hành” toàn hành trình. Ban đầu chui vào rừng, vào bản làng chỉ có 1 mình, cũng thấy hơi ớn ớn, nhưng rồi phong cảnh đẹp, cùng những con người, văn hóa, tiếng nói, trang phục, mọi thứ lạ lẫm ấy đã cuốn hút lúc nào không hay. Và khi đã “say” cảnh vật rồi thì chuyện đi 1 mình hay đi theo nhóm cũng không còn quan trọng nữa.
Đôi khi, nhiều hành trình đi 1 mình, tôi khám phá, tìm hiểu được nhiều thứ hơn là đi theo nhóm. Hay nhất của việc đi 1 mình là không phải phụ thuộc vào số đông, dọc hành trình cũng không phải chờ đợi ai, và tránh được chuyện thường xuyên xảy ra khi đi theo nhóm, đó là “chín người, mười ý…”.
Đèo Mã Pì Lèng, Mèo Vạc, Hà Giang |
Hiện nay, phong trào đi phượt trong giới trẻ đang bùng phát mạnh mẽ. Tuy nhiên, phần lớn là đi theo phong trào, đi cho vui, cho thích, còn đi để tìm hiểu, để khám phá, chinh phục, tìm tòi… 1 cách đúng nghĩa, thì lại không nhiều. Dân phượt chuyên nghiệp nhất, tôi thấy, đó là các nhóm nhiếp ảnh “nhà nghề”. Họ có văn hóa, có đam mê thực sự, và chính họ đã góp phần không nhỏ trong việc quảng bá du lịch, và những hình ảnh của đất nước với công chúng cả trong và ngoài nước.
Khi đi nhiều, tôi từng chứng kiến nhiều nhóm bạn trẻ ý thức rất kém. Khi tới biển đảo, các khu phong cảnh đẹp, thì luôn xả rác, ồn ào, dẫm đạp, tàn phá cảnh quan. Vào rừng thì vừa xả rác, vừa đốt lửa trại vừa nấu nướng, vui chơi, mà không quan tâm tới chiều gió, hướng gió, và độ bay xa của tàn lửa, xem có an toàn hay không… Những điều đó đã làm ảnh hưởng tới cảnh quan, môi trường, và sự mất an toàn trong việc phòng cháy rừng.
Nhóm phượt của chúng tôi đã không ít lần phải dọn dẹp, gom nhặt rác ở các bãi biển, các hòn đảo hoang, các cánh rừng mà các nhóm du khách đến trước bỏ lại. Sau khi có “mặt bằng” sạch sẽ, bọn tôi mới hạ trại. Và trước khi rút đi, mặt bằng lại được dọn dẹp sạch và được thu gom đến từng mẩu thuốc lá. Trong một số clip du lịch tôi thực hiện, ở phần cuối clip, tôi thường có vài dòng chữ vận động mọi người lưu ý về việc gìn giữ cảnh quan, môi trường và đã được nhiều người đồng tình, ủng hộ.
Đà Lạt, Lâm Đồng. Ảnh: Chu Quang Mạnh Thắng |
Muốn trở thành một “phượt thủ” chuyên nghiệp, thì các bạn trẻ cần phải tự trang bị cho mình thật nhiều kỹ năng như bơi lội, leo đồi núi, lái xe (cả xe máy lẫn xe hơi, nếu bạn muốn có những hành trình thuê xe hơi tự lái), cưỡi ngựa, cưỡi trâu (nếu đi miền núi, miền quê, và đi đường dài vào các bản làng vùng sâu, khi xe máy không còn phát huy tác dụng, các bạn sẽ cần đến ngựa, trâu, nếu không muốn hai đầu gối rụng rời vì lội bộ), và các bạn cũng nên có cả khả năng... mặt ngầu nữa, nếu không may gặp phải những nhóm người xấu chặn đường trấn lột, cướp bóc, xin đểu. Tất cả các hành trình, điểm đến đều phải được nghiên thật kỹ và lên kế hoạch một cách tỉ mỉ, chi tiết, rõ ràng.
Bãi Ngự, Hòn Lớn (Củ Tron) đảo Nam Du. Ảnh: Chu Quang Mạnh Thắng |
Đồi cát Nam Dương, Ninh Thuận. Ảnh: Chu Quang Mạnh Thắng |