Nhà văn Hiệu Constant: Nối nhịp cầu văn hóa Việt - Pháp

Thanh Huyền - CTV
30/01/2020 - 08:32
Nhà văn Hiệu Constant: Nối nhịp cầu văn hóa Việt - Pháp
Như mối lương duyên định mệnh, nhà văn, dịch giả Hiệu Constant trở thành nhịp cầu nối giữa nền văn học Pháp với độc giả Việt Nam với hơn 50 tác phẩm dịch, trong đó có nhiều tiểu thuyết có giá trị... Bên cạnh đó, chị đã viết và xuất bản 5 tiểu thuyết khác và nhiều tác phẩm nữa đang trong giai đoạn thai nghén hoặc chờ xuất bản.

Giấc mơ sau trang sách

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê thuộc Thường Tín (Hà Nội), chị Lê Thị Hiệu (SN 1971) ngày ấy sau giờ học vẫn hay đi nhặt rau, vớt bèo giúp bố mẹ nuôi lợn. Những lúc rảnh rỗi, chị lại thả hồn theo từng trang sách. Thuở đó, cuộc sống còn thiếu thốn, chị không có nhiều sách để đọc, chủ yếu là đọc truyện cổ tích. Đến cấp hai, cấp ba thì chị mới làm quen được với một số tác phẩm văn học dịch. Đặc biệt là các tác giả nổi tiếng như Victor Hugo, Maupassant, Zola…

Nhà văn Hiệu Constant ký tặng sách cho các độc giả

Nhà văn Hiệu Constant ký tặng sách cho các độc giả

Những tác phẩm ấy đã thôi thúc trong chị ước mơ được bay đi khám phá những chân trời mới lạ như những đàn chim di trú khi đông về xuân tới. Qua tác phẩm của những văn hào người Pháp, chị mơ một lần được đặt chân đến thành phố Paris diễm lệ và được đọc văn học Pháp bằng chính ngôn ngữ của nó.

Ngày qua ngày, chị miệt mài học tiếng Pháp và thầm mong một ngày nào đó có thể chinh phục con đường mơ ước của mình. Khi biết chị có ý định thi khối D, cha mẹ chị không giấu được nỗi lo: "Học tiếng Pháp rồi mài chữ ra mà ăn được không con?". Bạn bè thì bàn ra: "Mình ở nông thôn, học ngoại ngữ làm sao bằng chúng bạn ở thành phố?". Chiều ý gia đình, chị đăng ký thi khối B nhưng vẫn âm thầm học tiếng Pháp...

Dù có nhiều nỗ lực nhưng có lẽ vì điều kiện học ở nông thôn không bằng bạn bè cùng trang lứa ở thành phố, chị thi trượt đại học Ngoại ngữ ở năm đầu tiên. Chị ở nhà làm nông giúp mẹ trong vài tháng rồi quyết tâm đi luyện thi đại học trở lại. Để có tiền đóng học phí, chị phải tết thảm ngô và nhận hàng về thêu. Không có tiền thuê nhà trọ, mỗi ngày chị đạp xe lên Hà Nội đi về ngót nghét 60km để học. Đêm xuống, vì nhà chưa có điện chị phải học đèn dầu. Có những hôm vì nhiều muỗi quá, chị đem đèn vào màn học. Mệt quá, chị ngủ quên lúc nào chẳng hay khiến cây đèn ngã dầu đổ ra và bốc cháy. Bố mẹ chị ngửi thấy mùi lửa, lật đật chạy ra lay chị tỉnh dậy… Với sự cố gắng cao độ, mùa tuyển sinh năm sau, chị thi đỗ vào khoa Ngoại ngữ, ngành tiếng Pháp, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Nhà văn Hiệu Constant - Người nối nhịp cầu văn hóa Việt- Pháp - Ảnh 2.

Chị Hiệu Constant bên mâm cỗ Tết truyền thống

Vào đại học đúng như mơ ước song con đường tiếp theo của chị vẫn chưa hết nhọc nhằn. Trường làng ở nông thôn thời ấy dạy ngoại ngữ theo cách chép thuộc lòng từ vựng và làm bài tập, ít chú trọng nghe nói. Còn môi trường học ngoại ngữ ở trường Đại học áp lực hơn rất nhiều, gần như phải nghe nói bằng tiếng Pháp trong những giờ lên lớp. Bởi thế niềm vui đậu đại học kéo dài chưa bao lâu, chị bị ám ảnh bởi nỗi buồn không theo kịp bạn bè. Có nhiều hôm đi học về ký túc xá, chị trốn vào giường nằm khóc. Thế nhưng, chị đã không bỏ cuộc. Tình yêu tiếng Pháp, nghị lực kiên cường đã giúp chị vượt qua mọi khó khăn trở ngại để chinh phục những mơ ước của mình.

Nhịp cầu nối Việt -Pháp qua văn chương

Sau khi tốt nghiệp đại học, chị trải qua một vài mối tình nhưng tất cả đều không đủ sâu sắc để nên duyên vợ chồng. Chị gặp Claude Constant, chồng chị trong lúc đang đi dạo trong một cửa hàng bán quà lưu niệm. Thấy cô nhân viên bối rối khi giao tiếp với người nước ngoài, chị đến giúp và tình cờ "lọt vào mắt xanh" của anh chàng người Pháp. Anh xin số điện thoại và cố giữ liên hệ với chị trong một thời gian dài. Sau bao chuyến đi đi về về giữa Paris và Hà Nội, anh đã cầu hôn chị. Ban đầu, gia đình chị không hài lòng. Nhất là bố chị, ông không đến dự lễ cưới con gái chỉ vì chàng rể là người Pháp. Sau này, nhận ra Claude là người tốt, biết yêu quý vợ con, mọi người mới rộng lòng chấp nhận mối lương duyên này.

Phong tục mừng tuổi đầu năm vẫn duy trì trong gia đình nhà văn Hiệu Constant

Phong tục mừng tuổi đầu năm vẫn duy trì trong gia đình nhà văn Hiệu Constant

Sang Pháp, thời gian đầu chị không đi làm mà đi học ngành Văn học so sánh ở trường Sorbornne, nơi từng in dấu chân biết bao nhiêu nhà văn, học giả lỗi lạc của thế giới. Sau 2 năm học ở Sorbornne, chị bắt tay dịch quyển tiểu thuyết đầu tiên. Đó là tác phẩm "Nỗi niềm" của nữ văn sĩ người Pháp Paule Constant năm 1998. Nhà Xuất bản Hội Nhà văn xuất bản cuốn sách năm 2005. Tác phẩm đầu tay bao giờ cũng gian nan bởi lẽ đây là giai đoạn chị nỗ lực biến những kiến thức hàn lâm đã học vào công việc cụ thể  mà mình yêu thích là trở thành một dịch giả văn học. Không chỉ học các giáo sư ở trường, các nhà văn chị từng gặp, chị còn tìm đến học hỏi và trao đổi với các cô bác Việt kiều, những người am hiểu cả hai ngôn ngữ Pháp - Việt và cả những người bạn Pháp yêu văn chương sống ở gần chị. Khi bắt tay vào dịch, chị làm việc rất nghiêm túc. Với một số tác phẩm, chị nói rằng "không chỉ dịch từ, dịch nghĩa mà đôi khi phải đọc to để cảm nhận âm thanh thì mới dịch chính xác được". Ngoài việc trao đổi trực tiếp với tác giả, dự các buổi nói chuyện của họ, chị còn đến tận nơi đã tạo cho họ nguồn cảm hứng viết tác phẩm để cảm nhận "khung cảnh nhà văn miêu tả trong tác phẩm".

Kể từ lúc đặt chân đến Paris, như mối lương duyên định mệnh, chị trở thành nhịp cầu nối giữa nền văn học Pháp với độc giả Việt Nam với hơn 50 tác phẩm dịch, trong đó có nhiều tiểu thuyết có giá trị như  "Nỗi niềm" của Paule Constant; "Rừng thẳm" của Julien Gracq; "Bóng đen của vầng ánh dương" của Christelle Maurin; "Bạn tôi tình tôi" của Marc Levy… Bên cạnh đó, chị đã viết và xuất bản 5 tiểu thuyết "Côn trùng", "Đường vắng", "Đời du học", "À bientot… hẹn gặp lại" và "Tiếng dế" cùng tự truyện "Làm dâu nước Pháp", 2 tập truyện ngắn "Chênh vênh", "Dưới chân Hòn dấu"… và nhiều tác phẩm khác nữa đang trong giai đoạn thai nghén hoặc chờ xuất bản. 

Chị cũng là đại diện văn học cho một số tập đoàn xuất bản Pháp tại Việt Nam và là đại diện cho một số nhà văn Việt Nam tại Pháp... Đặc biệt là tên và tác phẩm của chị đã được niêm yết trong danh mục các tác giả của thư viện quốc gia Pháp. Ngoài ra, chị còn là một phóng viên tự do cộng tác với nhiều tờ báo ở Việt Nam. Nhiều năm nay, chị còn cộng tác tích cực với đài truyền hình Việt Nam với mục Người Việt năm châu của kênh VTC10 và mục Người Việt bốn phương của VTV4. Chị luôn đưa những tin tức nóng hổi bằng hình ảnh về những hoạt động văn hóa của cộng đồng kiều bào tại Pháp. Chị cũng tham gia làm các bộ phim tài liệu hoặc phóng sự dài của đài Truyền hình Việt Nam.

Nước Pháp đã ươm mầm hạt giống văn chương trong chị nhưng trái ngọt của nó lại thường được mang về và dâng tặng cho quê mẹ Việt Nam.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm