Nhà văn Nguyễn Thụy Anh: "Đừng lấy tiêu chí đọc sách kinh điển để dán nhãn cho văn hóa đọc của giới trẻ"

An Khê (Thực hiện)
26/01/2025 - 07:27
Nhà văn Nguyễn Thụy Anh: "Đừng lấy tiêu chí đọc sách kinh điển để dán nhãn cho văn hóa đọc của giới trẻ"

Nhà văn Nguyễn Thụy Anh trong một buổi giao lưu đọc sách với trẻ em

Sách giấy hay sách điện tử cùng tồn tại song hành và phát triển để mang đến cho người đọc trải nghiệm đa dạng hơn. Tuy nhiên, vẫn có không ít ý kiến cho rằng, phải đọc những tác phẩm kinh điển hay các loại sách nghiên cứu thì mới được gọi là “có văn hóa đọc”.

Là 1 nhà văn được Tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn “Top 20 phụ nữ truyền cảm hứng năm 2021”, Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh đã có chia sẻ với PNVN xung quanh vấn đề này.

Trong một số cuộc hội thảo, có ý kiến cho rằng, giới trẻ ngày nay không chịu đọc sách in, không biết bất cứ tác phẩm kinh điển nào. Ý kiến của nhà văn về điều này như thế nào?

Tôi không hoàn toàn đồng ý với ý kiến đó. Bởi lẽ trên thực tế, chưa có một số liệu điều tra cụ thể nào khẳng định được điều này.

Hiện nay, giới trẻ vẫn đọc nhưng đọc bằng hình thức khác. Đó là đọc bằng công nghệ số. Theo chị, điều này có ảnh hưởng đến văn hóa đọc không?

Đọc sách không chỉ có mục tiêu là tiếp cận và tìm hiểu thông tin. Nếu chỉ tính mục tiêu này thì việc đọc sách online, đọc sách số, nghe sách nói - cũng tính là đọc, là quá trình tiếp nhận thông tin. 

Đọc sách giấy sẽ kích thích tư duy tốt hơn dựa trên các yếu tố cảm xúc khi người đọc cầm sách trên tay, giở từng trang sách, cảm nhận trực quan mùi giấy, trang giấy…. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là đọc theo phương án khác, cách khác thì không phải là đọc!

Sách điện tử là một lựa chọn trong thời công nghệ: Người đọc có thể đọc một lượng sách lớn trong khi di chuyển mà không phải mang vác lỉnh kỉnh. Vì thế, sách điện tử chỉ có thể làm phong phú hơn văn hoá đọc chứ không thể coi là nhân tố ảnh hưởng đến văn hoá đọc! Vấn đề chỉ là có đọc hay không thôi.

Mặc dù độc giả đã thay đổi hình thức đọc, từ đọc sách in sang đọc sách online, nhưng cũng không thể phủ nhận là hiện nay giới trẻ có nhiều người "nghiện" dòng văn học giải trí kém chất lượng. Theo chị, điều này có được coi là văn hóa đọc xuống cấp không?

Như tôi đã nói bên trên, để kết luận về văn hóa đọc, cần có số liệu điều tra và thống kê xã hội học. Nhiều người đang nhận định về văn hoá đọc một cách cảm tính. 

Nếu hiểu văn hoá đọc là xây dựng thói quen đọc cho đại chúng, lựa chọn ấn phẩm có chất lượng để đọc và kỹ năng đọc thì chúng ta vẫn đang trên con đường xây dựng văn hoá đọc thôi, nên không thể nói là "xuống cấp" hay "suy yếu" ngay được.

Đương nhiên, tôi không phủ nhận rằng, các thiết bị công nghệ, các sản phẩm nghe nhìn ảnh hưởng đến việc đọc, đồng thời cũng ảnh hưởng đến phong cách sáng tác của các tác giả, đến hướng đi của các nhà xuất bản. 

Các tác phẩm sau này cũng được viết với văn phong tốc độ hơn, kịch tính hơn để lôi cuốn người đọc hiện đại. Các tác phẩm cũng được xuất bản theo nhiều phương thức: Có sách giấy, có phiên bản điện tử, sách nghe; có video và các mã QR hỗ trợ thêm thông tin; có nhiều phương án tương tác khác với sự hỗ trợ của công nghệ.

“Không nên lấy tiêu chí đọc sách kinh điển để dán nhãn cho văn hoá đọc của giới trẻ”- Ảnh 1.

Nhà văn Nguyễn Thụy Anh giao lưu đọc sách với trẻ em

Sự thay đổi về nhu cầu đọc của người đọc hiện đại khiến cho cách nhìn và đánh giá về việc đọc cũng cần thay đổi.

Theo chị, liệu đã đến lúc chúng ta cần có cái nhìn cởi mở, chấp nhận văn hóa đọc của giới trẻ hiện nay, thay vì chê trách họ?

Tôi nghĩ là chúng ta nên tìm hiểu nhiều hơn là phán xét. Việc nghiên cứu nhu cầu đọc và các phương thức tiếp cận việc đọc của thế hệ người đọc mới sẽ giúp chúng ta có thêm phương án hiệu quả giới thiệu sách kinh điển và các thể loại sách khác cho người đọc trẻ tuổi. 

Không thể lấy tiêu chí đọc sách kinh điển hay đọc tác phẩm nhiều người biết để đánh giá, dán nhãn cho văn hoá đọc của giới trẻ!

Theo tôi quan sát, người trẻ hiện nay nếu đã đọc thì đọc nhiều thể loại, do có nhiều cách tiếp cận thông tin hơn và đề cao sự khác biệt trong việc lựa chọn sách. 

Việc của ngành xuất bản là nghiên cứu nhu cầu người đọc; ngành giáo dục hướng dẫn phương pháp và kỹ năng đọc cho học sinh để kích thích tư duy, xây dựng thói quen đọc, tự học; các thư viện thiếu nhi tìm các hình thức lôi cuốn người đọc… để hỗ trợ văn hoá đọc chứ không phải là phán xét.

Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Thụy Anh!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm