pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhà văn Phan Đức Lộc: Không giấu tham vọng trở thành "cây bút đa di năng"
Trung úy - nhà văn Phan Đức Lộc
Viết để lưu giữ và cất dành kỷ niệm
PV: Viết thơ và văn xuôi, thử sức ở nhiều thể loại văn chương, đâu là thể loại độc giả có thể nhìn thấy rõ "chất" Phan Đức Lộc nhất?
Nhà văn Phan Đức Lộc: Giống như cái cây ngày càng vươn dài bộ rễ để tương thích với sự trưởng thành của mình, tôi bắt đầu hành trình sáng tác từ thơ, tản văn rồi đến truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, nghĩa là từ dung lượng ngắn đến dung lượng dài.
Ngày trước, tôi thích sự thể nghiệm để khám phá bản thân, chọn cho mình "chiếc áo văn chương" vừa vặn nhất. Giờ đây, tôi quan tâm đến chất lượng tác phẩm hơn là thể loại. Một truyện ngắn kéo dài hàng trăm trang vẫn không thành tiểu thuyết.
Một cốt truyện tiểu thuyết o ép lại trong phạm vi 5.000 chữ thì cũng chỉ là một bản tóm tắt mà thôi. Bởi vậy, khi có ý tưởng nảy mầm trong tâm trí, bằng bản năng văn chương và những kinh nghiệm tích lũy, một nhà văn sẽ tự khắc biết được hình thức biểu đạt phù hợp. Tôi không biết "chất" Phan Đức Lộc được thể hiện rõ nhất ở thể loại nào.
Mỗi thể loại văn học đều có những ý nghĩa riêng theo cách này hay cách khác, nên tôi chia đều đam mê cho chúng. Ông cha ta dặn: "Một nghề cho chín còn hơn chín nghề". Nhưng tôi không giấu giếm tham vọng trở thành một cây bút đa-di-năng, được lấn sân sang cả mảng biên kịch. Tôi còn trẻ mà, chấp nhận thử thách, sẵn sàng đối mặt với thất bại.
PV: Tác phẩm bạn hài lòng nhất của chính mình là?
Nhà văn Phan Đức Lộc: Nếu nói về những cuốn sách đã xuất bản, hẳn nhiên ít nhiều sẽ có những định hướng mang tính thương mại (cười). Vậy nên, tôi xin chia sẻ chút về một cuốn sách trong tương lai - "Nói với T", một cuốn tiểu thuyết được khơi nguồn cảm hứng từ hình ảnh người bạn thân thiết của tôi với "Đôi mắt hí.
Sống mũi cao. Khuôn miệng hình trái tim hơi mỏng. Và giọng nói như có đệm trong vùng cổ, vừa ấm, vừa êm, vừa tự nhiên, lại vừa trau chuốt".
Đặc biệt, ở người bạn nguyên mẫu này hội tụ đầy đủ những cặp phạm trù tính cách tương phản đặc sắc của một nhân vật văn chương ấn tượng, hài hước và nghiêm nghị, đơn giản và phức tạp, mong manh và cứng cỏi, bất kham và nhã nhặn, tự trọng và xuề xòa, hòa đồng và kiêu hãnh, nông nổi và tĩnh lặng, nhạy cảm và vô tâm...
Tôi đang viết "Nói với T" bằng sự tưởng tượng, bằng ký ức chập chờn quên nhớ và cả những sự nhào trộn cảm xúc bất quy tắc. Tôi nhận ra, viết về tình bạn còn khó hơn viết về tình yêu gấp nhiều lần.
PV: Có 2 tác phẩm được chọn giảng dạy trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 5, đều là những tản văn gắn với kỷ niệm ở quê. Có phải quê hương gắn bó sâu sắc với Lộc trong cuộc sống và trang viết?
Nhà văn Phan Đức Lộc: Tôi sinh ra và lớn lên ở xứ Nghệ, nơi mà "sương, gió, nắng, mưa lặng lẽ xoay vần/ hết mùa hạn, sang mùa bão lũ", nên tôi thấu hiểu nỗi khổ của những người nông dân lam lũ như ông bà, bố mẹ của tôi. Mảnh đất yêu thương ấy đã gieo vào tâm hồn tôi những hạt giống ký ức vừa nằng nặng nỗi buồn, vừa lấp lánh niềm vui.
Giờ đây, sống và làm việc xa nhà, hình ảnh quê hương trong trái tim tôi lại càng thổn thức, đậm sâu. Vì vậy, như một lẽ tự nhiên, tôi viết những tản văn nhỏ để lưu giữ và cất dành kỷ niệm. "Mùa vừng" và "Quạt mo" là hai trong số đó, những "của để dành" tôi luôn chắt chiu, ấp ủ.
"Giải thưởng khiến tôi viết nghiêm túc hơn"
PV: Nghe đồn, Phan Đức Lộc là người thích chinh phục các giải thưởng văn chương. Với một nhà văn trẻ, giải thưởng có ý nghĩa như thế nào?
Nhà văn Phan Đức Lộc: Giải thưởng không hẳn là thước đo đánh giá sự thành công của một nhà văn. Nhưng đối với tôi, giải thưởng có 3 ý nghĩa cơ bản. Thứ nhất, nó khiến tôi viết nghiêm túc, chỉn chu hơn. Thứ hai, nó là động lực lớn để tôi tự tin dấn thân với đam mê văn chương mình đã chọn.
Cuối cùng, hơi thực dụng một chút, giải thưởng giúp tôi có tiền trang trải cho cuộc sống. Và tôi luôn hiểu một quy tắc trong giới văn chương chính thống, nhà văn thực thụ sẽ nói chuyện với nhau bằng tác phẩm chứ không phải bằng giải thưởng hay số lượng bản in.
PV: Tác phẩm mà bạn đang ấp ủ?
Nhà văn Phan Đức Lộc: Tôi đang ấp ủ nhiều dự định sáng tác. Xin bật mí chút là trong năm nay, tôi sẽ xuất bản một tập thơ và một truyện dài, đều viết về mảnh đất Điện Biên, nơi tôi đang công tác. Sáu năm sinh sống và làm việc tại Điện Biên, tôi luôn ấp ủ dự định viết một cuốn sách về mảnh đất thiêng liêng này.
Như thể nơi lồng ngực tôi, một hạt ban nhỏ đang thao thức cựa mình, thôi thúc tôi cầm bút. Điện Biên trong tôi là những ngọn núi ngời sắc màu kỳ ảo, những câu chuyện lịch sử hào hùng bên bếp lửa bập bùng, những tình cảm nồng ấm của đồng bào các dân tộc anh em và những mùa hoa ban đẹp man mác như dải thổ cẩm được dệt bằng hoài niệm.
Khi sự trải nghiệm đủ chín, sự cảm nhận đủ chạm, tôi mang những điều tôi ấn tượng vào hai tác phẩm mới này, thật tự nhiên, mộc mạc. Và tôi tự hỏi, cây ban có một trái tim hay trái tim tôi vừa mọc một cây ban?
PV: Cảm ơn anh đã chia sẻ.